[Truyện ngắn] Miền sen

(PLVN) - Sen. Sen bạt ngàn. Đầm nọ tiếp nối đầm kia bằng những bờ xanh nhỏ. Sen làm vùng đất trũng trở nên ngập tràn hương sắc, duyên dáng, lung linh như thể lúc nào con người cũng được no thỏa trong cả rừng hương sắc.

Hương sen trong gió dập dìu ngan ngát trong nắng khiến không gian trở nên rực rỡ, nhưng cái ngột ngạt như bị xua đâu mất, chỉ còn lại sự nồng nàn, dịu mát. Hoàn hít một hơi sâu, rồi rẽ vào con ngõ xanh ngăn ngắt, rợp mát bởi những cây nhãn lâu năm. “Nhà Khởi có nhà không đấy?”. Gọi đến lần thứ hai thì người đàn ông từ trong nhà đi ra, vóc đậm, dáng đi chắc. Hoàn tháo mũ bảo hiểm, sau một hồi ngờ ngợ, người đàn ông chợt reo lên: “Trời ơi, Hoàn. Cơn gió nào đưa ông bạn về đây thế?”. Hoàn dựng chân chống xe, rồi đưa tay bắt tay bạn: “Hương sen dẫn tôi về đây đó. Nghe nói cơ ngơi của ông bạn mà tìm về. Ông bạn sống giữa đầm sen, rừng sen. Đúng là trên cả tuyệt vời”. Hoàn mời khách vào nhà, pha trà sen. Hương sen từ đầm, ao cũng rủ nhau về đây, dâng tặng con người, làm cho cuộc trò chuyện giữa chủ và khách thêm đậm đà.

Thưởng xong tuần trà, Khởi đưa khách ra đầm sen trong cái nắng vàng mênh mang. Vị khách trầm trồ trước cách phân khu khoa học của Khởi. Tất cả đều hài hòa. Hẳn là vợ chồng chủ đã dày công chăm sóc, đổ tiền của vào để cơ ngơi trở thành điểm khối người mơ ước. Những bông sen còn chúm chím, e ấp như cô gái tuổi trăng tròn. Những bông sen đã nở, rung rinh nhẹ nhàng trong gió. Thi thoảng có cơn gió thổi mạnh hơn từ bờ sông, làm rung rinh những tán ổi trên vườn cũng đang lúc lỉu quả. Cánh hoa mãn khai vòm cong, mỏng manh, mơ màng hệt như người diễn viên múa ba-lê đang uốn mình trong một vũ điệu say mê. Chủ và khách đều thấy gần sen là được sống trong không gian thanh tịnh, an bình.

Khởi chỉ tay ra bát ngát đầm sen.

- Đây, của tôi từ đây… đến đây… Đó. Hương sen làm cuộc sống ở đây dễ thở hơn.

Hoàn nghe như uống từng lời. Trong anh như đang gợi mở ra những dự định. Khuôn mặt vuông vức rung rung. Có cái gì đó như là xúc động.

- Nhất ông bạn. Ung dung tự tại. Không khí thích thật đấy. Không khí quanh đầm hồ dễ thấp hơn những nơi khác vài độ ý nhỉ?

Khởi cười khơ khớ. Đặt chiếc vó xuống góc đầm, trong vài lần kéo Khởi đã kéo lên được mẻ cá. Anh bắt những con trắm, to nhất đãi bạn. Bình thường, trắm đen rất khó kéo bằng vó mà phải dùng câu. Nhưng Khởi có thứ mồi ném vào giữa vó khiến lũ cá trắm không thể không đến.

Rượu trưa ngon. Ngon vì bạn lâu ngày mới gặp lại. Chiếc lán tạm ven đầm sen của Khởi đơn giản nhưng được bao bọc bởi những cơn gió sen tuyệt diệu. Nó như được vỗ về bằng cái sự mộc mạc, giản dị nhưng cũng rất thanh cao. Vợ Khởi lành và hiếu khách. Chị bổ ổi mời chồng và khách tráng miệng.

- Thú thật, tôi về gặp bạn là để tham khảo cách làm ăn. Giờ kiếm sống ở phố cũng chật vật. Quê tôi đồng đất, điều kiện đất đai cũng mênh mông lắm. Giờ chủ yếu là thiếu phương pháp.

Khởi nói chắc như đinh đóng cột:

- Anh bạn có gì cứ chia sẻ. Giúp được gì, tôi sẽ gắng hết sức.

* * *

Sinh ở vùng sen, như bao chàng trai, cô gái trong làng, Khởi ao ước học đại học để làm việc ở phố. Nghề thêu thùa, dệt lụa bỏ lại, chỉ người già ở lại làm. Ước mơ bao giờ cũng lớn hơn những ô thửa đồng lúa, đầm sen. Những cánh cò độ đó cũng cô liêu. Nhiều người già động viên cánh trẻ phải thoát ra ngoài. Ngoài đời, chuyện học hành mở ra cơ hội, nhưng cũng giăng ra nhiều cạm bẫy. Khởi học thương mại, đi làm nhân viên ngành chứng khoán, kinh doanh bất động sản, rồi chuyển sang nhân viên ngành kinh doanh vận tải… Khởi thuộc tuýp người cả thèm chóng chán, hay đứng núi này trông núi nọ. Đang ổn định công việc ở công ty này, nghe bè bạn “hót” mấy câu mùi mẫn, rằng đơn vị kia đang cần người. Thế là Khởi nhảy việc ngay. Khi thì đi công tác Tây Nguyên, lúc khác lại ngược lên miền núi phía Bắc. Lúc nào Khởi cũng thấy đôi chân mình nhún nhảy và con người mình luôn ham vui. Vui đâu chầu đấy. Thành ra khuôn mặt lúc nào cũng tớn tác tìm kiếm sự mới lạ. Công việc thì vậy, chuyện tình yêu cũng vậy. Anh luôn muốn khám phá. Anh muốn tôi luyện khả năng chinh phục của mình, biến nó thành một niềm đam mê vô bờ bến, đôi khi phạc phờ vì những mối tình vừa chớm nở đã lại bị vùi vào cát nóng. Cô gái nào đề nghị Khởi tiến đến hôn nhân, khi tình cảm đã chín, anh thường tìm cách… hoãn binh. Hoãn binh, chần chừ, viện đủ lý do để khỏi phải cưới trở thành phản xạ có điều kiện trong Khởi. Một thứ phản xạ được hình thành trong thú hưởng lạc, trở thành nỗi hụt hẫng tuyệt vọng của các cô nàng xinh tươi. Các cô gái bị “leo cây” thì gia đình Khởi cũng chung số phận. Nhiều lần họ tiếp đón những cô gái do Khởi mang về nhà, rồi chỉ một đến hai lần, họ phải chứng kiến con trai đưa về cô gái khác. Sau cô gái khác là người khác nữa, dù tính nết, độ xinh đẹp mỗi cô khác nhau. Rồi cô nào cũng nhận về một vài vết thương, còn Khởi, xoa tay, cười xòa, thế là xong. Cha mẹ hỏi, Khởi chỉ bảo: “Con còn phải lập nghiệp”. Năm hai tám tuổi, cha mẹ nhắc: “Lập nghiệp thì ai cũng phải làm, nhưng chuyện lấy vợ cũng quan trọng”. “Dạ vâng, con biết rồi”.

Khi Khởi làm nhân viên cho một công ty kinh doanh vận tải, anh cũng tìm được mối cho vay nặng lãi. Đó là việc đầu tư cho lợi nhuận cao nhưng cũng mang đến nhiều rủi ro, bởi người gieo vừa phải công sức thôi, nhưng gặt được rất đậm. Đó là thứ cạm bẫy chết người khiến không ít người thân bại danh liệt. Một vài người bạn nền nã đã khuyên can, nhưng Khởi vẫn cắn vào miếng bả thơm tho đó. Thế rồi, kẻ ôm một đống tiền của Khởi đã bỏ trốn khỏi địa phương. Các ràng buộc pháp lý mong manh, anh cũng chẳng đủ mối quan hệ để truy ra kẻ đã cầm tiền bỏ trốn. Đúng lúc ấy, người tình cũng bỏ Khởi bơ vơ trên bờ vực thẳm. Anh gầy sọp, đôn đáo vay tiền để trả cho người cùng đầu tư vay lãi với mình. Nhưng đời mà, nhiều lúc khốn khó thì nhiều người lại làm ngơ với mình. Khởi về chìa tay trước gia đình. Cha Khởi bảo: “Tao không đưa tiền cho thằng cho vay nặng lãi”. Nói thế nhưng rồi, thương con, ông vẫn đưa tiền cho con trả nợ và nhắc, phải nhấc chân ra khỏi vũng bùn đó. Hãy làm công việc an toàn hơn.

Được cha mẹ cứu, nhưng Khởi vẫn ham kiếm tiền. Anh rút kinh nghiệm, cho vay ít và chắc, chứ không dồn cục như trước. Tiền lương, lời lãi chỉ đủ anh thết đãi các mối quan hệ và nuôi nấng cho một vài mối tình chóng nhớ mau quên. Hơn ba mươi tuổi, Khởi vẫn chẳng có gì trong tay. Cha mẹ khuyên: “Con thất bại rồi, về quê mà làm. Làm anh nông dân cũng được, vui gia đình, ruộng đầm”. Khởi lắc đầu: “Con bằng ngần này lại quay về làm nông ư!?”. Trong một lần va chạm với nhóm xã hội đen, Khởi bị đánh nhừ tử, rồi bị vứt bên lề đường. Đêm đó, Hoàn bắt gặp cảnh ngộ của Khởi nên đã giúp đỡ, đưa đi viện. Cơ duyên là Hoàn là nhân viên chở ga, đi ăn đêm qua con phố Khởi bị đòn. Biết Hoàn cũng hoàn cảnh, sống vất vả bên vợ con, Khởi đã bắt thân và trở thành đôi bạn khá thân thiết.

Khởi cũng dấn thân vào lô đề, đến nỗi công ty cũng quyết định sa thải vì anh lơ đễnh trong công việc. Món nợ Khởi đi vay để chiêu đãi, làm tình phí dày lên, không có cơ trả. Anh không dám chìa tay vay cha mẹ, mà đến gặp anh rể, đang bám trụ đất quê, đồng bãi. Anh rể là nông dân chính hiệu, lành hiền, chất phác, cần cù. Anh khuyên: “Cậu đã ngoài ba mươi, nên tỉnh ngộ. Nhiều lần khuyên cậu rồi, giờ cậu phải nghe anh”. Sau nhiều đêm bĩ cực, vùi đầu vào rượu, nghĩ suy, bị nỗi cô đơn vò xé, Khởi tự xóa nhòa tự ti, sự xấu hổ và đi đến quyết định về quê. Cha Khởi bảo: “Về quê là con đường đúng đắn của con”.

Sẵn có những ô đầm, khu ruộng người khác làm chưa hiệu quả, hoặc còn bỏ hoang, Khởi tự nhủ, phải bắt đầu từ đó. Nhưng trong mênh mông làng quê ấy, đâu phải cứ bắt đất đai “đẻ” ra hoa trái, ra tiền là được. Ta phải bắt đầu từ đâu? Từ đâu? Khởi hỏi kinh nghiệm cha, kinh nghiệm anh rể. Sẵn có sự đáo để trong người, Khởi cũng đi hỏi han những người đang làm giàu trên đất đồng chiêm trũng. Khởi chia ô, nơi này cấy sen, nuôi cá, ô kia nuôi ốc nhồi, trên bờ sẽ chăn gà, vịt. Anh rể và những người bạn nơi quê hết lòng đỡ đần. Người chỉ cho nơi mua giống, phân bón, người chia sẻ kinh nghiệm chăm cá, cách thu hoạch. Làng quê mở rộng vòng tay với Khởi. Vùng hoa sen tưới vào lòng anh sự mát ngọt của nghĩa tình, sự sáng tươi của đời hoa. Anh bảo chính mình, về làng, lấy sự chăm chỉ cần mẫn mà đối đãi với đất đai, không được thất bại. Láng giềng lại giới thiệu cho Khởi người tâm đầu ý hợp để làm vợ. Niềm vui an cư đến với anh, ít nhất là không phải “đứng núi này trông núi nọ”. Khởi nói với mình: “Đúng ra, ta phải về quê sớm hơn”.

* * *

Lần giã từ thành phố phồn hoa để về quê, Khởi cũng không liên hệ với Hoàn. Anh xóa bỏ con người cũ của mình bằng việc bỏ các số điện thoại cũ. Khởi tiếp nhận các mối quan hệ mới và chỉ chú tâm một điều, phải làm giàu trên đất quê.

Thoáng đó mà đã hơn chục năm trôi qua. Đầu Khởi và Hoàn đã điểm sợi bạc. Vợ chồng Hoàn sòn sòn ba con. Cách đây ít ngày, Hoàn dò trên “phây búc” và biết được thông tin của Khởi. Anh quyết tâm về quê tìm Khởi mà không báo trước.

- Sau hai mươi năm ở phố, tôi vẫn là anh chở ga Khởi ạ. Nhìn thấy bạn thế này, tôi mừng lắm.

Câu nói của Hoàn chạm vào nỗi day dứt trong Khởi. Phố xá mở vòng tay cho bất cứ ai, nhưng đâu phải ai cũng ổn định. Khởi bảo:

- Phố không chọn ta, thì ta về quê. Cha tôi dạy tôi rất hay là, ở đâu thì chúng ta cũng phải làm bằng sự thông minh và cần cù, ở đâu chúng ta cũng phải sống. Ở vùng quê ông bạn, tình trạng thổ nhưỡng thế nào?

Nhấp ngụm trà sen, Hoàn đưa mắt ra bạt ngàn hoa sen.

- Cũng rất màu mỡ. Nhiều nông dân bỏ ruộng. Ruộng quê tôi có thể xin làm không mà chẳng phải mất tiền thuê. Việc đấu thầu ao đầm cũng rất tiện và được ủng hộ.

Khởi vỗ tay xuống bàn:

- Vậy là tuyệt rồi. Ông bạn tính đưa vợ con về đi. Tiện, tôi sẽ xuống thăm, ta cùng bàn thêm các phương án.

Cuối chiều, Khởi cùng thế giới sen của mình tiễn Hoàn. Thâm tâm Khởi biết rằng, không chỉ quê hương là chùm khế ngọt, mà hương sen ngọt cũng nâng niu mỗi ai biết trân trọng sức lao động và vẻ đẹp bình dị quê nhà.

Đọc thêm