Cụ thể, tại khoảnh 6, tiểu khu 614, xã Lộc Ngãi có 42 cây thông bị khoan lỗ, đổ hoá chất làm chết cây rừng (có biểu hiện vàng lá) tổng trữ lượng lâm sản 38,29 m3; còn tại khoảnh 5, tiểu khu 614 có 51 cây Thông 03 lá bị khoan lỗ, đổ hóa chất làm chết cây rừng (có biểu hiện vàng lá) tổng trữ lượng lâm sản 67,082 m3. Cả 2 diện tích này đều thuộc đối tượng rừng sản xuất là rừng tự nhiên, thuộc lâm phần do Công ty Cổ phần Hà Phong quản lý và chưa xác định được đối tượng vi phạm.
Trước sự việc trên, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đề nghị UBND huyện Bảo Lâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan (Công an huyện, hạt Kiểm lâm, UBND xã Lộc Ngãi, đơn vị chủ rừng...) tập trung điều tra, truy tìm các đối tượng vi phạm thực hiện hành vi vi phạm; sớm hoàn thiện hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật tạo tính răn đe giáo dục, phòng ngừa chung.
Đồng thời, rà soát các băng/nhóm chuyên tổ chức các hoạt động phá rừng/ken cây với mục đích chiếm đất, sang nhượng trái phép để có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn.
UBND huyện Bảo Lâm được yêu cầu chỉ đạo đơn vị chủ rừng phối hợp Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương tìm giải pháp cứu chữa số cây Thông 3 lá bị khoan lỗ, đổ hóa chất nêu trên; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, phát huy lực lượng nhận khoán trong công tác tuần tra bảo vệ rừng...
Ngoài ra, huyện tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân có liên quan theo đúng quy định. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chủ rừng trên địa bàn chủ động, phối hợp với hạt Kiểm lâm, chính quyền địa phương cấp xã kiểm tra, rà soát các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp.
Trước đó, ngày 14/7, tại lô 14, lô 16, khoảnh 4, tiểu khu 264 thuộc địa giới hành chính thôn 9 (xã Mê Linh, huyện Lâm Hà) có 143 cây thông 3 lá có tuổi đời hàng chục năm vừa bị cưa hạ. Khám nghiệm hiện trường xác định, đây là rừng sản xuất là rừng trồng từ năm 1997, tổng diện tích rừng bị tác động là 1.372 m2, khối lượng lâm sản bị thiệt hại là 16.879 m3.
Lực lượng chức năng sau đó xác định vụ việc do Trương Văn Thương (1987, trú tại TDP Đông Anh 3, thị trấn Nam Ban) và Nguyễn Văn Tiến (1993, trú tại thôn 9, xã Mê Linh, cùng ở huyện Lâm Hà) thực hiện.