Tôi buông cái chổi, chạy đến góc tường phát ra tiếng gọi, vội hỏi:
- Cháu đây, bác gọi cháu ạ?
- Ừ, Tịnh ơi, bác trai bị ngã rồi. Bây giờ làm thế nào hả cháu?
Tôi vội chạy vào rối rít gọi chồng. Anh đang hí hoáy cố gắng đề xe máy chống nguội xe, nghe tôi nói tiếng được tiếng mất, vội vàng khoác áo, hỏi tôi:
- Cái khẩu trang của anh đâu?
Tôi vội đi lấy cho anh khẩu trang. Nhà tôi và nhà hai cụ đều tiêm mũi hai cả, nhưng đề phòng vẫn hơn vì nhà còn đứa trẻ. Rồi chồng tôi xông xáo chạy qua nhà hàng xóm. Một lát, tôi sốt ruột quá không chịu nổi, cũng đeo cả khẩu trang lẫn kính chống giọt bắn, chạy sang.
Cụ ông đang nằm trên ghế sofa phòng khách, mặt méo xệch vì đau đớn. Cụ bà đứng bên cạnh, nước mắt ngắn dài, vặn vẹo hai tay.
- Cụ không để ý, vấp cái bậc cửa, có lẽ gãy chân mất em ạ. Anh đã gọi y tế phường rồi, lát họ sẽ xuống ngay - thấy tôi, chồng tôi nói.
- Thế anh gọi cho Thuý chưa? - Tôi hỏi.
Bà cụ đáp thay chồng tôi:
Bác có gọi qua zalo mà không thấy nó bắt máy.
Tôi cố nén nỗi bực mình:
- Để cháu cố gắng liên lạc với em ấy xem sao.
Nói là nói thế, nhưng tôi biết cũng khó mà liên lạc được với Thuý. Giờ này vợ chồng nó chắc vẫn đang rong ruổi trong một ngõ hẻm nào đó. Tôi nhắn vào tin nhắn Facebook Thuý, bảo cô ấy liên lạc với tôi ngay. Nick name vẫn sáng đèn, nhưng không thấy Thuý đọc và hồi đáp.
Y tế phường xuất hiện nhanh chóng, rất may là ông cụ chỉ bị bong gân, không đến nỗi gãy xương. Sau khi băng bó cẩn thận cho ông cụ, họ để lại vài lời dặn dò rồi ra về, hứa sẽ gửi thuốc men đến sau.
Tôi và chồng cũng quay về nhà, nhìn thấy bà cụ rối bời, tôi dặn:
- Thôi bác cứ lo chăm cho bác trai, mấy ngày tới cơm nước cứ để cháu nấu rồi mang sang. Cả bác cũng phải đi đứng hết sức cẩn thận vào, người lớn tuổi là xương giòn lắm. May mắn lần này bác trai không sao.
Bà cụ có vẻ cảm động, cảm ơn tôi rối rít.
|
Tôi về, mở tủ lạnh thấy còn ít thịt bằm, cà rốt, khoai tây liền bắc nồi nấu cho hai cụ ít cháo để tối ăn. Xong hết mọi việc, tôi sực nhớ ra, mở điện thoại. Không thấy có cuộc gọi nhỡ nào. Tin nhắn tôi gửi vẫn chưa được đọc.
Tôi mở Facebook, lướt mạng giải trí. Rồi đập vào mắt tôi bài đăng mới của Thuý. Những dòng viết đầy tâm huyết cùng hình ảnh hai vợ chồng đang cùng “đồng đội” đem thực phẩm đến cứu tế cho một xóm nghèo bên quận 8. “Vất vả lắm, quên cả ăn ngủ. Nhưng chúng tôi hiểu rằng mình không thể dừng lại vì còn rất nhiều người cần đến. Đó là trách nhiệm mà chúng tôi tự trao cho mình”. Bài viết có hơn 500 like, bên dưới có hàng trăm bình luận cảm phục, khen ngợi, mong được góp sức.
Bài viết được đăng cách đây 30 phút, sau thời gian cụ ông bị ngã 1 tiếng đồng hồ, sau khi bà cụ gọi và tôi để lại tin nhắn 45 phút.
Không kiềm chế được, tôi đăng ngắn gọn luôn vào phần bình luận của bài viết: “Em liên lạc về nhà gấp, ba em té bong gân không đi lại được. Em bận rộn quá mọi người không cách nào liên lạc với em nên chị viết lên đây”.
Viết xong một lát, tôi ngẫm nghĩ thấy mình hơi quá, lại vào định sửa lại cho nhẹ nhàng hơn thì đã thấy câu bình luận của tôi biến mất. Rồi điện thoại rung lên, Thuý gọi.
Alo chị ơi. Ba em bị sao thế hả chị, sao chị không gọi điện thoại cho em với mà đi comment lên Face ạ?
- Mẹ em gọi cho em rồi, em không bắt máy. Chị nhắn cũng không thấy em đọc nên mới phải báo em bằng cách đó - tôi xẵng giọng.
Ôi vậy hả chị - Thuý xuống giọng - sao em không thấy ta. Chắc lu bu quá. Việc nhiều lắm chị ơi. Nào liên lạc mua hàng, chờ hàng về, phân loại, đóng gói từng phần, rồi tìm kiếm liên lạc các khu vực khó khăn, xin giấy đi đường để đến trao tận nơi...
Ừ, chị biết rồi - tôi ngắt lời - em liên lạc với mẹ hỏi tình hình ba em thế nào rồi có cách gì thu xếp về chăm ông bà ít hôm chứ chị thấy tình hình vậy là không ổn.
Ôi lúc này không về được ạ. Ai ở đâu ở yên chỗ đó mà. Với em còn nhiều thứ đang dở tay...
Tôi không còn kiên nhẫn, nếu nói tiếp, tôi sẽ buột miệng hỏi, thế em có giấy đi đường để làm gì mà bảo không ghé qua một lát được, dẫu chỉ đứng trước cửa nhìn ba mẹ, dẫu chỉ đưa cho họ ít quà cho ấm lòng. Nếu em lo được cho cả thiên hạ, sao không lo được cho ba mẹ mình? Nhưng tôi đã kịp kiềm cơn nóng giận, cắt câu chuyện. Nói cho cùng, đó cũng là chuyện nhà hàng xóm, liên quan gì đến tôi? Tôi là ai mà có thể bảo ban Thuý phải làm thế này, thế nọ với bố mẹ nó? Thuý lớn rồi. Nó đã lập gia đình, hai vợ chồng nó đã là những người có tiếng trên mạng xã hội, hoạt động thiện nguyện mạnh mẽ, có sức ảnh hưởng nhất định, còn thường đưa ra lời khuyên để mọi người sống sao cho tốt đẹp. Nó đâu còn là đứa bé con nhà hàng xóm ngày nhỏ vẫn tò tò đi theo đòi tôi chơi cùng?
Chiều tối, khi tôi trang bị kĩ càng mang thố cháo sang, thấy ông đang nằm thiêm thiếp, bà ngồi bên cạnh, một bàn tay nắm lấy tay ông, tay còn lại phe phẩy cái quạt, dù quạt máy vẫn quay vù vù gần đó.
Tôi bước vào, đặt âu cháo lên bàn rồi ngồi xuống nói chuyện. Bà kể, ông uống thuốc nên buồn ngủ ngủ rồi.
- Thuý gọi cho bác chưa? - tôi hỏi
- À nó vừa gọi xong - bà trả lời, mắt thoáng ánh lên một tia vui - nó nghe thấy ba nó bong gân nên lo lắm. Nhưng nó dở dang việc với thành phố cấm nên chưa về được. Nó nói nó sẽ gửi người ta mang thuốc bổ về cho bác trai.
Tôi thở dài, dặn dò bà rồi quay về. Về đến nhà thì Thuý gọi tôi. Đại ý, cũng là bày tỏ sự lo lắng, buồn phiền khi bố ngã. Rồi, như lần trước, nó lại hết sức nhờ cậy tôi để mắt đến ông bà cụ, nó cảm ơn lắm lắm. Rằng nó đang rất rất bận, đang có rất rất nhiều người cần cứu giúp. Rồi xong việc, hết dịch nó sẽ về nhà, sẽ cảm ơn tôi sau.
Đêm đến, tự dưng tôi mất ngủ. Tôi vào phòng mẹ, mẹ đang ngủ say, bên cạnh là Sóc Nâu con gái tôi, mẹ tôi đang quàng tay ôm nó. Hai bà cháu thật bình yên, trên gương mặt mẹ tôi là nét cười thư thái theo bà vào tận trong mơ.
Tôi thấy mình may mắn, thành phố vừa chuẩn bị giãn cách, tôi và chồng đã bàn tính, quyết định vợ chồng con cái sang nhà mẹ ở. Mẹ chỉ còn có một mình, anh trai tôi sống tận Đà Nẵng. Ngày thường, hàng tuần cả nhà vẫn về, vẫn chợ búa ăn uống với mẹ. Nhưng giãn cách không biết đến ngày nào, sợ mẹ cô đơn, không ai chăm nom, nên cả nhà về cho đỡ lo. Và quả thật, những ngày giãn cách có mẹ có con, có bà có cháu, cả nhà tôi mới ấm êm, hạnh phúc làm sao.
Và tôi nghĩ đến hai ông bà cụ hàng xóm. Hai bác có hai người con, nhưng một người đã mất từ bé, chỉ còn mình Thuý. Hai bác đã yêu thương, chăm nom, dạy dỗ nó với tất cả tình yêu của mình. Thuý lớn lên, rất sôi nổi, thích hoạt động xã hội. Rồi nó lấy chồng, cũng một người ưa hoạt động như nó. Hai vợ chồng ra riêng, lập công ty, sống trong một khu chung cư khá cao cấp ở trung tâm thành phố. Mùa dịch, hai vợ chồng Thuý được biết đến như những người rất hảo tâm, thường tổ chức các đợt cứu trợ cho người nghèo khắp nơi.
Nhưng có lẽ bận rộn quá, hoặc, ngày bé đến lớn sống bên cạnh cha mẹ, thấy gia đình đủ đầy quá nên Thuý quên mất rằng ba mẹ mình cũng cần giúp đỡ biết bao nhiêu. Những ngày đầu giãn cách, cả hai cụ rối lên vì không biết phải mua thức ăn thế nào vì chợ sát nhà đã đóng cửa. Rồi, chỉ mới kịp quen với chuyện xếp hàng đi siêu thị thì siết chặt giãn cách, đủ các hướng dẫn đăng kí đi chợ online, và hai cụ lại hoảng hết cả lên vì “mù công nghệ”. Trước đây, mọi thứ rất tiện vì ngoài ngõ có chị bán bún bò, bún riêu, cô bán cơm tấm, anh hàng cháo, hôm nào mệt, hai ông bà cứ gọi là có ăn ngay. Giờ đây, hai cụ cứ lụi cụi bếp núc với sự thiếu thốn nguyên liệu nấu ăn. Người già mùa giãn cách, đôi khi có tiền mà cũng thấy mình bất lực nếu không có người trẻ trợ giúp. Cũng may còn có vợ chồng tôi bên cạnh, khi thì đi chợ hộ, lúc biếu thức ăn, rồi đăng kí cho đi tiêm…
Tôi nghĩ đến Thuý và thấy buồn. Trong lòng mình, tôi vẫn hiểu Thuý và chồng đang làm những việc tốt, lợi ích cho mọi người. Nhưng có lúc, tôi hoang mang tự hỏi, rốt cục Thuý tại sao có sức khoẻ, tâm trí làm tất cả những việc tốt đẹp ấy, mà lại vô tâm quên mất rằng cha mẹ những ngày tháng này rất cần đến mình? Nếu không thể có mặt, thì một cuộc gọi mỗi ngày, thì cách nào đó để vẫn được ở bên về mặt tinh thần, để luôn sát sao, hướng dẫn, hỗ trợ, động viên... Vợ chồng Thuý làm cho biết bao người cảm động, duy chỉ tạm quên mất những người mình cần quan tâm nhất trên đời. Tôi sực nhớ mẩu tin tôi đã từng đọc về một thanh niên rất nhiệt tình vác gạo, đem hàng hoá cứu trợ cho mọi người. Khi đoàn của anh về đến khu nhà mình, anh thấy mẹ đang xếp hàng cùng đoàn người khó khăn, xin từng bao gạo. Đã một tháng anh không về nhà… Câu chuyện đầy trớ trêu về một nghịch lý mà đáng ra không nên xảy ra, ở mùa dịch này hay bất cứ thời điểm nào khác.
Trong tâm trí tôi, vẫn khắc khoải hình ảnh mình đã thu vào mắt lúc mang cháo sang nhà hàng xóm.
Ánh đèn mờ tối, gương mặt cụ ông nằm trong vùng ánh sáng, còn hằn lại ít nét mệt mỏi và đau đớn. Gương mặt cụ bà khuất trong vùng bóng tối, tôi chẳng thấy được những đường nét trên gương mặt ấy, nhưng vẫn cảm nhận được nỗi cô đơn thăm thẳm. Ánh nắng cuối ngày đã tắt, bọc lên ngôi nhà một vẻ cô tịch lặng lẽ vô cùng. Cái cô tịch của khung cảnh buồn buồn chiều hôm, của hai cái bóng người già lặng lẽ bên nhau, mà ngoài việc đan tay để truyền cho nhau chút hơi ấm giữa ngày tàn, thì chẳng còn một hơi ấm nào khác. Người mà họ cần ngay lúc này đang ở cách họ 12km, mà xa muôn trùng…
Truyện ngắn của Ngọc Mai