[Truyện ngắn] Thỏi son

(PLVN) - Các bạn lớp Kha cứ đến ngày ông Công, ông Táo là gặp mặt tại nhà Dung. Trước kia mọi người hẹn quay vòng từng nhà rồi mới chia tay về nhà ăn Tết. Nhưng khốn nỗi nhà ai cũng chật chội. Hơn nữa, cái lứa lớp 12 vào những thập niên 80 đều nghèo cả. Đa số ở tập thể. Cuối cùng chọn địa điểm nhà Dung vì có vườn. 

Thật buồn cười, lần nào đến Dung cũng trêu Kha là già khọm và ế vợ. Mấy đứa bạn thân thanh minh cho Kha cũng chả lại. Gần bốn chục tuổi rồi chả đám nào ngó. Ai cũng châm chọc Kha và đều hứa sẽ tìm cho Kha một đám. Nhưng rồi nói chỉ để mà nói. Chả ai giúp thật sự. Kha cũng buồn lắm. Tại cái duyên, cái số cả. Biết sao được.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Nhưng thật bất ngờ, năm nay, các bạn gọi điện cho nhau bắn tin rằng Kha sẽ dẫn vợ mới cưới đến. Ai cũng trách Kha sao không mời họ đến dự. Cưới từ bao giờ và có hạnh phúc không. Vậy là ai cũng tò mò muốn biết. Đúng ngày hai mươi ba Tết, mọi người dắt díu bồng bế con cái đến nhà Dung như thường lệ. Tất nhiên ai cũng chờ vợ chồng Kha đến. Và thật bất ngờ, mọi người reo lên khi hai người vừa xuất hiện:

- Trời! Sao đẹp dữ vậy?

- Lộng lẫy như tiên sa thế kia.

Lẽ dĩ nhiên, có những lời khen lấy lệ, thậm chí có chút mỉa mai. Họ thấy vợ Kha đánh phấn dày quá và nhất là đôi môi đánh son đỏ chót ướt nhẫy. Kha giới thiệu với mọi người:

- Đây là Liên vợ tôi!

Sau đó Kha dẫn Liên đi chào từng cặp vợ chồng một. Họ bắt tay nhau vui vẻ và vội hò nhau vào bàn dự tiệc trà như mọi khi. Cuộc vui tràn ngập tiếng cười nói xen lẫn trong tiếng nhạc rộn rã. Kha cứ ngồi lì một chỗ nhâm nhi chén rượu với hai người bạn. Bất ngờ có tiếng ai đó như gắt gỏng:

- Gớm khiếp quá thôi! Ăn với uống vô ý thức! Để lại đầy son trên cả miệng chén miệng bát thế này có ghê không cơ chứ!

Lại có thêm tiếng nói kháy:

- Son rởm đây mà. Cũng màu hoa đào đấy chứ kém ai.

- Úi dào, tưởng quý phái gì cho cam. Rẻ tiền!

- Thế này, thà đừng dùng còn hơn.

Cứ thế lời ra lời vào, Kha nghe ngượng tím cả mặt. Riêng cô vợ muộn mằn kia từ đâu trở lại lôi Kha đứng bật dậy khỏi ghế rồi nói rít lên:

- Về ngay! Tôi không chịu được nữa. Bạn bè anh thế đấy!

Kha cố gượng nói:

- Sao lại về nửa chừng thế này? Lát nữa, còn sớm chán.

- Anh có nghe họ nói gì không? Hả?

Liên nhanh chân đi ra cửa. Kha đành nhìn các bạn nửa như trách móc nửa như tiếc nói:

- Xin lỗi các bạn! Tôi về trước.

* * *

Về đến nhà Kha không ngờ chuyện lại xảy ra một chiều hướng bi kịch khác. Liên chì chiết:

- Anh thấy rõ cảnh người nghèo chưa nào? Tưởng lấy anh, một kỹ sư lâu năm, tôi được nhờ. Ai dè đến một thỏi son cho đáng mặt đồng tiền một chút cũng không có.

Kha lừng khừng nói:

- Ôi dào! Chuyện đàn bà! Họ nói kệ họ. Mà họ có nhắc đến tên mình đâu mà tự ái nào.

Liên nhếch miệng cười:

- Thì ra đến giờ tôi mới hiểu tại sao anh cứ dụ tôi cưới nhanh. Chỉ vì cái tính keo kiệt của anh mà làm tôi nhục nhã trước mặt bạn bè anh thế đấy.

Kha giải thích thế nào cũng không xong. Liên càng tỏ ra hậm hực vì lần đầu tiên ra mắt đám bạn bè chồng đã bị hạ nhục. Liên đâm oán chồng. Kha buồn nhưng chỉ im lặng và lắc đầu thở dài.

Vài ngày sau tưởng mọi chuyện đã qua. Kha không ngờ vào buổi chiều chủ nhật, Liên đòi anh đi đến một cửa hàng mỹ phẩm cao cấp trên phố để mua một thỏi son khác. Theo như Liên nói, thỏi son này đúng màu hoa đào mà Liên thích mà lại là loại khô không dính vào miệng cốc hay chén và không bị dính mùi. Kha hỏi giá thì vội giãy nảy lên:

- Hơn một triệu bạc có mà nhịn ăn cả tháng à? Thôi đừng viển vông. Có gì dùng nấy. Mà không dùng son thì đã chết ai nào?

- Có mà nhục! Người đời nói tôi không chịu được.

Kha bỗng dịu giọng:

- Em đừng có quá sức như vậy. Anh không có tiền thật mà.

- Ai cần tiền của anh! - Liên bất ngờ lên giọng - Tôi chỉ cần anh đưa đi để anh biết cái gì đáng giá với vợ anh thôi.

Kha tỏ ra bực mình:

- Thôi em có tiền tự đi mà mua.

Liên tức, khóc òa lên rồi dọa:

- Nếu cứ sống thế này, tôi sẽ ly dị anh!

Kha chỉ tặc lưỡi rồi thở dài. Từ đó hai vợ chồng sống như hai cái bóng mà thôi. Người đi thầm lặng, người về chẳng nói chẳng rằng. Cứ thế ngày tháng trôi đi. Vào ngày cuối năm, Liên làm đơn ly dị thật chứ không phải lời đe dọa như Kha nghĩ. Suy tư mãi thấy chẳng thể nào khác Kha đành ký vào đơn. Kha yêu vợ lắm nhưng chẳng thể tiếp tục. Kha tự cám cảnh cho mình không thể giữ nổi vợ chỉ vì một thỏi son. Vậy là Kha lấy vợ chưa đầy năm đã phải chia tay. Anh buồn mãi. Nhưng đành…

* * *

Ngay chỉ vài tháng sau, Liên qua người mối lái, cưới một ông chồng mới. Đã ngoài năm mươi nhưng ông ta giàu có và hết sức chiều Liên. Với tuổi ba mươi, Liên còn xuân sắc và khi trang điểm ai cũng chỉ đoán Liên ngoài hai mươi là cùng. Được khen, Liên sướng phổng mũi. Mà ông chồng già càng sĩ, càng vung tiền cho Liên ăn diện và tha hồ mua son phấn. Các loại ngoại xịn và đắt tiền. Mấy cũng xong, Liên thấy mình quá hạnh phúc chứ không chỉ như hồi sống với Kha. Có lần Liên trở lại thăm Kha làm anh ngỡ ngàng và không tin ở mắt mình nữa. Anh ríu lưỡi khen:

- Em xinh quá! Đôi môi thật đáng yêu.

Liên cười toét miệng:

- Môi son hoa đào Pháp xịn đấy. Không dính cốc đâu.

Kha cười nửa như trách nửa như buồn:

- Cái số anh hẩm hiu vậy đấy! Để nàng công chúa tuột mất khỏi tay.

Liên ra về trong điệu bộ xúng xính kiều diễm. Kha chỉ nhìn theo với ánh mắt thâm trầm ưu tư. Không biết anh đã nghĩ gì.

Ngày ngày Liên chỉ ăn chơi và làm đỏm. Cứ cuối tuần, Liên theo chồng đến các nhà hàng quán xá. Hai người còn giải trí qua những đêm vũ trường và đến các hiệu chụp ảnh nghệ thuật. Thế rồi Liên có bầu. Từ đó ông chồng Liên không còn cái thú dẫn vợ trẻ đi “sĩ” với bạn bè làm ăn nữa. Ông ta vẫn tiếp tục đến câu lạc bộ doanh nghiệp để đánh bi-a hay đến các sàn nhảy mà không có Liên. Ban đầu Liên còn chịu vì chỉ nghĩ đến cái thai trong bụng. Nhưng rồi thấy chồng cứ đi liên miên thâu đêm suốt sáng nên sinh ra thói ghen tuông nghi kỵ… Có lần Liên giữ chồng ở nhà không cho đến vũ trường nữa thì ông ta gạt phắt tay Liên rồi nói:

- Cô dở hơi à? Tôi là chồng hay cô là chồng? Ai làm ra tiền hả?

Liên túm lấy cái cà vạt vàng chóe của chồng rồi tru tréo:

- Em không để anh đi mãi thế này được.

- Sao, cô cấm tôi à?

Ông ta nhắc cặp kính đắt tiền lên rồi dằn từng tiếng:

- Tiền của tôi, tôi xài. Cô có quyền gì nào?

- Vợ anh! Em là vợ anh!

Thấy vợ túm áo chặt quá, ông ta bèn tát cho Liên một cái đau hoa cả mắt. Liên rụng rời buông tay ra rồi ôm mặt khóc tức tưởi. Đêm ấy ông ta không về.

Cái gì đến nhanh và vội vàng thì ra đi cũng gấp gáp. Đúng thế! Liên bị chồng bỏ rơi hàng tháng ròng. Cô sinh con trong sự lạnh nhạt của chồng. Và điều gì đến sẽ đến, Liên ôm con ra khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng. Ông ta luôn cho rằng đó không phải là con mình và vu cho Liên đã chửa hoang. Liên cay đắng chia tay chồng vì biết ông ta lại đang quan hệ với một cô vũ nữ rất trẻ. Từ đó Liên chẳng bao giờ quay lại ngôi nhà sung sướng giàu có ấy nữa. 

* * *

Mới đấy mà đã dăm năm trôi qua. Liên chợt nhớ tới Kha khi có người hàng xóm nhắc đến. Không biết anh đã có ai chưa. Và sẽ lại dẫn đến giới thiệu với bạn bè như ngày nào chứ. Nghĩ đến Kha, Liên thấy hai tai mình nóng lên. Có lẽ vì ngượng ngùng.

Ngày ông Công, ông Táo đến lúc nào không hay. Mọi người lại tấp nập chuẩn bị Tết. Hai mẹ con Liên chẳng biết lo lắng gì. Vì từ ngày đó nghèo lại hoàn nghèo, Liên thấy cô đơn và đau khổ biết dường nào khi đã phải trải qua hai lần đò. Liên bỗng giật mình nhìn lên ti vi khi nghe thấy một giọng nói quen thuộc. Thì ra là Kha. Trời! Anh ta được lên truyền hình cơ à? Làm gì vậy? Lát sau phóng viên truyền hình giới thiệu:

- Tôi xin giới thiệu nhà doanh nghiệp Vũ Kha, Giám đốc Công ty mỹ phẩm Hoa Xuân

Giọng Kha chậm chạp, đầm ấm:

- Tôi xin gửi những món quà xuân tới các quý cô, quý bà. Đây là thỏi son màu hoa đào Việt Nam chất lượng cao giá rẻ. Sau hai năm nghiên cứu, chúng tôi đã sáng chế một loại son môi không dính cho các quý cô, quý bà khỏi quan ngại khi đi dự tiệc và những nụ hôn…

Liên nghe thấy thế chợt buồn trĩu lòng. Cô nghĩ tới những ngày sống êm đềm bên Kha. Và sự thành công của Kha chắc cũng được xuất phát từ sự nỗ lực lớn lao. Chỉ có Liên mới hiểu vì sao Kha phấn đấu hết mình để trở thành ông chủ như vậy. Liên thấy lòng mình ân hận khi nhìn trực diện vào ánh mắt Kha vừa hiện trên màn hình. Nhưng thật sự mọi chuyện đã muộn màng. 

Truyện ngắn của Vương Tâm