Trong số đó, tờ Guardian dẫn báo cáo cho hay, có đến 2/3 các trường hợp này, tức khoảng 8,2 triệu ca tử vong là do các bệnh không truyền nhiễm như đột quỵ, ung thư và bệnh tim, tăng đáng kể so với thời điểm 10 năm trước.
Cũng theo báo cáo, trong khi số ca tử vong do các bệnh truyền nhiễm, bao gồm tiêu chảy và sốt rét, đã giảm đáng kể từ năm 2006, số ca tử vong do các bệnh không truyền nhiễm có liên quan đến tình trạng ô nhiễm trong và ngoài trời, biến đổi khí hậu và tiếp xúc với hóa chất tổng hợp.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 2 “kẻ giết người môi trường” lớn nhất toàn cầu là đột quỵ (giết chết 2,5 triệu người mỗi năm), bệnh tim (2,3 triệu người) và các chấn thương vô tình như tai nạn giao thông, cướp đi sinh mạng của 1,7 triệu người mỗi năm. Các bệnh ung thư có liên quan đến môi trường là nguyên nhân khiến 1,7 triệu người thiệt mạng, các bệnh về đường hô hấp “giết” 1,4 triệu người và bệnh tiêu chảy “đứng sau” với 846.000 trường hợp tử vong mỗi năm.
“Một môi trường lành mạnh là nền tảng cho một cộng đồng dân cư khỏe mạnh” - Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan tóm tắt bản báo cáo và nói rằng, nếu các nước không có những hành động để người dân được sống và làm việc trong một môi trường khỏe mạnh thì hàng triệu người sẽ mắc các bệnh tật và tử vong khi còn quá trẻ.
Vẫn theo báo cáo, có rất nhiều trường hợp tử vong trên toàn cầu có liên quan đến tình trạng nghèo đói và đô thị hóa nhanh chóng, khi tình trạng ô nhiễm môi trường trong và ngoài trời gia tăng một cách đáng kể.
“Sự suy giảm chất lượng không khí đã được ghi nhận ở nhiều thành phố nơi nhiều người dân có mức độ thu nhập trung bình và thấp trên khắp thế giới trong những năm gần đây. Việc tiếp xúc nhiều hơn với bầu không khí bị ô nhiễm chủ yếu làm tăng các bệnh không lây nhiễm nhưng cũng làm tăng số trường hợp mắc các bệnh về hô hấp ở trẻ dưới 5 tuổi” – báo cáo cho hay.
Cũng theo báo cáo này, các rủi ro hiện đại như ô nhiễm môi trường xung quanh và việc sử dụng hóa chất không an toàn có xu hướng tăng ở các nước đang trải qua quá trình phát triển nhanh chóng, trước khi các yếu tố như vậy được cải thiện khi các thành phố này đã chuyển đổi hoàn toàn thành các thành phố có thu nhập cao.
Theo báo cáo của WHO, ô nhiễm môi trường và việc công nghiệp hóa nhanh chóng ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác ở khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương hiện là nguyên nhân chính của các trường hợp tử vong cũng như tật bệnh ở các nơi này. Sự gia tăng đột biến về sản xuất công nghiệp, đô thị hóa và sở hữu ô tô đã đưa những khu vực này trở thành những nơi đứng đầu bảng về xếp hạng môi trường không lành mạnh, với 7,3 triệu trường hợp tử vong mỗi năm. Báo cáo nhấn mạnh, hầu hết các trường hợp tử vong này đều có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Theo WHO, ung thư hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trung bình, 20% dân số toàn cầu và 1/3 dân số ở các nước công nghiệp hóa sẽ mắc bệnh này. Trong đó, khoảng 19% các bệnh ung thư có một phần nguyên nhân từ các yếu tố môi trường. Hút thuốc là yếu tố có nguy cơ gây ung thư phổi cao nhất, nhưng hơn 20 yếu tố về môi trường khác cũng đã được chứng minh là có thể gây ung thư ở người.
Những phát hiện này cho thấy nhu cầu cấp thiết cần phải đầu tư vào các chiến lược để giảm các nguy cơ về môi trường tại các thành phố, nhà ở và công xưởng của chúng ta. Những khoản đầu tư như vậy có thể giảm đáng kể gánh nặng toàn cầu đang gia tăng về các bệnh tim mạch và hô hấp, chấn thương và ung thư, từ đó giúp tiết kiệm được chi phí về chăm sóc sức khỏe” – bà Maria Neira, Giám đốc WHO về sức khỏe cộng đồng kết luận.