[Truyện ngắn] Năm tháng mộng mơ

(PLVN) - Cuộc sống thật là đầy bí ẩn và ngẫu nhiên. Cho đến một lúc, tôi như kẻ giật mình, ra khỏi giấc mơ. Và tôi nhận ra, năm tháng đã qua đi như bỏ mình lại phía sau: Tôi đã tìm mọi cách để nối lại liên lạc với Vương mà không thành, tôi và Vương thế là đã mất nhau!
 

Hè này, dự tính rồi, nhất quyết tôi sẽ dành ra vài ngày để đi nghỉ ở bãi biển T thành phố Hải Phòng. Bãi biển T khuất nẻo, một địa danh xa mờ trong nhận biết của mọi người, một bãi biển quê mùa, nhưng ở đó có Liên, bạn gái tôi và bỗng dưng trở nên thân thiết với tôi vì một sự tình cờ. 

Năm tháng qua đi, bị cái đám dữ kiện hỗn độn che lấp, chúng ta lại cùng lúc đã mất đi cả khả năng tiên tri, dự tưởng và hồi hộp đón chờ. Thì đây là thư của Liên viết cho tôi: “Tao báo cho mày một tin khá bất ngờ: Vương! Vương một thời của mày, hiện nay đã định cư ở T. Tao nắm chắc vì tao làm việc ở Phòng Địa chính huyện và biết được tin này vì một sự tình cờ”.  

Ôi, Vương một thời là của tôi! Vương của mối tình đầu non trẻ, sau mười lăm năm ở Công an vũ trang, tiếp đó nghe phong thanh là chuyển sang cơ quan thuế vụ, rồi mất tích liên hệ, giờ thế là đã có được bóng chim tăm cá.

Vương không phải là của tôi một thời. Vương mãi mãi lưu dấu trong tâm trí tôi cùng với âm thanh, sắc màu, ảnh hình, vừa tách bạch vừa hoà đồng thành một thực thể sống động không thể quên. Làm sao có thể quên được cái vắng vẻ đến nao lòng của nhà ga tỉnh lẻ hôm ấy cùng tiếng còi tàu hú khàn khàn đưa tôi rời quê hương đi học nơi xa. Cồn cào ruột gan và rồi không thể đừng được, tôi đã chồm ra ngoài cửa sổ con tàu.

Và tôi nhận ra, hệt như tôi đang chống lại sự chia tách, một người trai trẻ đang dùng hết sức lực leo qua bức tường rào cao vót, lởm khởm mảnh chai chổng ngược của nhà ga, rồi cuối cùng, với sức trẻ không chịu thua kém, chạy thi với con tàu đang tăng tốc ra khỏi ga và sau rốt, với lên cửa sổ con tàu, ném cho tôi một lá thư cùng một lời tỏ tình hắt ngược theo chiều gió: “Hạnh ơi, anh yêu em!”.

Không công nhận những tháng ngày mơ mộng ấy của tôi là thầy giáo dạy nhạc của tôi ở trường chuyên nghiệp. Ông bảo: “Hạnh mơ ngủ đấy à! Vương, anh chàng bạch diện thư sinh ấy sao lại có thể là người yêu của em được!”. Thì ra ông yêu tôi. Và khi tôi bảo tôi đã có người yêu tên là Vương, vốn là bạn học, ở tỉnh Lao Cai, quê hương tôi thì ông đã cất công lên tận nơi, xem mặt, điều tra lý lịch và dự đoán vận mệnh của anh với một định kiến, một ý đồ không cần che giấu.

Suốt bốn năm trời học trung cấp chuyên nghiệp, ông bám riết tôi và tìm mọi cách để ly gián tôi và Vương. Tiếc thay cho ông, in sâu trong tâm hồn thiếu nữ của tôi mãi mãi vẫn chỉ là Vương, một chàng trai cao ráo, mặt tròn trịa trắng hồng, đôi tai vểnh, cặp mắt sáng, làn môi tươi đỏ như môi con gái và những lời tỏ tình đầu tiên của anh còn ngân nga trong trái tim non trẻ của tôi.

Ông giáo dạy nhạc yêu tôi chân thành và quyết liệt đã mất rồi! Tội nghiệp! Ông chết thảm thương trong một tai nạn giao thông bất ngờ. Thế đấy, cuộc sống thật là đầy bí ẩn và ngẫu nhiên. Cho đến một lúc, tôi như kẻ giật mình, ra khỏi giấc mơ. Và tôi nhận ra, năm tháng đã qua đi như bỏ mình lại phía sau: Tôi đã tìm mọi cách để nối lại liên lạc với Vương mà không thành, tôi và Vương thế là đã mất nhau! Nhưng mà bây giờ nhờ Liên, bạn gái của tôi đã tìm thấy Vương. Tìm thấy Vương sau bao năm trời mất tích khi tôi đã có chồng, có con. Qua thư Liên cho tôi biết, Vương sau mười năm đồn trú ở cửa khẩu L đã chuyển sang bảy năm làm cán bộ thuế vụ ở một tỉnh phía Nam và bây giờ theo vợ về ở trong một xóm nhỏ thuộc bãi biển T. 

Để nhận ra rằng, điều khiến cho cuộc đời trở nên thú vị chính là được hồi hộp, là được không biết, rằng một lát nữa, vài giờ đồng hồ nữa điều gì sẽ xảy ra với mình? Quẹo trái, quẹo phải ba bốn bận Liên đều quả quyết vậy, cuối cùng linh giác dẫn chúng tôi đến trước một cái sân của một căn nhà lợp ngói, tường trát toóc si, đã cũ kỹ, buồn tẻ và vắng lặng. Vắng lặng như một bức tranh phong cảnh. Mặc dầu là ở góc sân đằng xa có bóng một người phụ nữ đội nón sùm sụp đang kì cạch băm dây khoai lang. Và ở cạnh đống rau khoai cho lợn, nằm ềnh một con vện mẹ đang cho hai con cún con màu lông lem nhem y hệt mẹ nhay vú. Nắng xiên một vệt hồng hồng ở đầu hồi.

- Chào chị! Thưa chị! Chị cho tôi hỏi thăm: đây có phải...

Không đáp trả, chiếc nón lá già được cái cẳng tay hất lên. Rồi, lướt qua mặt cả Liên lẫn tôi một cái nhìn cứng như kim loại. Cái nhìn lạnh lùng, soi mói, định giá của người đàn bà.

Chắc chắn đây là nhà Vương một thời và mãi mãi là của tôi rồi! Tự tin, tôi bước lên thềm căn nhà và cất giọng thật tự nhiên:

- Chị ạ! Chúng tôi là bạn cũ từ thời học sinh phổ thông với anh Vương. Nhân về bãi biển T chúng tôi...

Chúng tôi bước vào gian giữa căn nhà ngói không một lời mời. Người phụ nữ xộ xệ bỏ nón quạt, đưa đẩy hai con mắt ti hí dưới đôi lưỡng quyền cao về phía chúng tôi, rồi bỏ mặc chúng tôi, lặng lẽ vào bếp bê ra một cái nồi lớn, bốc đám rau khoai đã băm vào. Tiếng chó quẩng ở đầu hồi đưa tôi về với hiện thực. Tôi chờ đợi giây phút này. Và hồi hộp lại một lần nữa bóp nghẹt tim tôi. 

- Này, nói cho mà biết, người sao ngao vậy. Mặt mày như cái con khỉ già ấy thì cái của nợ cũng vậy, có dâng đây, đây cũng thèm vào!

Chao ôi! Giọng nói đó là của ai vậy? Tim tôi đập liên hồi. Chẳng lẽ là ký ức còn sâu đậm đến mức, tôi có thể lọc qua cái chất giọng vừa đục vừa khan rè nọ, để nhận ra đó chính là cái giọng Vương một thời trai trẻ đã tỏ tình với tôi. 

Cuối cùng thì tôi hiểu, chẳng còn gì để nghi ngờ nữa. Vương đang đứng ở đầu hồi, đang ở trong cuộc cãi cọ tay đôi với một kẻ nào đó ở kề cận bên kia một hàng rào vô hình. Và sau mấy giây yên ắng, nghe bên kia léo nhéo mấy câu đáp trả, lại thấy chân Vương dận thịch thịch và giọng Vương bỗng nhâng cao lên, trở nên gay gắt, độc địa khác thường.

- Đ. mẹ mày! Quân ngắm chó đái, gà đẻ. Có cái củ c. ông đây này. Ông báo cho mà biết, trong cái phúc có cái hoạ đấy. Mà nếu già lừa ưa nặng thì chắc là muốn ăn mấy cây thánh giá vào mặt, hử!

Bây giờ mới là Vương hình hài xương thịt đây. Tiếng sóng biển từ xa dội lại ì ầm trong ngực. Mắt tôi hoa hoa nhoà mờ. Vương đang hiện ra trước mắt tôi.  Ôi! Vương của một thời trai trẻ leo qua bức tường cao vót lởm chởm mảnh thuỷ tinh và chạy thi với con tàu tăng tốc.

- Chào anh Vương! May mắn, Liên đã mau mắn bước lên, giống như một cái lá chắn. Và tôi, mặc dầu đã tránh được cuộc đối diện, mặt vẫn đỏ rừ cùng với cảm giác lưỡi đã cứng đờ:

- Em chào anh!

- Chào hai chị.

Trước mặt chúng tôi lúc này là một lão già tóc bạc xơ rơ, quắt queo, mặt nhăn nhúm, miệng móm hõm. Vừa chào lại chúng tôi, ông lão gầy guộc, sắt seo nọ đã nhấc cái phất trần, quệt phần phật lên cái bàn nước ở gian giữa.

- Mời hai chị ngồi. Các chị ở đâu đến, có việc gì thế ạ?

- Anh Vương, chẳng lẽ anh không nhận ra bạn anh à?

“Phật! Phật!”. Thay cho lời đáp trả của Vương là tiếng cái phất trần quệt nhẹ trên mặt bàn nước và tiếng vo ve của một con nhặng đâu đó đang lấp đầy khoảng trống. Lòng tan nát buồn đau và tôi nghĩ, tôi sẽ oà khóc mất. May thay, tôi đã bình tĩnh trở lại.

- Anh Vương hồi trẻ có học phổ thông ở Lao Cai không nhỉ?

Một lần nữa, Liên quyết đóng vai người có biệt tài trong việc giải toả các tình thế  khó xử. Và lần này, kết quả thật là bất ngờ. Câu nói có tính  gợi  chuyện của Liên đã có tác dụng. Vương gật đầu, vui vẻ nói rằng: “Lao Cai là quê hương của anh”. Rồi như phát hiện ra một điều gì đó thật là hệ trọng, Vương liền hấp háy hai con mắt đỏ ké nhìn chăm chắm vào người bạn gái dẫn đường cho tôi và giọng nói bỗng như đã bớt đi vẻ thờ ơ, lạnh nhạt:

- Hèn nào trông hai chị, nhất là chị, quen quen như đã gặp ở đâu rồi. Thế có phải là chị hiện giờ công tác ở trên huyện không?

- Tôi làm việc ở Phòng Địa chính huyện.

- Trời! Thế chị ở Phòng Địa chính huyện thật à! Đúng rồi! Hèn nào tôi cứ ngờ ngợ ngay từ khi nhìn thấy chị! Có phải tên chị là Liên không?

Không thể ngờ, những tiếng reo như vỡ ra của Vương lại như một tín hiệu báo tin mừng, người đàn bà từ nãy chui vào buồng trong như ẩn nấp ở đó để nghe lỏm câu chuyện, liền vọt ngay ra, kêu the thé liên tiếp: “Chị ở Phòng Địa chính thật à? Chị làm việc ở bộ phận nào thế! Hèn nào ngay khi thấy chị, tôi cứ bụng bảo dạ, người này quen lắm đây! Hà!”. Và sau đó đi vào buồng trong, rồi bước ra với hai cốc nước chanh thuỷ tinh đục lờ.

Ngồi xuống ghế, người đàn bà nhoai người ra nắm hai bàn tay Liên, lắc lắc và liến thoắng:

- Thôi, trước lạ sau quen. Em tự giới thiệu với chị. Em là Hạnh. Vợ sau của anh Vương nhà em. Số nhà em vất vả lắm. Đi lính thì mười năm vẫn chỉ đeo lon hạ sĩ quèn. Chuyển ngành ra thuế vụ thì bị vu là thông đồng với con buôn, tám chín năm không được lên lương. Còn em thì từ hôm nay được gặp chị, coi như được quý nhân phù trợ rồi! Chuyện là thế này, nhà em có mảnh đất của ông cha để lại, nhưng thất lạc giấy tờ, thế là hằng bao nhiêu năm nay, nhà Quyện bên cạnh nó tìm mọi cách lấn chiếm. Trời! Cái nhà Quyện bên kia ao kia kìa, cái đứa sáng nay nhà em phải chửi nhau với nó ấy, nó lưu manh lắm, chị ơi!

Tôi đã bị bỏ quên! Tôi đã trở thành một người thừa, một kẻ dôi ra ở cuộc sống này.

Mà tôi thì vẫn là tôi. Tôi, vẫn không khác hai mươi năm về trước. Một mái tóc dày với đường ngôi rẽ giữa. Một khuôn mặt trái xoan có chiếc lúm đồng tiền bên trái và một nốt ruồi duyên bên má phải. Cặp mắt hai mí đa cảm, đa sầu của một kẻ có cuộc sống nội tâm dồi dào, yêu quý những giá trị thầm kín. Tôi của một tình yêu say đắm thuần tuý đã trở nên xa xỉ, viển vông, phù phiếm, đã bị bỏ quên!

* * *

Viết thư cho tôi, Liên kể lại toàn bộ sự việc tranh chiếm đất đai giữa vợ chồng Vương và người hàng xóm tên Quyện. Liên bảo: “Tình huống hôm ấy có thể khẳng định là hắn không nhớ cậu. Nhưng cũng có thể hắn nhớ, nhớ như nhớ một câu chuyện tầm phào, vô nghĩa lý chả có ích lợi gì, vì vậy cho qua luôn. Hoặc giả, nhớ mà không dám nhận vì sợ vợ hắn ghen”. 

Liên hỏi tôi: “Có buồn không? Có thất vọng không?”. Tôi cũng hỏi tôi vậy. Lìm lịm trong một nỗi đau do con tim bị thương tổn nặng nề, tôi có cảm giác vừa để tuột ra khỏi tay một cái gì vô cùng quý giá rất đáng nâng niu. Ôi, những năm tháng mộng mơ huyền ảo! Đã là cái có thực và có sức bền vĩnh cửu, không bao giờ có thể mất đi được trong tôi, những năm tháng tươi đẹp ấy!