[Truyện ngắn] Người quan họ

(PLVN) - Năm nào làng chẳng chơi quan họ dịp hội xuân. Bến đò qua sông thường ngày vẫn tấp nập người qua lại, mang hàng về chợ quê giao dịch, dịp hội xuân thêm sắc màu miền quan họ. Nay Tùng về ăn Tết với tâm thế của người thành đạt. Tự hào đó nhưng cũng xốn xang. Mùa hội năm trước Tùng vắng mặt. Mẹ nhắc đi nhắc lại, con không về gia đình thiếu một nửa cái xuân. Tùng nhìn lên cao xanh cổ thụ, gió thì thào…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nắng lên nhẹ, trong vắt. Tiếng hát gọi người về đình, mời người ra bến sông thân thuộc với những bóng cây xanh ngắt đang soi xuống mặt nước. Nam thanh, nữ tú xúng xính. Tùng đi nghe hát ngày đầu hội. Tùng ra bến sông. Quan họ tụ hết về bến. Đường làng lát gạch nghiêng, nhỏ nhưng sạch. Cổng làng thâm nghiêm, bên cạnh là sừng sững bóng đa cổ thụ nhìn ra sông. Ngoài bến sông người đã đông. Vài chiếc thuyền chở các liền anh, liền chị chơi quan họ dập dềnh trên dòng nước sâu. Những câu quan họ dội lên thềm sóng nhẹ. Tiết xuân phơi phới. Áo tứ thân ngời thắm, bay bay.

Mỗi khi khách đến chơi nhà/Đốt than quạt nước pha trà mời người xơi/Trà này quý lắm người ơi/Mỗi người một chén cho tôi vui lòng…

Là giọng Hiên. Chất giọng vẫn đằm thắm như năm nào. Trong làng, Hiên được đánh giá tốt cả thanh lẫn sắc, tiếp thu nhanh lề lối đối đáp, chịu trau dồi lời ca, trình diễn cuốn hút lòng người. 

Tùng dõi theo bóng Hiên không chớp mắt. Cô e ấp nâng chiếc nón quai thao, khuôn mặt búp sen thêm ửng hồng dưới vành khăn mỏ quạ. Thanh thoát, duyên dáng. Lời hát của Hiên làm Tùng nhớ thời sôi nổi của mình ở làng.

* * *

Hiên và Tùng từng là cặp liền anh, liền chị ăn ý nổi tiếng. Hiên ở thôn Đông, Tùng ở thôn Đoài. Hai thôn một làng, cách nhau quãng đồng và con mương nhỏ. Cả hai học và biết hát ở tuổi thiếu niên. Dịp hội làng chẳng bao giờ thiếu cặp đôi nhỏ tuổi góp lời ca cho hội thêm vui. Tùng với Hiên tình trong như đã… Ở khía cạnh tình cảm nam nữ, hai người là cặp đôi tuyệt đẹp. Nhưng theo lời nguyền xưa, người quan họ không lấy nhau. Tùng muốn vượt qua cái luật bất thành văn này. Hiên bảo: “Không được”. Tùng bảo: “Không được thì anh bỏ hát”. Hiên bảo: “Anh bỏ hát thì xuân đâu còn ý nghĩa, làm sao xuân thu nhị kỳ được nếm trải cảnh trên bến, dưới thuyền của quê hương?”.

Đôi mắt Tùng long lanh, sâu thẳm một nỗi lo. Làm sao gỡ được cảnh huống này!

Gia đình muốn Hiên lấy Thụy, con đại gia trang trại vịt, nấu rượu, lại có xưởng gỗ rất phát đạt ở đầu thị trấn. Thụy bằng tuổi, sinh cùng tháng với Hiên. Lấy người bằng tuổi nằm duỗi mà ăn. Mẹ Hiên bảo vào nhà đó với cơ ngơi đó thì an nhàn. Hiên không thi đại học, ở nhà theo mẹ làm bánh đa. Hiên bấn loạn trong mớ suy nghĩ. Thụy không phải người cô quý mến. Cô yêu Tùng. Nhưng phận con, sao đành cãi lại ý mẹ, cha? Con không muốn lấy Thụy. Mẹ biết con mến ai, thương ai.

Cha mẹ gay gắt, ngăn cản chuyện Hiên và Tùng. Mẹ cô bảo: “Thằng Tùng đi học, biết bao lâu mới lo nổi cho bản thân, lại còn đợi chờ này nọ”. Cô phản biện: “Anh ấy đi học rồi anh ấy sẽ về. Mẹ hãy để con tự quyết chuyện của mình”. Mẹ nổi đóa: “Không nghe tao thì đừng là con tao nữa”.

Ở miền quê sát rẻo sông này, chuyện cha mẹ sắp đặt chuyện hôn nhân cho con cái vẫn chẳng phải hiếm. Tư duy của người lớn áp đặt cho thanh niên đến tuổi dựng vợ, gả chồng là nên gả vào gia đình có điều kiện, sẵn nong, sẵn né. Còn Hiên, cô muốn đợi Tùng. Cô thưa: “Ngoài Tùng, con chẳng lấy ai khác”.

Năm đầu tiên Tùng thi không  đỗ đại học. Hiên có chút chạnh lòng. Tùng nói sẽ cố gắng thi đỗ. Năm đó Tùng nghỉ chơi quan họ. Hiên cũng nghỉ hát trong mùa hội ấy. Tùng thi năm thứ hai, đỗ trường thương mại. Tùng hứa sẽ học thật tốt, gìn giữ mối quan hệ với Hiên, động viên hai bên gia đình chấp thuận tình cảm hai người.

Nhưng cả gia đình động viên Hiên lấy chồng. Lúc nào Hiên cũng cố lảng tránh, bảo muốn kéo dài thời gian thanh xuân, chưa muốn bìu ríu con cái. Cả gia đình sốt ruột vì sự ương bướng của cô. Chị gái Hiên nhếch mép: “Thằng đó thì có cái gì mà mày phải đợi? Lại còn nghỉ chơi quan họ. Mày có ngu không Hiên ơi”. Nhà Thụy thi thoảng cho người bắn tin, con Hiên không lấy thằng Thụy thì nó đi lấy con khác. Ở cái xứ này thiếu gì con gái xinh. Hiên không động lòng, chỉ cha mẹ và họ mạc là như đứng trên đống lửa. Hiên biết cái giá khi về làm dâu bên đó. Nhà đó có điều kiện, của ăn, của để, họ mạc bên nhà cô cũng sẽ được nhờ nếu mọi chuyện thuận buồm xuôi gió. Nhưng là chuyện trăm năm của đôi nam nữ, nếu không yêu thì làm sao có hạnh phúc. Cô với Thụy cũng chỉ gặp nhau hai lần, nói chuyện không hợp. Nhìn dáng người lùn thấp, mắt ti hí, tóc xoăn tớn, hay khoách lác, Thụy không có vẻ sẽ là một người chung tình, thương vợ. Thôi thì, cô nghĩ, cũng phải để các cụ hiểu là bọn trẻ bây giờ nghĩ khác, sống khác, có đứa dám vì người mình yêu.

Vì quá cương quyết, gia đình cũng không ép được Hiên. Hiên nghĩ sẽ vẫn thực hiện kế hoạch “mưa dầm thấm lâu”, thuyết phục cả gia đình chấp nhận Tùng. Thụy đi lấy người khác. Quả nhiên họ lại bắn tin, đại loại: Thấy chưa, nhà đại gia nhất xã thì thiếu gì con gái muốn bu vào. Họ tìm cách là cho cha mẹ Hiên đắng lòng. Họ cứ day đi day lại nỗi đau không có con trai của bố mẹ Hiên.

Cha mẹ trút giận lên con gái, cô chỉ biết khóc. Biết làm sao bây giờ. Càng ép cô càng thấy sợ. Cô không muốn nhúng chân vào vũng lầy mà mình nghi ngờ trong đó có nhiều hiểm nguy. Chỉ một thời gian, Hiên biết được cô gái về làm vợ Thụy, làm dâu nhà giàu đâu có sướng. Người ta kể rằng cô dâu mới chịu rất nhiều áp lực, từ sự ngang bướng, gia trưởng của Thụy, cộng thêm sự soi mói gay gắt, kỹ tính của mẹ chồng. Cô ở trong nhung lụa, nhưng cũng thật nhiều nước mắt. Hiên thấy mình may mắn. Thấy mình đúng. Cô nói với cha mẹ: “Con đã nhìn không sai về tay Thụy đó. Đúng là sẽ khổ mà”. Mẹ cô đấu lại: “Mày lấy nó, biết đâu sẽ khác. Mà cứ về đó chịu áp lực một chút, nhưng là bà chủ. Nhà nó cũng chỉ có mỗi thằng con trai”. Hiên lắc đầu: “Mọi người muốn con phải sống trong khổ cực sao?”. Ngoài kia gió thổi xót lòng.

Bỏ chơi quan họ hai năm, năm thứ ba mọi người động viên cô tham gia. Cô lắc đầu. Tùng không tham gia, cô cũng không. Tùng dành nhiều thời gian cho việc học. Tết về quê rủ Hiên đi chợ. Cha Hiên bắt gặp hai người, đã làm Tùng mất mặt ngay ngoài chợ. Hai người đành bí mật gặp nhau. Không thì qua chiếc điện thoại, tin nhắn, facebook. Hiên chẳng hiểu sao gia đình mình lại có định kiến không tốt đối với Tùng đến vậy. Gia đình anh cũng không nghèo. Anh có khát vọng. Nhưng tại sao mọi người hết lần này đến lần khác ngăn cấm? Thật khó hiểu.

* * *

Cuối chiều, Tùng gọi điện hẹn gặp Hiên. Hai người đến quán cà phê thị trấn, tìm ngồi một góc khuất. 

- Giọng em vẫn thật say đắm.

- Lâu rồi em chưa được nghe anh hát. Mấy năm qua cứ phải gặp nhau lén lút, thật bất tiện.

Tùng khoe:

Anh ra trường, đã có nơi nhận làm việc rồi. Đó là một nơi rất tốt. Anh sẽ cố thuyết phục gia đình em, bằng sự chân thành, để chúng ta được nên vợ, nên chồng.

Ánh mắt Hiên hơi trĩu xuống:

Em e là hơi khó…

Tùng đưa Hiên đến đền thờ thủy tổ Vua Bà dạy hát quan họ nằm thâm nghiêm dưới cội đa già. Trên đường đi Tùng hát: “Sông sâu nước chảy lơ thơ/Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi/Ra sông lại nhớ đến người/Xuống sông uống nước cho nguôi tấm lòng…”.

Giọng hát của Tùng vẫn như xưa. Học ngoài Hà Nội, mỗi khi nhớ quan họ anh vẫn cất lời ca. Anh cũng thường hát trong những buổi sinh nhật bạn, chương trình văn nghệ của trường. Hiên nể giọng anh. Hát nhiều năm rồi, cô hiểu, hát quan họ như thân tằm nhọc nhằn rút ruột nhả tơ, phải kiên gan, bền chí lắm mới có thể theo được. Nhiều người cũng ở đất quan họ đấy, nhưng mải miết chạy theo nhạc trẻ. Còn với cô, với những người như Tùng, đắm đuối coi quan họ là cội nguồn văn hóa quê hương. Đi bên Tùng, cô thấy mùa xuân ấm áp. Bạn bè cô bảo, không hiểu cô lấy đâu dũng khí để bất chấp gán ghép của gia đình, Hiên đã đợi được Tùng đến ngần ấy năm. Làng quê nặng câu con gái có thì. Những lúc như thế, cô chỉ cười, rồi tự nhủ, đúng là mình có cái bền gan của người con gái quan họ.

Lúc quay về, Hiên động viên Tùng hôm sau hãy đăng ký hát hội. Hội còn hai ngày. Hãy làm sống động hơn không gian vốn thuộc về lời ca, tiếng hát. Hãy cất tiếng hát của dòng sông hàng trăm năm trầm mình dưới bóng quê thân thương, chuyển mạch nguồn văn hóa. Hãy làm bến sông đã đi vào rất nhiều áng thơ, bức họa, ca khúc. Hãy để người hai thôn phải thốt lên vì câu hát của anh và sau ngần ấy năm, giọng ca vẫn ngọt lành, đắm đuối. Nghe Hiên nói thật bùi tai. Mỗi lời Hiên như thúc giục, như vẽ là một kết cục tuyệt vời cho người trai từng là liền anh phong nhã. Như thể cứ theo cách ấy, sẽ mở ra một con đường khác, rộng thênh thang cho hai người. Biết đâu tháo gỡ được nút thắt.

- Anh sẽ hát. Rồi mai sau dù có thế nào thì anh cũng đã hết lòng. Nói thật với em là anh vẫn hát đó. Anh hát ở nơi anh ở. Anh hát giao lưu với những người biết quan họ, gọi là bằng hữu giao lưu, tứ hải giao tình để học lề lối đối đáp, làm đẹp thêm tình hữu hảo người quan họ.

- Vâng. Để rồi chúng ta lại thuyết phục “các cụ”.

* * * 

Mùa xuân nô nức qua thềm gió. Xuân chảy trên vạt sông, trên bến nước êm êm vài chiếc thuyền nhỏ. Tùng xuống thuyền cùng hai liền anh khác. Thuyền bên kia, ba liền chị cũng đã sẵn sàng… Và chơi. Những người trẻ trên bến sông làm dậy sức sống những câu quan họ. Cha mẹ Hiên không muốn cũng phải biết việc này. Tùng đã lên thuyền.

“Mùa xuân ai đi tìm ai

Nón quai thao em qua sông dài

Câu hát cũ đi tìm thương nhớ cũ

Cây đa bến nước con đò, cây đa bến nước con đò

Quan họ liền anh, quan họ liền chị

Nón ba tầm trao duyên, nón ba tầm trao duyên…”

Mùa xuân đi chậm qua vành nón quai thao, qua đôi mắt lúng liếng thôn nữ. Tối về qua ngõ, Hiên nhất quyết hỏi mẹ bằng được, vì sao gia đình gay gắt cấm cản con đến thế? Mẹ Hiên đứng lại. Lúc này bà cũng chẳng muốn giấu con thêm. Sáng nay trên bến, những cặp đôi quan họ trẻ đã hát làm đắm đuối bao người. Sự chăm chú và khích lệ bằng vật chất của khách gần xa là một phần thưởng xứng đáng. Nhìn gương mặt thanh tú của đám trẻ, bà thay đổi ý nghĩ. Bà không muốn bọn trẻ phải khổ vì người lớn.

Hiên à, đúng là có chút chuyện từ ngày xưa, chuyện mẹ và bố của Tùng. Hai người quan họ, một mối tình trái ngang… Mẹ cũng từng phải chịu đựng sự khắc nghiệt này - mẹ Hiên nhấn mạnh - mẹ và mọi người sẽ để con tự quyết. Các cụ trong thôn làng cũng đã cởi mở hơn xưa rồi.

Hiên mừng quá, suýt hét lên. Cô cảm ơn mẹ và chạy ngược phía bến sông. Ở đó, hình như Tùng đang đứng đợi, ngẫm về hội hè, những người con dưới nếp làng. Mùa xuân cũng đang ở đó…

Truyện ngắn của Trọng Khang