Thị trường truyền hình trả tiền, vì được coi là “miếng phomat ngọt ngào”, nên đang là tâm điểm giằng co thị trường của những doanh nghiệp quan tâm.
Thị phần các doanh nghiệp trên thị trường cung cấp thuê bao THTT giai đoạn 2010-2011. Nguồn: Cục QLCT tổng hợp và tính toán |
“Hoa thơm, nhiều người ngửi”
Nếu như trước đây, truyền hình nói chung, truyền hình trả tiền nói riêng, là lĩnh vực chỉ có “dân truyền hình” quan tâm, thì đến nay, với sự quan tâm chung của toàn xã hội, ngày càng có nhiều doanh nghiệp “nhòm ngó” vào “miếng bánh” còn đầy tiềm năng này.
Cục Quản lý Cạnh tranh vừa đưa ra một số liệu thống kê cho biết, từ 2001 đến nay, sự phát triển “mạnh như vũ bão” của truyền hình trả tiền ghi nhận sự tham gia của trên 40 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, từ trung ương đến địa phương.
Bức tranh tổng thể thị trường cho thấy, dẫn đầu là Công ty TNHH truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) với 40% thị phần, chủ yếu tại khu vực miền Nam. Thứ hai là Trung tâm Truyền hình cáp (Đài truyền hình Việt Nam - VCTV) với 30%, chủ yếu tại khu vực miền Bắc. Tiếp sau là Trung tâm truyền hình cáp của Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh - HTVC (15%)…
Sự gia nhập thị trường của VNPT, Viettel và FPT vào thị trường truyền hình trả tiền đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt, với các phương thức truyền hình ngày càng phong phú hơn và thị trường giằng xé hơn... Như vậy, đến thời điểm hiện nay, thị trường truyền hình trả tiền có sự hiện diện của 4 loại hình dịch vụ, gồm truyền hình cáp (tương tự và số), truyền hình vệ tinh, truyền hình số mặt đất và truyền hình di động với trên 4 triệu thuê bao vẫn đang tiếp tục tăng trưởng mạnh hàng năm.
Không thể cạnh tranh bằng “chơi xấu”
Đại diện nhiều doanh nghiệp tham gia lĩnh vực truyền hình trả tiền đều mong muốn tăng lượng khách hàng và giảm phí thuê bao để nâng cao thị phần. Nhưng trước thông tin có doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền đạt doanh thu khủng 2 tỷ USD/năm, ông Vũ Văn Hiến - nguyên Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV) - bày tỏ, với kinh nghiệm của ông, thì đây là con số “không tưởng”, là sự nhầm lẫn, bởi doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền vài năm đầu không có lãi hoặc lãi không đáng kể.
“Còn có anh tuyên bố sẽ phấn đấu hạ mức phí truyền hình chỉ còn 20 nghìn đồng/tháng, thì theo tôi, đây thực chất là hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, là hành vi rất nguy hiểm cho thị trường này", ông Hiến nhận định. Tuy nhiên, liệu có thể đưa ra mức giá sàn cho mức phí thuê bao truyền hình trả tiền hay không, thì đại diện doanh nghiệp đều cho rằng không nên đưa ra mức giá sàn, bởi còn “tùy cách tính của từng doanh nghiệp”.
Trong khi đó, đại diện Cục quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cực lực phản đối hành vi cạnh tranh “không công bằng” trên thị trường truyền hình trả tiền – được “tóm gọn” dưới các hình thức: công ty thông qua các kênh truyền hình tự sản xuất và báo chí để gièm pha, nói xấu các doanh nghiệp khác; với sức mạnh và vị trí thống lĩnh trên thị trường của nhiều doanh nghiệp tại mỗi khu vực địa lý, các doanh nghiệp này đã ép buộc các nhà cung cấp kênh nội dung phải ký hợp đồng độc quyền; các doanh nghiệp móc nối với chủ đầu tư các khu đô thị và căn hộ để độc quyền cung cấp dịch vụ truyền hình cáp.
Hành vi làm ăn “bát nháo, chụp giật” của doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền rốt cuộc không phải ai khác mà chính khách hàng chịu thiệt. TS. Vương Ngọc Tuấn – Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (VINASTAS) đưa ra ví dụ cụ thể: trước đây, VTC từng bán đầu thu tín hiệu, nhưng khách hàng mòn mỏi đợi 2 năm mới “bắt được” tín hiệu. Hay, ở tòa nhà NO5 của Trung Hòa, Nhân Chính, Công ty QNET đã được Ban quản lý tòa nhà (Vinaconex) tạo điều kiện xây dựng hạ tầng để cấp tín hiệu truyền hình, và DN này “ỷ thế” nâng phí truyền hình, bị người tiêu dùng khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền...
Mai Hoa