Truyền hình thực tế tạo scandal kiếm "bội tiền"

Nhiều người đã đặt câu hỏi về chiêu trò của truyền hình thực tế và cách kiếm tiền từ “pr bẩn”. Một cách làm mà không thiếu doanh nghiệp đã làm và đã thành công về mặt doanh thu, cho dù cách làm đó bị công chúng lên án là phi đạo đức.

…Các ông bầu tha hồ thao túng sân chơi, biến nó thành nơi "nhăng nhố", nhưng thu bội tiền. Với không ít doanh nghiệp, "làm ăn" như vậy được cho là thành công.

Theo thông báo số 1965/TB-QC  ngày 12/9 của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền hình (TVAd - Đài truyền hình Việt Nam), đơn giá cho 10 giây quảng cáo trước chương trình Giọng hát Việt- The Voice thấp nhất là 75 triệu đồng và cao nhất là 90 triệu đồng. Với suất quảng cáo 15 giây, giá là 90-108 triệu; 20 giây giá 112,5-135 triệu và 30 giây là 150-180 triệu đồng.

Đây là đơn giá áp dụng từ ngày 23/9 đến 13/1/2013, với tổng cộng 12 chương trình và càng về giai đoạn cuối càng đắt tiền hơn.

Sau Scandal dàn xếp thí sinh được tung ra trên mạng và buổi họp báo “diễn kịch” của Công ty Cát Tiên Sa, cộng đồng mạng thực sự nổi giận vì sự dối trá của chương trình The Voice. Nhưng điều đó không hề ảnh hưởng tới lịch phát sóng của chương trình hay xử lý nhân sự của ban tổ chức. Tất cả vẫn an toàn và giá quảng cáo bỗng dưng tăng lên. Đó là điều mà ông Giám đốc Nguyễn Quang Minh, nhà sản xuất chương trình Giọng hát Việt mong muốn.

So với thông báo phát đi đúng một tháng trước, đơn giá mới tăng khoảng 10-20 triệu đồng mỗi suất quảng cáo, tương đương mức tăng bình quân 11%. Theo biểu giá cũ, mức thấp nhất cho 10 giây quảng cáo là 65 triệu đồng, cao nhất 80 triệu đồng. Với suất quảng cáo 30 giây, giá dao động 130-160 triệu đồng.

Nhiều người đã đặt câu hỏi về chiêu trò của truyền hình thực tế và cách kiếm tiền từ “pr bẩn”. Một cách làm mà không thiếu doanh nghiệp đã làm và đã thành công về mặt doanh thu, cho dù cách làm đó bị công chúng lên án là phi đạo đức.

Sự xuất hiện của các chương trình truyền hình thực tế thực sự đã cuốn hút người xem như: Việt Nam’s netx top model, Việt Nam idol, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo… khiến cho VTV sinh động, cuốn hút hơn, nhưng điều đó cũng kéo theo nhiều hệ lụy là các kênh "ăn khách" như VTV3 đã bị mua sóng trước hằng năm trời và do các công ty truyền thông nắm giữ, tung hoành.

Nhưng để có sức hút hơn và bán được nhiều quảng cáo hơn họ vẫn cần scandal, một scandal để cho chương trình hút công chúng bàn luận, chửi bới, "bóc mẽ" nhưng không ai bị xử lý và vẫn thu hút được người xem. Việt Nam’s netx top model, Việt Nam idol, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo… đều có scandal tuỳ mức độ nặng nhẹ, nhưng rồi tất cả an toàn theo dòng thời gian.

Scandal năm ngoái của Việt Nam’s netx top model trong đêm chung kết bị phát giác, hay Việt Nam idol chẳng làm cho chương trình bị huỷ, khiển trách, xử lý. Còn tiền quảng cáo cứ tăng đều theo từng năm, từng ngày và từng scandal và các doanh nghiệp xếp hàng chờ  quảng cáo đến lượt mình.

Việc Giọng Hát Việt tăng giá quảng cáo sau scandal khiến cho chúng ta hiểu được bản chất câu chuyện “buôn bán” sau các chương trình truyền hình thực tế. Giá trị của thí sinh, ban giám khảo thực chất chỉ là “con rối” cho các ông bầu truyền thông giật giây, còn VTV luôn vô can và đứng ngoài cuộc thu tiền.

Giải trình về việc tăng giá, đại diện Công ty Cát Tiên Sa cho biết: "Phía TVAd yêu cầu tăng giá từ lâu, nhưng rồi không may xảy ra nghi vấn dàn xếp kết quả. Trong lúc chưa giải quyết xong vụ việc chúng tôi đã đề nghị lùi lại cho tới khi nào giải trình rõ ràng với báo chí. Chương trình trực tiếp lên sóng từ 23/9, không có cách nào khác chúng tôi phải công bố điều chỉnh giá vào ngày 12".

Đến nay The Voice đã 3 lần tăng giá quảng cáo và nó  được điều chỉnh dựa trên sự quan tâm của khán giả, lượng xem càng cao giá sẽ càng tăng. Sự tăng giá đó khiến cho công chúng càng muốn xem (cho dù kêu gọi tẩy chay chương trình) để biết câu chuyện kết thúc thế nào, nó có giống kịch bản đã viết sẵn không?

Xem vào các báo giá của TVAd, quảng cáo tại The Voice được xem là đắt đỏ nhất so với các chương trình khác đang phát sóng trên VTV. Một chương trình truyền hình thực tế khác, cũng đang phát sóng trên VTV3, giá quảng cáo thấp nhất là 40 triệu đồng (10 giây) và cao nhất 160 triệu đồng (30 giây).

Hay như chương trình chung kết Hoa khôi thể thao phát sóng trực tiếp hôm 5/8, giá cao nhất áp dụng cho suất quảng cáo 30 giây cũng chỉ 20 triệu đồng. Quảng cáo chương trình phim truyện tối thứ hai đến thứ sáu trên VTV dao động 16,5-33 triệu đồng, áp dụng từ đầu tháng 9.

Ví như chương trình Việt Nam idol đơn giá quảng cáo cũng tăng theo lộ trình. Trong tháng 8 vòng loại giá 10 giây 40 triệu và 30 giây là 80 triệu, nhưng đến vòng trực tiếp là 10 giây tăng lên 60 triệu và 30 giây là 120 triệu đồng và đêm chung kết giá sẽ tăng lên 160 triệu đồng cho 30 giây.

Các chương trình truyền hình thực tế đang chiếm giờ vàng và kênh VTV3 đang là chọn lựa số một. Nhà sản xuất đã đánh trúng tâm lý người Việt thích “ca hát, nhảy múa, thích bình luận…” để biến những chương trình truyền hình mua bản quyền của nước ngoài thành "thứ" riêng của mình và từ đó các ông bầu tha hồ thao túng sân chơi, biến nó thành nơi "nhăng nhố", nhưng thu bội tiền. Với không ít doanh nghiệp, "làm ăn" như vậy được cho là thành công.

Trường Lưu