Máy rửa ly “Made in Việt Nam”
Ngồi trò chuyện, điện thoại ông Linh không ngừng reo. Mỗi lần nghe điện thoại xong, ông lại cười: “Người ta đặt hàng, hỏi thông tin về máy móc. Một mình làm không kịp, mệt thật nhưng thấy người ta chuộng sản phẩm của mình nên thích quá, làm việc quên cả mệt”.
Ông Linh vừa nói vừa dẫn khách “mục sở thị” máy rửa ly do chính mình chế tạo. Chiếc máy nhỏ gọn bằng giá đựng ly, đặt ở góc nhà. Máy gồm 4 bộ phận chính: Hệ thống phun nước, trục quay, tâm mút rửa bên ngoài và thau đựng nước bẩn. Quy trình vận hành của máy như sau: Nước được phun vào ly, trục quay với 2 lớp cao su đảm nhận nhiệm vụ cọ sạch bên trong ly từ đáy lên đến cổ. Lớp cao su có khả năng tự co giãn nên phù hợp với tất cả loại ly to, nhỏ hoặc cao, thấp khác nhau. Tấm mút có tác dụng cọ sạch mặt ngoài của ly. Rửa xong chỉ việc lấy ly đặt lên giá.
Theo lời ông Linh, dù không cần loại hoá chất nào nhưng chiếc ly vẫn được rửa sạch nhờ 2 miếng cao su cọ đánh với tốc độ trục quay lên tới 1600 vòng/phút. Thời gian rửa mỗi chiếc ly mất chưa tới 4 giây. Ông Linh giới thiệu người sử dụng không cần chuẩn bị gì, chỉ việc bật công tắc, đưa ly vào rồi lấy ra. Bình quân rửa được 1000 ly/giờ.
Không những rửa sạch, máy rửa ly giúp tránh được những tai nạn như trầy xước tay do ly sứt vỡ gây ra. Nhờ rửa từng chiếc một nên hạn chế khả năng ly vỡ do va đập vào nhau. Mức độ an toàn được ông Linh đặt lên hàng đầu. Nhiều người lo lắng bởi máy vận hành bằng điện nhưng hoạt động trong môi trường nước, có thể giật.
Ông Linh tự tin giải đáp, toàn bộ hệ thống điện được bao bọc kín, ông còn lắp thêm hệ thống chống giật. Quan trọng nhất, máy rửa ly hoạt động theo nguyên tắc truyền lực gián tiếp thông qua dây curoa nên hệ thống điện gần như cách ly hoàn toàn với nước.
Quyết tâm mang lại tiện ích tối đa, ông Linh sáng tạo thêm phần thau hứng nước bẩn “lợi cả đôi đường”. Thau hứng có thể xoay linh động giúp người dùng lựa chọn lối thoát nước mà không cần dịch chuyển toàn bộ khung máy. Đặc biệt, thau hứng được thiết kế chứa 2/3 thể tích, nước vượt mức trên sẽ tràn ra ngoài, đọng lại chất cặn bên dưới, tránh chất cặn bã đổ thẳng xuống hầm cống gây tắc nghẽn.
Cuối cùng là vấn đề giá thành, mỗi máy rửa ly có giá chỉ 4 triệu đồng, bằng 1/8 giá các loại máy nhập ngoại trên thị trường. Không chỉ giá thành rẻ, mức tiêu hao nhiên liệu cũng siêu tiết kiệm. Theo tính toán, máy rửa 1000ly tốn 17 lít nước và chưa tới 1kwh điện.
Ông Linh trình bày nguyên tắc hoạt động của máy rửa ly |
Nhắc lại hành trình cho ra đời máy rửa ly, ông lắc đầu không nhớ đã qua bao nhiêu lần thử nghiệm thất bại. Ban đầu máy không thể rửa sạch những vết dầu mỡ ở phần đáy, ông trằn trọc lắp thêm miếng cao su rồi bôi mỡ lợn rửa thử. Vẫn chưa sạch, ông lại vắt óc khắc phục bằng cách chỉnh sửa máy móc, tăng tốc độ quay của trục.
Nguyên lý lực ly tâm chính là “nút thắt” giúp ông sáng chế ra máy rửa ly. Bắt đầu nảy sinh ý tưởng máy rửa ly từ năm 2012 nhưng mãi đến tháng 7/2014 mới cho ra đời chiếc máy hoàn chỉnh. Hiện máy rửa ly mang thương hiệu “Linh Huế” đã được bán ra thị thường. Đa phần khách đến mua đều được bạn bè, người thân dùng trước đó giới thiệu. “Các chủ quán cà phê đặt mua nhiều nhất, sắm chiếc máy tiết kiệm nhân lực đáng kể. Người ta tự truyền tai nhau chứ tôi không quảng cáo gì”, ông Linh kể.
Nghệ sĩ đam mê sáng chế máy móc
Trước sản phẩm máy rửa ly, cái tên Nguyễn Duy Linh từng xuất hiện trên báo đài với sản phẩm sáng chế máy bay mô hình điều khiển từ xa. Ông cũng là tác giả máy thái củ mì đang được nông dân ứng dụng rộng rãi. Chưa hết, những búp bê thiên thần (búp bê nữ trưng bày trong các lễ noel, Tết) cũng là sản phẩm của ông.
Ngạc nhiên khi biết rằng ông Linh chưa từng trải qua bất kì lớp học nào về chuyên ngành cơ khí, điện máy, mà vốn được đào tạo về… nghệ thuật. Sinh ra lớn lên ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), từ nhỏ cậu bé Linh đã bộc lộ năng khiếu hội họa. Lớn lên ông theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, chuyên ngành hội họa điêu khắc. Thời gian mới giải phóng cũng là lúc ông Linh tốt nghiệp. Ra trường, ông lang thang khắp các quán cà phê nhận trang trí thuê.
Đầu năm 1976, ông vào miền Nam lập nghiệp, tiếp tục trang trí quán cà phê, khi phụ hồ, khi buôn bán áo quần vỉa hè. Được thời gian ngắn, ông về Đồng Nai làm việc cho công ty xây dựng. Chính thời gian ở đây đã khơi mào sự sáng tạo.
Cụ thể, một hôm đi phụ nhổ củ mì, nhìn cảnh người dân cặm cụi thái mì (củ sắn), ông đăm chiêu suy tư: “Phải làm sao chứ thái kiểu này biết lúc nào mới xong”. Từ tự vấn đó, ông quyết tâm mày mò, tìm bánh trớn trong máy nổ bỏ đi, mua lưỡi dao cũ về lắp ghép thành máy thái mì.
Ông nhớ lại: “Năm 1977 tôi chế thành công máy thái củ mì. Máy hoạt động trơn tru ngay lần đầu thử nghiệm, đạt công suất 400kg/giờ, mỗi ngày 1 người có thể thái cả tấn khoai mì. Máy chạy bằng dầu Diezen nên cực kì tiết kiệm nhiên liệu”.
Năm 1989 ông Linh tiếp tục sáng chế búp bê thiên thần. Chuyện là trong lúc đi lễ nhà thờ, ông Linh thấy búp bê xuất xứ từ Trung Quốc tuy đẹp nhưng giá thành cao, lại chỉ thực hiện vài động tác cơ bản. Thoáng nghĩ xong, ông gom vốn mua lại cả xe tải búp bê đem về “mổ xẻ” tìm nguyên lý hoạt động, sau đó ông thay đổi hình dáng, cải thiện máy móc.
Con búp bê của ông làm ra không chỉ đẹp mà có thể xoay người 180 độ, biết giơ tay chào, cúi đầu nên bán đắt như tôm tươi. Năm 2008, ông gây xôn xao dư luận với sản phẩm máy bay mô hình điều khiển từ xa.
Một số sáng chế của ông Linh |
Xuất thân từ nghệ thuật, chưa từng trải qua bất kì lớp đạo tạo cơ khí nào nhưng vì sao lại sáng chế ra nhiều máy móc? Ông cười: “Nếu đam mê, chịu khó tìm tòi sẽ làm được tất cả”. Kinh nghiệm của ông là phải biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế và dám nghĩ, dám thử. Chẳng hạn như máy rửa ly, trong lúc uống cà phê, nhìn những người làm công rửa ly vất vả, ngoáy khăn lau mỏi tay đã loé lên ý tưởng: “Tại sao không sáng chế chiếc máy rửa thay con người”. Bí quyết ông Linh tìm ra nguyên lý hoạt động của máy móc cực kì đơn giản: “Tôi thấy người ta cầm khăn ngoáy lau nên nghĩ chế tạo trục quay hoạt động theo nguyên lý lực ly tâm”.
Ông Linh chia sẻ dự định sắp tới sẽ tiếp tục nghiên cứu sáng chế máy rửa chén bát. Riêng máy rửa ly, ông đang hoàn thiện hơn nữa, dự định chuyển sang vật liệu nhựa, kết hợp toàn bộ các chi tiết thành dây chuyền khép kín./.