Truy nã ông chủ WikiLeaks vì cáo buộc ’hiếp dâm’

Tòa án Thụy Điển vừa ra lệnh bắt giữ đối với nhà sáng lập trang web WikiLeaks Julian Assange theo đề nghị của Viện kiểm sát. Lệnh truy nã quốc tế đối với nhân vật này cũng sắp được Viện kiểm sát phát đi trong khuôn khổ một cuộc điều tra về “hiếp dâm và tấn công tình dục”.

Tòa án Thụy Điển vừa ra lệnh bắt giữ đối với nhà sáng lập trang web WikiLeaks Julian Assange theo đề nghị của Viện kiểm sát. Lệnh truy nã quốc tế đối với nhân vật này cũng sắp được Viện kiểm sát phát đi trong khuôn khổ một cuộc điều tra về “hiếp dâm và tấn công tình dục”.

Ông Julian Assange.
Ông Julian Assange.

Thẩm phán Alan Camitz thuộc tòa án Stockholm tuyên bố: “Chúng tôi đã quyết định bắt giữ ông ta”. Thủ tục này tương đương với một lệnh truy nã. Về phần mình, công tố viên phụ trách hồ sơ Marianne Ny nói: “Chúng tôi sẽ truy lùng ông ta trên phạm vi quốc tế, qua tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol)”.

Bà Marianne Ny nói thêm, hiện bà không biết chính xác khi nào thì lệnh truy nã quốc tế được phát đi nhưng “có lẽ sẽ sớm thôi”. Sáng 18/11, bà Ny đã đề nghị Tòa án Stockholm phát lệnh truy nã chống Julian Assange để có thể “thẩm vấn ông ta”. Ny giải thích rằng, cuộc điều tra đã tới giai đoạn không thể truy tố mà không thẩm vấn Assange.

Hồi tháng 8, một lệnh truy nã đã từng được phát đi sau lời khai của hai người phụ nữ cáo buộc Assange cưỡng bức và tấn công tình dục họ. Hai người phụ nữ này chỉ lên tiếng cáo buộc Assange mà không chính thức kiện ông ta. Vì vậy, lệnh truy nã đầu tiên này được hủy bỏ vài giờ sau đó và các cơ quan liên quan đã khép lại hồ sơ vụ việc.

Tuy nhiên, hôm 1/9, bà Ny quyết định mở lại cuộc điều tra, nhưng không phát đi lệnh bắt giữ. Lúc đó, Assange, công dân Australia 39 tuổi, đang cư trú tại Thụy Điển, nhưng hiện đã rời khỏi đây. 

Hôm 18/11, trước Tòa án Stockholm, Viện Kiểm sát Thụy Điển đề nghị tòa án ra lệnh truy nã chống Assange vì hai lần tấn công tình dục tại Stockholm, trong đó có lần tấn công rồi hiếp dâm một phụ nữ. Ny khẳng định, chỉ có 2 nạn nhân được giả định trong vụ này.

Tuy nhiên, luật sư người Thụy Điển của Assange, Bjorn Hurtig, phản ứng: “Ông ta (Assange) phủ nhận mọi cáo buộc… và chúng tôi không nghĩ đề nghị bắt giữ đồng nghĩa với một việc đơn giản là thẩm vấn”. Luật sư này cũng nhấn mạnh một cuộc thẩm vấn có thể được tổ chức bằng “nhiều cách khác”.

Bà Ny đáp lại rằng, cho đến nay "đã hết mọi thủ tục bình thường để tiến hành một cuộc thẩm vấn". Luật sư của hai nạn nhân giả định của các vụ tấn công tình dục là Claes Borgstrom cũng mong muốn lệnh bắt giữ quốc tế Assange được phát đi sớm.

Hôm 4/11, tại Geneve, Assange đã thông báo kế hoạch công bố của WikiLeaks nhiều tài liệu mật về nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, trong những tháng tới. 

Sau khi công bố 77.000 trang tài liệu mật về cuộc xung đột ở Afghanistan hồi tháng 7, WikiLeaks lại tiếp tục tung lên mạng gần 400.000 bản báo cáo khác hồi tháng 10, cho thấy quân đội Mỹ đã “không làm gì” để ngăn chặn các vụ tra tấn do lực lượng Iraq gây ra.

Assange cho rằng, những cáo buộc chống lại ông ta tại Thụy Điển là “chiến dịch vu khống”, có thể do Lầu Năm Góc chỉ đạo nhằm làm bẩn danh tiếng trang web của ông ta, vốn được xem như “cái gai” trong mắt giới quan chức quân đội Mỹ.

T.T (Theo AFP)