Từ sự việc trên, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc đã chia sẻ với PLVN những thông tin về ngộ độc khí CO, nguyên nhân cũng như cách phòng tránh...
Gia đình nguy kịch trong phòng lạnh kín chạy máy phát điện
Thông tin trực tiếp từ người bạn ăn tối cùng gia đình nạn nhân, bữa tối 11/5 có 5 người ăn, thức ăn gồm cá lưỡi trâu chiên, cá bạc má chiên, vịt kho và rau. Hai người đàn ông uống thêm rượu, ba mẹ con chị Trang ăn cơm với những món đó nhưng mấy đứa nhỏ không ăn rau.
Sau khi ông bạn nhậu đi về, khoảng 11h đêm thì đảo cúp điện. Ngày hôm đó, anh Bình mới mua cái máy phát điện và chạy máy lạnh từ tối tới sáng.
Theo BS. CKII Lê Công Lĩnh - Giám đốc Trung tâm Y Tế huyện Phú Quốc cho biết: “Khảo sát thực tế là những món ăn đó không có ngộ độc, vấn đề ở chỗ máy phát điện chạy thải ra khí CO nhiều quá, chuyện này không phải mới vì những chuyện ngộ độc khí CO thường xảy ra. Ngoài đó, sợ mất trộm, nên anh vợ chồng anh Bình ngủ chốt cửa. Đến 8h sáng, người mua cá ghé kêu cửa hoài không lên tiếng, nên gọi cho hàng xóm đập cửa xông vào thì đứa nhỏ 10 tuổi đã chết, ba người còn lại mê man. Ba người kia được Bộ Tư Lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 chở ra Trung tâm y tế huyện Phú Quốc lúc 19h cùng ngày, sau khi sơ cứu ban đầu, đến nay người chồng đã được xuất viện.”
BS. CKII Lê Công Lĩnh - Giám đốc Trung tâm Y Tế huyện Phú Quốc |
Bác sỹ Lĩnh cho biết thêm: “Theo kinh nghiệm thực tế trong cấp cứu, các nạn nhân trong gia đình khó có khả năng ngộ độc thực phẩm vì những biểu hiện khi chuyển đến trung tâm y tế như ít ói, khát nước".
Cũng theo bác sĩ Lĩnh, các bệnh nhân đều được điều trị miễn phí 100% ngoài hạng mục có bảo hiểm. Hiện chị Trang (vợ anh Bình) đã chuyển tuyến lên TP HCM, cháu Khang (SN 2004) đang còn điều trị tại BVĐK tỉnh Kiên Giang. Riêng anh Bình đã xuất viện (chồng chị Trang). Mẫu thức ăn và dịch dạ dày đã được chuyển về Trung tâm CDC của tỉnh Kiên Giang xét nghiệm.
CO (Carbon Monoxide) - kẻ giết người thầm lặng
Về vụ việc này, BS.CK1 Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Y Tế huyện Phú Quốc chia sẻ thêm: “CO (Carbon Monoxide) là một loại khí không mùi vị, sẽ gây ra ngộ độc từ từ vào cơ thể con người. Chúng ta đều biết rằng con người sống bằng cách hít khí O2 và thở ra khí CO2. Như vậy xung quanh chúng ta có rất nhiều khí CO2 do con người và muôn loài thải ra. Khí này sẽ được hệ thực vật hấp thụ lại và sản sinh ra khí O2. Khí CO2 không độc, không gây cháy nổ, tất nhiên khi nồng độ quá cao sẽ gây nguy hại đến sức khỏe con người vì nó nặng hơn không khí nên có thể tích tụ tại nơi kín khí”.
BS Tuấn khuyến cáo, triệu chứng ngộ độc CO thường bắt đầu bằng cảm giác bần thần, nhức đầu, buồn nôn, khó thở rồi từ từ đi vào hôn mê. Và khi lượng CO còn tăng cao hơn nữa lên đến hơn 40% lượng khí hít vào của một người, thì hơi thở sẽ dồn dập, nghẹt cứng phổi không còn hoạt động được nữa. Lúc đó nạn nhân có thể sẽ bị lên cơn co giật, bất tỉnh, não bị tổn thương vĩnh viễn, tim ngừng đập, và tử vong. Nếu ngộ độc CO xảy ra khi đang ngủ say hoặc uống rượu say thì người bị ngộ độc sẽ hôn mê từ từ, ngưng thở và nguy cơ tử vong cao. Rất nhiều trường hợp đã bỏ mạng khi nằm ngủ trong ôtô bật máy lạnh đậu trong nhà kín, hoặc đốt lò than sưởi trong nhà…
BS.CK1 Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Y Tế huyện Phú Quốc |
Cách phòng tránh khi bị ngộ độc khí CO (Carbon Monoxide)
Giám đốc Trung tâm Y Tế huyện Phú Quốc Lê Công Lĩnh khuyến cáo, khi ở trong phòng kín mà sử dụng máy phát điện hoặc đồ dùng sinh ra khí CO thì lúc cơ thể cảm thấy khó thở, hơi choáng, cần nhanh chóng dậy mở cửa phòng, tắt ngay các thiết bị hoặc ra ngoài phòng để không bị mệt mỏi do thiếu khí. Không đặt máy phát điện trong nhà, hay ở gầm sàn nhà, máy phát điện phải để cách xa cửa sổ và cửa chính đang mở. Tuyệt đối không dùng than tổ ong, than củi để sưởi trong phòng kín. Không nổ máy xe máy, xe ô tô trong phòng, trong gara kín gió, kín cửa.
Nếu thấy có người bị ngạt khí, cần mở hết các cửa để không khí tràn vào và đưa ngay nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc, nhanh chóng đưa tới bệnh viện cấp cứu, hạn chế di chứng. Trong trường hợp ngạt khí do hỏa hoạn, nạn nhân cần tìm khăn ướt ấp ngay vào mũi để bảo vệ đường hô hấp trong khi tự tìm cách thoát ra hoặc chờ người đến cứu. Người đến cấp cứu nạn nhân cũng cần nhanh chóng gọi thêm người hỗ trợ, đề phòng bị ảnh hưởng khí độc. Quá trình tới viện nếu nạn nhân thở yếu hoặc bất tỉnh, cần phải hà hơi thổi ngạt.
Cùng với những biểu hiện nhiễm độc CO do hỏa hoạn, nạn nhân có thể xuất hiện thêm các triệu chứng của tình trạng say nóng, vết thương bị phỏng, do đó cần đưa nạn nhân ra khỏi đám cháy, nới lỏng quần áo, làm mát bằng quạt gió hoặc chườm khăn mát. Thực hiện sơ cứu các vết thương phỏng (nếu có) bằng cách sử dụng nước mát, sạch, dội nhẹ lên vết thương, chườm đá vùng bị phỏng và băng ép nơi tổn thương để chống thoát dịch. Sau đó nhanh chóng gọi điện thoại cấp cứu hoặc chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.