1. Trời trưa đứng nắng. Cái nóng quéo quắt lên tấm bạt che ngang quán cà-phê đầu con hẻm nhỏ. Tám đang dựa lưng vào bờ tường, lấy tờ báo cũ che mặt, thiêm thiếp ngủ. Bất giác có tiếng bước chân ì đùng chạy ngang, giọng hổ báo gầm vang cả xóm.
- Nó đâu rồi? Bà già thấy thằng nhóc mặc cái áo hồng, quần xà lỏn, mang dép tổ ong chạy đâu không?
- Tổ ông… mày… Trời liệu chú ơi. Biết gì đâu nè, đang ngủ mà.
Đám thanh niên đâu chừng bảy tám thằng lại chạy xộc thẳng đến giữa xóm, ngó dáo dác ngay cái ngã ba rồi chỉ nhau quẹo phải, nhằm con hẻm lớn nhất của xóm thông ra tận đường cái sầm uất. Vài người trong xóm tung cửa ra đứng nhìn, rồi lắc đầu ngao ngán. Đánh lộn hả Tám? Ờ đánh ghen bây ơi. Mấy thằng này đi kiếm thằng nào đó đánh ghen. Bởi khổ, con trai yêu nhau đánh ghen hơn cả con gái.
- Tào lao quá Tám ơi!
Tám quay lại phía sau lưng. Thằng áo hồng, quần xà lỏn, mang dép tổ ong, mái tóc rối nùi, đang nhe răng cười. Trời ơi, mày linh như thứ âm binh vậy. Tao lạy mày, trốn đi, đám đó nó dí mày. Mà mày làm gì người ta vậy? Thằng áo hồng chẳng thèm trả lời Tám, tủm tỉm cười, nó giơ lên trước mặt Tám cái ví tiền dày cộp, rồi lủi mất tiêu.
2. Cả cái xóm nhỏ chẳng ai biết thằng áo hồng từ đâu đến. Có người nói dân bụi đời chợ Bàn Cờ chạy sang. Có đứa bảo chắc phía chợ hoa Hồ Thị Kỉ dạt về. Bận Tư Thơm nói chắc nịch, thấy nó bán vé chợ đen ngoài rạp hát Hòa Bình. Nhưng bà Bảy Phơi cãi chèm chẹp lại liền. Trời tui ngày nào hổng thấy nó đi từ trong Xóm Gà ra. Thằng quỷ dân ma cô chăn bắt giựt dọc chứ lạ gì. Hổng ai chịu nhường ai, gân cổ lên rần trời cả chầu cà-phê sáng.
Nhưng kỳ thực, thằng áo hồng xuất hiện lần đầu tiên, vào một ngày trời mưa ngập ngụa Sài Gòn. Nó trú vội vào tấm bạt của quán. Kêu ly nước cam. Mưa gì lớn quá chừng. Mưa này, chắc về sắm xuồng chèo coi bộ ngon hơn đi xe. Mà mưa này ai thèm uống nước. Dọn quán đi cô. Nước ngập dơ thấy mồ. Lội tới lội lui cái chân chắc đem đi chặt bỏ luôn. Chống ngập chi mà nâng đường lớn không hà, nước cứ thế chảy tràn vào mấy con đường nhỏ. Khổ thiệt heng cô.
Thằng áo hồng ngồi co ro với Tám. Mặt mũi nó tèm lem, đầu tóc sũng nước. Đời này hổng sợ khổ con ơi. Chỉ sợ đói thôi hà. Thân một mình, dạt từ miền Tây lên đây ngót nghét là hơn hai chục năm nghen bây. Có gia đình gì đâu. Tám ở trọ cuối xóm nè. Ở riết chòm xóm thương, cho bán đầu hẻm. Ngặt cái hẻm nhỏ, buôn bán có hôm lấn ra đường xe chạy chút hà, mà bị bắt dẹp hoài. Hên có chú công an khu vực, ổng thương, ổng rầy sơ sơ thôi. Tám thở dài thườn thượt, dài như trận mưa dai dẳng quất thẳng Sài Gòn sau mùa nắng khô khốc.
Thằng áo hồng, ngồi chăm chú nghe, chốc chốc lại gật gù. Ủa rồi tháng đóng năm trăm hay một triệu vậy Tám? Thằng nhỏ hỏi, miệng cười tủm tỉm. Trời thần, rành dữ bây. Con ơi, thân cô thế cô, người ta nhắm mắt cho qua, mình cũng phải biết điều chứ. Sau bận đó, ngày nào thằng áo hồng cũng ghé lại quán Tám. Có ngày hai ba cữ nước cam. Nó nói con giải cứu cam cho bà con miền Tây mình đó Tám. Rồi nó cười, mấy lọn tóc rối rung lên bần bật.
3.Thằng áo hồng chạy xấc bấc vào con hẻm nhỏ, tay ôm con chó, cố ngoái đầu lại nhìn Tám. Nè con quẹo bên trái nhen Tám. Chưa kịp định thần coi nó lại làm trò gì. Thì rần rần phía sau đám người dí theo. Bà già thấy thằng bắt chó chạy đâu không?
- Mày chó… Trời thần, tui liệu chú ơi! Nó quẹo bên phải đó nha.
Mấy cái cửa nhà có người lú đầu ra. Ngó nghiêng qua lại. Đánh lộn hả Tám? Hông có, đám bên chợ chó Lê Hồng Phong, dí người tận bên đây. Vài người lắc đầu ngao ngán. Lại thằng quỷ sứ chứ gì? Nay nó thèm thịt chó. Không chừng nó bị thịt như con chó. Đâu đó ai nói cà khịa, nhưng nghe ra mỉa mai hết sức. Tám chẳng ừ chẳng hử, lại xếp gọn mớ bàn ghế. Lần nào thằng áo hồng xẹt ngang, rồi đoàn quân hổ báo dí theo, là đống bàn ghế lăn long lóc, lắm khi vài cái sứt gọng gãy càng.
Chẳng cần đợi lâu, thằng áo hồng ghé lại quán Tám, con mắt sưng húp, tay chân trầy xước, kêu ly nước cam, ngồi xuýt xoa. Tám xức dầu cho nó, lấy bông gòn lau chỗ máu còn rịn. Bây thôi cái nghề bất lương đi. Hết giựt dọc lại trộm chó. Ác lắm!
- Tào lao quá Tám ơi!
Tám nhìn thằng áo hồng. Mặt mũi không tệ, tướng tá cao ráo, đâu chừng phải hơn hai mấy tuổi chứ ít ỏi gì. Hay là mày bỏ nghề đi, phụ Tám bán cà-phê, có gì ăn đó. Chứ gì đâu hai ba hôm là bị người ta đánh, năm bảy bữa là người thương tích. Thằng áo hồng quay qua nhìn bà bán nước, miệng lại cười tủm tỉm, gương mặt nó sáng bừng.
- Chuyện này hổng tào lao nè!
4.Thằng áo hồng, chục lần ghé đến vẫn mặc áo hồng. Khác chăng là mấy cái họa tiết, hay chữ nghĩa ngoằn ngoèo trên áo. Nhiều người trong xóm nói thằng này bóng nghen, ai đời con trai thích màu cẩm hường thấy ớn. Thằng này pê-đê nè, cái ngữ nói chuyện nhỏ nhẹ, lần nào ghé quán cũng xúm vào nói chuyện với mấy bà. Đàn ông ai nhiều chuyện vậy. Tám nghe riết rồi thấy cũng đâm nghi. Ngộ lỡ nó làm bậy bạ với người trong xóm thì chắc bị đánh chết quá.
Bận Tám thủ thỉ với nó, quậy đâu quậy ngoài đường, quậy ngay cái hẻm này là nhìn mày to vậy chứ chặt ra cũng vừa thùng xốp nghen con. Mấy bận mày bị người ta dí hổng ai ra can, tại mày làm chuyện bậy đó. Chứ Sài Gòn này, mày làm phải là người ta xắn tay ra bênh mày liền à! Thằng áo hồng quay sang nhìn Tám:
- Tào lao quá Tám ơi! Nay là bỏ nghề luôn nhen!
Nó nói vậy rồi đi. Biền biệt mất hút.
5.Thành phố mùa dịch đợt thứ hai, thiên hạ râm ran theo từng con số tăng vọt một cách chóng mặt. Sáng banh mắt ra đã nghe hẳn bốn mươi lăm ca mắc. Đâu ra dữ vậy trời. Cái ổ dịch tuốt luốt miền trung, ngặt ngay xứ du lịch nên thành thử tỏa ra muôn phương vạn hướng. Ủa rồi xóm mình có ai mới đi về không? Tư Phơi bỏ dở ly cà-phê quay qua hỏi. Dân tình trong xóm dáo dác nhìn nhau, cố lục lọi trong trí nhớ coi nhà nào vừa mới đi chơi xa về. Chừng đồng thanh à lên một tiếng khiến chầu cà-phê sáng đâm ra hoang mang, giải tán sớm hơn lệ thường.
Rồi tới trưa thì xe công an, xe y tế vây quanh con hẻm. Nhà ông đại gia mới dọn về đâu chừng hơn nửa năm được đưa đi lấy mẫu. Cả xóm sống trong cảnh thấp thỏm lo âu. Nhà nào cũng đóng cửa thin thít. Quán cà-phê đầu xóm bị công an bắt dẹp, khi nào qua dịch mới cho bán lại. Gì chứ mấy cái quán cóc này là chuyên môn tụ tập suốt ngày. Rồi túm tụm cho đã đi heng, nó lây ra là chết cả lũ. Đợt này con vi-rút nó biến thể rồi, lây nhanh và mạnh hơn lần trước. Cẩn thận đi, nhất là mấy người lớn tuổi nghen bà già. Tám nghe công an nói vậy, tay run run dọn từng cái ghế. Lòng thắt thẻo, nghỉ bán vậy giờ sống sao đây ta?
Tối mịt trời, cả xóm yên lặng lạ thường, hổng ồn ào náo nhiệt như mọi hôm. Phía đầu hẻm có dân phòng canh gác nghiêm chặt. Ai đó gõ cửa cái căn nhà trọ Tám dồn dập. Bữa trưa cách đây vài ngày có bán ly cà-phê xách đi cho bà người làm của gia đình đại gia. Hổng lẽ vậy cũng dính sao trời. Tám phập phồng mở cửa. Trời thần, là thằng áo hồng.
Nè Tám, chục ký gạo mới đi xin ngoài cây ATM gạo đó. Còn thùng mì gói này, chỗ ngoài chùa người ta phát từ thiện đó. Trứng gà là công ty kia phát cho người nghèo. Khẩu trang, nước rửa tay, ra đường phải xài. Con đẹp trai nên xin được đó. Ờ còn cái này nè, tiền đó, là tiền đàng hoàng, hổng trộm cắp giựt dọc gì hết. Tám tin con hông? Giữ dằn túi.
Thằng áo hồng lấy tay lau nước mắt cho Tám, rồi phóng xe cái vù trong con hẻm tối. Chưa kịp nghe Tám nói tin hay không tin nó.
6.Tháng chín, mùa dịch đi qua. Nắng vẫn khô khốc. Nóng vẫn quắt quéo. Lâu rồi Tám mới nghe những bước chân đùng đùng. Hổng phải thằng áo hồng. Là mấy ông hình sự vây bắt nhà bà Bảy Phơi, bà trùm đề cả một khu vực tiếp giáp ba quận của Sài Gòn. Phơi đề của bà có ngày lên hàng trăm triệu. Nhiều người tan cửa nát nhà, vẫn cứ mãi là tay em chơi số của bà. Vài cánh cửa mở ra, vài cái đầu ngó nghiêng. Tiếng Bảy Phơi khóc rống lên thống thiết.
Một bữa sáng, Tư Thơm lật tờ báo ra, làm giọng quan trọng. Trời, chụp hình Bảy Phơi chần dần trên báo nè. Trời, hồi tuần trước hốt trọn ổ bán chó ăn cắp ngoài chợ nè. Trời, đám móc túi bên rạp hát bị hốt trọn ổ rồi. Mấy cái tin tức này chẳng làm Tám quan tâm. Cái Tám lo là ông công an khu vực vừa ghé qua báo sẽ bị chuyển đi, người khác về thay, quán cà-phê phải dẹp, Tám tự lo thân.
Ngày rổn rảng bên ly cà-phê sáng bỗng lặng thinh. Tư Thơm há hốc nhìn anh công an khu vực mới. Ơ quen quen… trời thằng áo hồng nè… Tám run bần bật. Anh công an vẫn cứ cười tủm tỉm, kêu ly nước cam. Tám ngập ngừng hỏi nhỏ, cũng năm trăm như bình thường phải không con?
- Tào lao quá Tám ơi!
Thằng áo hồng nay mặc áo xanh. Thằng áo hồng nắm lấy tay Tám, nó gọi Tám bằng má ngọt xớt. Nó biểu má cứ bán ở đây. Bán đến già luôn nghen. Bán đến chừng nào má lấy chồng thì thôi! Hổng ấy ông Tư Thơm cũng mình ên nè, rổ rá cáp lại cho vui heng! Bất giác Tư Thơm với Tám đồng thanh:
- Thằng Tào lao à!
Thằng Tào lao đứng cười tủm tỉm. Ơ, câu này của con mà!
Truyện ngắn của Trúc Thiên