“Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với lịch sử Việt Nam thế kỷ 16”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm nay (22/11), tại Hải phòng đã diễn ra Hội thảo “Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với lịch sử Việt Nam thế kỷ 16”. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, cùng các GS.TS, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cùng các Viện: triết học, sử học, văn học…
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Nguyễn Bỉnh Khiêm một nhà minh triết trong lịch sử Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam chia sẻ, Hải Phòng là mảnh đất địa linh, nhân kiệt. Vùng đất cổ từ ngàn xưa, được con người khai phá lập ấp, lập làng, tạo dựng cuộc sống, rồi trở thành đô thị - cảng biển, trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc và cả nước…

Trong lịch sử, vùng đất Hải Phòng là nơi Nữ tướng Lê Chân chiêu tập nhân dân, dựng trang ấp, chiêu tập quân sĩ, tham gia khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống quân xâm lược; là nơi có dòng sông Bạch Đằng, viết lên trang sử vàng với truyền thống “Bạch Đằng Giang” ba lần đánh tan quân xâm lược; là nơi phát tích của Vương triều Mạc…

Hải Phòng có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú với hơn 500 di tích được xếp hạng các cấp, 12 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đặc biệt quần đảo Cát Bà được UNESCO ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới.

Mảnh đất địa linh ắt sinh nhân kiệt; Hải Phòng là quê hương của nhiều vị khoa bảng lỗi lạc trong lịch sử, đó là Trạng nguyên Lê Ích Mộc (Thủy Nguyên), Trạng nguyên Trần Tất Văn (An Lão), Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm… Trong đó, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, vị Trạng nguyên triều Mạc thế kỷ 16, mà tên tuổi, tầm vóc của ông còn âm vang mãi đến những thế kỷ sau và đến ngày nay.

Trong những năm qua, chính quyền và Nhân dân TP Hải Phòng đã có những hoạt động, những việc làm cụ thể nhằm gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh những di sản của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại. Hải Phòng đã nhiều lần tổ chức Hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của ông trong lịch sử dân tộc. Quy hoạch, tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm; đưa lễ hội Đền thờ Trạng Trình ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…

Đặc biệt, nhằm ghi nhận, tôn vinh ông, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn, người thầy của muôn đời, danh nhân văn hóa, UBND thành phố Hải Phòng đã quyết định thành lập Ban Vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhân kỷ niệm 450 năm ngày mất của danh nhân (1585-2035), khẳng định tầm vóc lớn lao của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ trong nước mà cả trên trường quốc tế.

Giám đốc Sở VH & TT Hải Phòng TS. Trần Thị Hoàng Mai phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Giám đốc Sở VH & TT Hải Phòng TS. Trần Thị Hoàng Mai phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Trần Thị Hoàng Mai – Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao (VH&TT) Hải Phòng cho biết, nghiên cứu về Nguyễn Bỉnh Khiêm đã manh nha từ thời trung đại bởi các ghi chép, bàn luận, đánh giá trong tác phẩm các bậc trí thức.

Năm 1945, Tuyết Giang phu tử của Chu Thiên ra đời mang lại những nhận thức cơ bản nhất về bối cảnh xã hội, đóng góp và giá trị của ông trên lĩnh vực văn học cũng như các truyền thuyết liên quan. Cũng từ đây, nghiên cứu về Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành đề tài nghiên cứu giàu hàm lượng khoa học, là mảnh đất tri thức phong phú mà các nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực thuộc khối khoa học và xã hội và Nhân dân quan tâm…

Có thể khẳng định, đến thời điểm hiện tại, thành tựu nghiên cứu về Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đạt được nhiều thành tựu. Song với tinh thần tiếp tục đổi mới, dựa trên những phát hiện mới về tư liệu, cũng như những điểm hạn chế của những nghiên cứu trước đây. Trong đó, có những định kiến chủ quan, thiếu chính xác về vương triều nhà Mạc do hạn chế về các nguồn tư liệu, tư tưởng nên chưa đưa ra nhận thức đúng đắn về Nguyễn Bỉnh Khiêm; đồng thời các di sản văn hoá liên quan đến ông cũng chưa được quan tâm nghiên cứu, bảo tồn…

TS. Trần Thị Hoàng Mai nhấn mạnh: Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, thực hiện Kế hoạch số 130/KH – BVĐ ngày 29/12/2023 của Ban Vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sở VH & TT Hải Phòng xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội thảo cấp TP với mục đích làm rõ vấn đề: Bối cảnh Đại Việt thế kỷ 16; thân thế, sự nghiệp, nhân sinh quan, thế giới quan của Nguyễn Bỉnh Khiêm; vai trò và ảnh hưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với lịch sử Việt Nam, di sản văn hoá liên quan đến Nguyễn Bỉnh Khiêm; xây dựng niềm tự hào của người Hải Phòng về danh nhân văn hoá, giáo dục truyền thống hiếu học, sáng tạo, trách nhiệm đóng góp xây dựng quê hương, đất nước…

Được biết, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 25 bài báo cáo tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ nhiều cơ quan: Trường ĐH KHXH & Nhân văn Đại học QGHN; Trường Sư phạm Hà Nội; Viện văn học, Viện sử học, Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam…. Ban tổ chức đã sắp xếp chia thành 3 phần lớn: Bối cảnh Đại Việt thế kỷ XVI với những nội dung chính quê hương, thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm gồm 9 tham luận; Nguyễn Bỉnh Khiêm với vấn đề chính trị, bang giao, văn hoá, giáo dục gồm 11 tham luận; Tư liệu và di sản văn hoá liên quan đến Nguyễn Bỉnh Khiêm gồm 5 tham luận…

GS.TS.NGND Vũ Minh Giang phát biểu tham luận tại Hội thảo

GS.TS.NGND Vũ Minh Giang phát biểu tham luận tại Hội thảo

Nguyễn Bỉnh Khiêm một vĩ nhân trong lịch sử Việt Nam

Tại Hội thảo, GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang khẳng định, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từ lâu đã nổi tiếng như một nhà tiên tri nhìn thấu được tương lai, từng được ví như Nostradamus Việt Nam. Ông cũng được biết đến như một danh nhân văn hoá với nhiều tác phẩm thi văn có giá trị. Nhưng bài viết này không chỉ dừng lại ở tiếp cận một nhân vật lịch sử kiệt xuất, một vĩ nhân trong lịch sử.

Theo GS Giang: Vĩ nhân là những cá nhân có tài năng xuất chúng, có những cống hiến to lớn trong khoa học, lịch sử … và có tác dụng thúc đẩy bước tiến dân tộc và nhân loại. Liên hệ với Nguyễn Bỉnh Khiêm, về tài năng, trước hết phải thấy đây là bậc kỳ tài với việc giật ngôi Trạng Nguyên trong khoa thi năm Bính thân (1536) và ngay sau đó được giao phó làm Đông Các hiệu thư, phụ trách việc soạn thảo, sửa chữa các văn thư quan trọng của triều đình, công việc dành cho người giỏi chữ nghĩa, cẩn trọng và đáng tin cậy.

Là một nhân tài kiệt xuất Trạng Trình đã có những cống hiến to lớn trên nhiều lĩnh vực, nhưng trước hết phải nói đến sự nghiệp giáo dục. Với triết lý thiện là cội nguồn của giáo dục, ông đã bắt đầu dạy học ngay từ khi đỗ Trạng nguyên. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng coi trọng đạo lý hơn văn chương. Với triết lý giáo dục phải hướng ý chí và hành động con người vào ước muốn cống hiến hết mình cho đất nước, ông cho rằng tác dụng cao nhất của giáo dục là cứu nhân độ thế, hướng con người trở về với tính thiện nên đã dành nhiều tâm huyết cho việc giáo nhân tâm, dạy học trò rất nhiều về đạo làm người, đạo lý ở đời, sự học, cách học.

Ông đặc biệt đề cao trách nhiệm xã hội của kẻ sĩ. Đến khi về quê nhà, ông cho dựng am Bạch Vân làm nơi tĩnh tâm suy ngẫm thế sự và trước tác, lập quán Trung Tân để gặp gỡ đàm đạo với tri kỷ đồng thời cho làm cầu Nghi Phong, Trường Xuân để dân qua lại thuận tiện và mở trường dậy học bên cạnh sông Hàn. Các môn sinh của ông tôn ông là “Tuyết Giang Phu Tử”.

Trong cuộc đời “hối nhân bất quyện” (dạy người khác không biết mệt mỏi). Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phát hiện và đào tạo được rất nhiều người thành tài, về sau trở thành những danh nhân có đóng góp lớn cho đất nước như Lương Hữu Khánh, một danh tướng giỏi, văn võ song toàn. Phùng Khắc Khoan, một danh sĩ toàn tài, một nhà ngoại giao làm rạng danh đất nước.

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc phát biểu tham luận khoa học tại Hội thảo

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc phát biểu tham luận khoa học tại Hội thảo

Dấu ấn Trạng Trình trong lịch sử - văn hoá Việt Nam

Còn theo ý kiến của GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo: Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một bậc hiền triết thông kim bác cổ, đại diện kiệt xuất nhất của trí tuệ Việt Nam thời Mạc, cũng là người đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong tiến trình lịch sử - văn hoá từ đầu thế kỷ 16 đến nay.

Đền thờ ông đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia đặc biệt năm 2016. Lễ hội ông cũng đã được nâng cấp thành di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Quê hương Trạng Trình đang phát triển ngoạn mục giống như bức tranh muôn màu mà ông từng hoạ trong thơ. Người dân vùng cửa sông Thái Bình xưa nay vẫn hàng tin mỗi bước trưởng thành của quê hương đất nước đều có ông phù trợ.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là một mẫu mực của thực học, thực tài. Trí tuệ siêu việt, có thể nhìn xuyên không gian, nhìn thấu thời gian là do miệt mài đèn sách, leo núi, trèo đèo, lên rừng xuống biển, lăn lộn trong dân gian để chiêm nghiệm, học hỏi, rèn luyện với mục đích cao cả cứu nước cứu dân ra khỏi loạn ly, khổ ải.

Do có cách học hết sức đặc biệt mà Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm trở thành chuyên gia hàng đầu trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bất nhất là Triết học. Sứ nha Thanh hết lời ca ngợi ông là nhà Lí học duy nhất của An Nam.Nhà bác học Phan Huy Chú đầu thế kỷ 19 nhận xét: “Ông học rộng khắp các sách, hiểu sau nghĩa lý Kinh dịch, mưa nắng, hoạ phúc việc gì cũng biết trước”. Và bình luận: Đủ thấy người Nam , người Trung Quốc ngưỡng mộ ông như vậy. Trong tư tưởng triết học của Nguyễn Bỉnh Khiêm, trung là cái chuẩn đích, cái tuyệt đối và ông đã tìm thấy trung ở chỗ thiện.

Sự nghiệp lớn nhất và tiêu biểu nhất của Nguyễn Bỉnh Khiêm là sụ nghiệp giáo dục. Ông không chỉ đào tạo hàng nghìn học trò, trong đó nhiều người đã trở thành những trí thức hàng đầu đất nước, mà đau đời, lo nước, thương dân, muốn đi đến tận cùng triết lý giáo dục vì dân. “ Chí ông muốn mọi vật đều được yên sống, dẫu hèn mọn như kẻ mù loà cũng dạy cho nghề hát, nghề bói…”. Ông đã trở thành nhà giáo lỗi lạc của thế kỷ 16, là bậc thầy “ vạn thế sư biểu” của Việt Nam.

Đoàn Chủ trì Hội thảo khoa học Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với lịch sử Việt Nam TK 16

Đoàn Chủ trì Hội thảo khoa học Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với lịch sử Việt Nam TK 16

Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS. TS.NGND Vũ Minh Giang Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo ĐHQG Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các đại biểu tại Hội thảo, Hội thảo đã lắng nghe các báo cáo tham luận chung về “Bối cảnh Đại Việt thế kỷ 16” quê hương, thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm”; các báo cáo tham luận cụ thể về đóng góp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trên nhiều lĩnh vực như: lịch sử - văn hóa, quân sự, triết học... Các tham luận trình bày được chọn lọc, là những báo cáo giàu hàm lượng khoa học. Đồng thời, các báo cáo được tuyển chọn in trong kỷ yếu đáp ứng nhu cầu nghiên cứu về Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cũng như liên hệ thực tiễn với nguồn tư liệu, sử liệu truyền thống và phát hiện nghiên cứu mới.

Tại hội thảo này, các đại biểu tập trung thảo luận vào các vấn đề trọng tâm nghiên cứu theo các phần được tổng kết trong kỷ yếu hội thảo. Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, các ý kiến đóng góp, luận điểm nghiên cứu của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng, mang tính thực tiễn cao về nghiên cứu Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Hội thảo đã tiếp nối thành tựu của các hội thảo, nhà nghiên cứu các giai đoạn trước; đồng thời cập nhật và bổ sung những luận điểm còn khuyết thiếu, tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận phong phú và khách quan về cuộc đời và sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm qua các lĩnh vực chuyên sâu.

Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học, đại biểu tham dựHội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học, đại biểu tham dự

Tài năng kiệt xuất của Nguyễn Bỉnh Khiêm còn thể hiện nhãn quan chính trị sáng suốt, nhìn nhận và đánh giá đúng thời cuộc. Là người ưu thời mẫn thế, luôn quan tâm đến đời sống nhân dân và công việc của đất nước, nhưng ông đã kiên nhẫn chờ đến khi Mạc Đăng Doanh lên ngôi ông mới ra ứng thí để giúp nước. Điều quan trọng nhất trong xử thế của trí thức thời quân chủ là nghệ thuật xuất xứ. Đây không chỉ là biểu thị thái độ của kẻ sĩ với triều đình mà còn thể hiện nhãn quan chính trị, tầm nhìn về thế sự và thời cuộc của trí thức. Vốn học rộng, tài cao mà mãi đến khi tuổi ngoại tứ tuần mới ra ứng thí Nguyễn Bỉnh Khiêm cho thấy là bậc trí giả có viễn kiến. Từ khi trưởng thành có thể đi thi ông bỏ qua liên tiếp 8 khoa thi thời Lê, đầu triều Mạc. Đến khi nhận ra nhà Mạc Đăng Doanh là người có chân mệnh của một minh quân, ông mới quyết định tham dự khoa thi Ất Mùi(1535) và được bổ làm quan sau khi đỗ Trạng Nguyên.