Bởi trong thông báo hôm 25-10, hãng luật này khẳng định sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng. Vì Appleby có tên trong một báo cáo của Liên đoàn Phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ) đứng sau vụ bê bối "Hồ sơ Panama".
Ngày 24-10, tờ The Guardian dẫn lời Công tố viên trưởng Carmelo Zuccaro ở đảo Sicily, Italia - không loại trừ khả năng Mafia Italia đứng sau cái chết của nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia. Bởi bà Daphne Caruana Galizia từng có vài bài báo về đường dây buôn lậu xăng dầu trị giá hàng chục triệu euro từ Libya qua Malta trước khi vào các thị trường châu Âu, và nhiều người đã bị “điểm danh”.
Và trong các cáo trạng, ngành công tố Italia liệt Mafia Italia là trung tâm của vụ buôn lậu xăng dầu trị giá 30 triệu euro trong 12 tháng qua. Công tố viên trưởng Carmelo Zuccaro đang điều tra đường dây buôn lậu xăng dầu này. Trùm đường dây kể trên là Fahmi Bin Khalifa, và hắn có liên kết với Mafia Santapaola ở Catania (Sicily), bị qui trách nhiệm giết nhà báo Giuseppe Fava người Sicily năm 1984.
Ngày 22-10, cả 7 tờ báo lớn ở Malta đều in trang nhất màu đen cùng dòng chữ in đậm "Ngòi bút khuất phục sợ hãi", để tang nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia. Cùng ngày 22-10, hàng ngàn người đã đổ xuống đường phố ở thủ đô Valletta của Malta để bày tỏ sự phẫn nộ trước cái chết của nữ nhà báo điều tra nổi tiếng Daphne Caruana Galizia. Họ yêu cầu công lý được đáp ứng và buộc tội cảnh sát không tìm thấy bất kỳ manh mối nào cho dù đã mở cuộc điều tra. Người biểu tình yêu cầu Cảnh sát trưởng Malta Lawrence Cutajar từ chức.
Phát biểu trước đám đông, ông Christophe Deloire, Tổng thư ký của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, đã so sánh sự trùng hợp giữa vụ ám sát bà Daphne Caruana Galizia với vụ tấn công vào tạp chí Charlie Hebdo hồi tháng 1-2015. Ủy ban Bảo vệ Các Nhà báo (CPJ) kêu gọi các nhà chức trách Malta nhanh chóng đảm bảo công lý cho bà Daphne Caruana Galizia. “Daphne Caruana Galizia đã bỏ nhiều công sức điều tra những hành động sai trái trong giới chính trị, kinh doanh và hình sự ở Malta. Việc điều tra vụ sát hại cô ấy phải triệt để, đáng tin cậy và kịp thời”.
Hiện trường vụ ám sát nhà báo nữ Caruana Galizia |
Ngày 21-10, Chính phủ Malta đã treo khoản tiền thưởng trị giá 1 triệu euro cho các thông tin về nghi phạm gây ra cái chết của bà Daphne Caruana Galizia, người dám công khai mối liên quan giữa quan chức Malta, trong đó có cả Thủ tướng, trong vụ bê bối “Hồ sơ Panama”. Trước đó, nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, đã tuyên bố thưởng 20.000 euro cho thông tin về những kẻ giết người. Thủ tướng Joseph Muscat đã ra lệnh cho lực lượng cảnh sát liên hệ với giới chức an ninh để giúp xác định thủ phạm.
Đồng thời cho biết, đã đề nghị chính phủ Mỹ và nhân viên Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang giúp điều tra vụ sát hại bà Daphne Caruana Galizia. Cảnh sát cho biết, nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia đã chết sau khi chiếc Peugeot 108 của bà bị một quả bom cực mạnh cài trong xe phát nổ, xé toang thành nhiều mảnh văng khắp nơi trên một cánh đồng gần đó. Được biết, vụ đánh bom xe diễn ra vào khoảng 15h ngày 16-10, chưa đầy 1 tiếng sau bài viết của bà Daphne Caruana Galizia đăng trên Running Commentary.
Theo tờ The Guardian, nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia, 53 tuổi, là người dẫn đầu cuộc điều tra về nạn tham nhũng tại Cộng hòa Malta (quốc gia nhỏ nhất châu Âu), sau khi bà cùng nhiều phóng viên khác tiết lộ “Hồ sơ Panama”. Trang web Politico đã bình chọn bà Daphne Caruana Galizia là một trong 28 người tạo ra “cơn địa chấn” ở châu Âu năm 2017 và là “Nữ chủ WikiLeaks”. Theo giới truyền thông, bà Daphne Caruana Galizia tiếp tục phanh phui bê bối của Thủ tướng Joseph Muscat và gia đình ông - sở hữu nhiều tài khoản ngân hàng bí mật ở nước ngoài.
Ngoài ra, nữ nhà báo còn cáo buộc vợ Thủ tướng Joseph Muscat có liên quan tới nhiều công ty ở nước ngoài, can dự vào vụ bán hộ chiếu Malta do 3 người điều hành, và nhận tiền từ con gái Tổng thống Azerbaijan. Đầu năm 2017, Thủ tướng Joseph Muscat đã kiện nữ nhà báo sau khi bà Daphne Caruana Galizia cáo buộc vợ ông có cổ phần trong một doanh nghiệp ở Panama./.