[Truyện ngắn] Trai làng

Tôi thắt lòng khi nghe tin Bưởng và Xường đánh nhau. Trên bến sông rất nhiều người gào thét. Hai người đàn ông lực lưỡng với tấm thân trần bóng nhẫy, sở hữu mỗi người một cây sào trên tay làm vũ khí quật vào nhau.  
[Truyện ngắn] Trai làng

Không cầm lòng được, tôi lao xuống sông. Trong tôi nhoi nhói ý đồ ngăn cản hai hổ chiến. Và hình như họ đã dừng lại khi tôi nhoài được ra giữa sông. Họ dừng lại và nhìn nhau. Hai chiếc sào đang bất động.

Tỉnh lại, hai người đàn ông nhìn tôi. Hai người đàn ông mình trần và bê bết nước. Bốn con mắt đỏ au và chưa nguôi căm phẫn. 

Bưởng là gã bất cần trong tuổi trẻ của mình. Đúng ra là buông thả. Bưởng con một. Cha Bưởng xưa là sếp to dưới thành phố. Ông bị tai nạn khi đang hoạn lộ thênh thang. Tai nạn đó giết chết ông. Mẹ Bưởng về quê sống, cái làng nghề cổ điển này. Tôi gọi làng Cổ Điển. Làng nghề mang tên Nỗi Buồn. Bưởng là gã quậy phá. Nhưng chẳng hiểu sao tôi lại muốn bù đắp cho những mất mát của anh, giống như người gây ra chuyện đó. 

Xường không phải là không có vết nhơ nào. Anh cũng đầy tham vọng, kiếm tiền từ buôn bán, nhưng đang phải cố dạy học để tìm cơ hội khác. Trong tình yêu, anh cũng là kẻ cơ hội. Bưởng có thể tự tử, hoặc làm liều chỉ vì không được tôi chấp nhận, nếu tôi chấp nhận Xường. Xường là một chàng nhà giáo, ít nhất sẽ nghĩ chín hơn. Tôi hy vọng thế. Xường sẽ được một người con gái  khác tốt hơn tôi yêu thương. Người con gái ấy sẽ làm vợ anh. Với Bưởng, tôi mong mình là cơn gió nhiều hơi nước, an ủi đời anh. Nhưng cũng thật khó nắm bắt được con tim mình, con tim khó bảo, phải không tình yêu. Yêu ai và thuộc về ai là con tim, ta không quyết định được.

 * * *

Cha tôi ngồi cô độc như một pho tượng cổ đã ngả màu thời gian. Cha không chấp nhận sự hiện diện của kẻ bạo ngược là Bưởng trong đời cô con gái của ông. Cha thích Xường. Nhiều lần cha khuyên con gái nên đồng ý Xường. Một hôm thằng Ngán em tôi về đứng trước cha, nói: Cha ơi, cho con một trong số chiếc bình cổ kia, con lấy vốn làm ăn. Thằng Ngán theo bạn chạy ra phố. Làng có trăm thằng thanh niên thì gần trăm thằng chạy ra phố đợt này. Đôi mắt cha đỏ au và bùng lên một sự căm uất.

- Thằng bất hiếu, mày đòi bán cả tao đây này.

Ngán không thuyết phục được cha, làu bàu bỏ đi. Nó từng muốn tôi tham gia thuyết phục cùng nó. Tôi đã từ chối và đã không thể từ chối thêm được kẻ nhũng nhẵng như con đỉa. Nên đã cùng nó thuyết phục, cùng bị mắng té tát và bỏ ra ngoài. Không gì lay chuyển được ý cha. Những đồ cổ cha giữ như muốn lưu truyền một thứ ký ức, mà có lẽ nó thật yếu mềm. Ngán bỏ đi với bạn nó. Nó muốn tìm ước vọng ở nơi xa xôi.

Mẹ mất và bỏ lại ba cha con. Mình cha nuôi hai chị em lớn lên, bằng nghề làm bánh đa, bằng cá đánh lưới dưới sông ven làng. Ngán là một đứa con khó bảo của người cha tội nghiệp. Nó ưa phóng túng, bay bổng ngoài phố, không chấp nhận cuộc sống thâm trầm của cha. 

Tiếng cha nghe như nỗi thống thiết vọng về. Hãy nghe lời cha nhé, con yêu. Nhưng con không yêu anh nhà giáo, con người không thể có sự sống nếu không có tình yêu. Sự không nghe lời rốt cuộc nhận được thêm sự căm phẫn. Cút đi cút đi. Điệp khúc của cơn giận dữ. Tôi chấp nhận, nó diễn ra thường xuyên trong thời gian này. Cha đã tuyệt vọng vì không nói được tôi. Và mong cha hài lòng, có những lúc tôi định làm theo ý cha, nhưng khi gặp Bưởng thì ý định đó vội vàng vụt tắt. 

 * * *

Gặp Xường ở bến sông, đôi mắt anh tái dại. Đừng nhìn em như thế Xường ơi. Xường lao xe đi và không nói gì. Pêđan xe kêu cút kít. Xường không nói gì chỉ chiếc xe rên lên. Anh không muốn gặp tôi, không muốn gặp người con gái không yêu anh mà đi yêu người không tốt bằng anh. Tôi đánh giá nhầm Xường. Anh là kẻ có tham vọng, thực dụng trong tình yêu. Chúng tôi lớn lên bên nhau và có một ký ức đẹp, những kỷ niệm đẹp. Tôi gắn bó với Xường suốt thời thanh niên. Thanh niên làng ít học, ít ra ngoài và trung thành với nghề làm bánh đa cha ông để lại. Bưởng thì khác. Anh đi đi về về bằng sự giàu có của bố. Hà Nội, Hải Phòng, nhiều thành phố khác. Cách ăn mặc của anh cũng khác. Và từ từ anh làm tôi khác. Và từ từ giảm bớt gắn bó với Xường. Bưởng đã thắng. Hoàn toàn thắng. Anh không hiểu nổi em, Xường nói, em dễ chênh chao.

Xường dằn vặt hình ảnh mình bằng cách ăn mặc xộc xệch để khuôn mặt xộc xệch, dáng đi xộc xệch. Những cơn mưa ủ dột vì thế kéo về làng nhiều hơn? Xường còn trang trí bên mình một hình ảnh khác nữa. Một người con gái bình thường đến mức xấu xí. 

Anh đừng như thế này, em không muốn thấy anh thế này, tôi nói. Anh phải đàng hoàng.

Đàng hoàng làm gì, Xường chua chát, người ta có ưa đàng hoàng đâu.

* * *

Ngán thất bại ở phố, trở về. Cha tôi ốm nặng, chỉ lặng lẽ nhìn nó treo khuôn mặt cay cú trên mình. Cha ốm nặng đến nỗi không thể dậy được, ngày càng giống cây sậy, ngày càng vô hồn. Nếu không có đôi mắt khô nhăn nheo chớp chớp thì có lẽ mọi người sẽ nghĩ đây là một xác ướp. Thằng Ngán đòi cho nó mấy bình cổ đem bán, mấy tay buôn dưới Hà thành sẵn sàng trả giá cao. Giá cao mấy tay buôn tung ra làm Ngán mờ mắt. Cho hay không nó vẫn lấy. Ngán mang đi mấy chiếc theo nó là có giá trị. Cha đau đớn nhìn nó. Nắng không lọt được vào nhà, trời rít từng đợt nồm non.

Chẳng bao lâu thằng Ngán lại về đem theo cục tiền lớn đòi mua mấy ngôi nhà cổ. Trả ba trăm triệu một chiếc. Với một ngôi nhà cao tuổi đang chịu sự nghiệt ngã của thời gian. Là một phần văn hoá. Lũ trẻ chưa được phép nên im răm rắp và ngọ ngoạy ngứa ngáy chân tay. Ngán vốn đã bị coi thường là thằng con lêu lổng không nghe lời từ bé, giờ thêm tội gạ gẫm này nọ. Người ta không thích nói chuyện với người họ không tôn trọng. Thằng Ngán ngấm ngầm trả thù.

Ngán thất vọng ôm tiền, tranh thủ chạy về nhà nhấc chiếc bình, chỉ hỏi cha có đỡ không rồi lao lên xe ra phố. Ba ngày sau cha mất. Thượng đế đã cho cha kết thúc đời người. Tôi gọi Ngán về chịu tang. Ngán gào khóc như bị chọc tiết, như sắp chết đến nơi, còn ngất lên ngất xuống. Một vài lời xì xào “có hiếu đấy chứ” tặng cho Ngán. Hiểu em mình, nên tim tôi như bị xát muối. Sau ba ngày đưa cha về nơi an nghỉ, thằng Ngán càu cạu với tôi mấy lời rồi đi.

 * * *

Thời gian cho tôi làm vợ Bưởng. Thời gian cho Xường dựng vợ có con. Thời gian cho những đứa trẻ lớn lên.

Vẫn là cô gái xấu xí đó, làm vợ Xường. Cô gái ngày càng thể hiện sự vô duyên của mình. Đó là cái cười. Khuôn miệng của cô vốn đã không đẹp, cô lại hay cười quá cỡ. Anh “tra tấn” tôi bằng những việc làm dường như quái gở, đó là phũ phàng với nghề giáo, với con đường mà anh đã chọn, với chính tâm huyết và lương tâm nghề nghiệp của anh, bằng cách là tỏ ra hững hờ với học sinh, rồi khuyến khích chúng bỏ học. Một sự phá bĩnh quá đáng. Anh đang muốn quấy rối sự bình yên của ngôi trường mình đang giảng dạy. 

Bỏ dạy học, Xường sống chìm trong dằn vặt. Dằn vặt bằng rượu vẫn là một truyền thống của cánh đàn ông thất tình. Bạn bè vẫn than vãn rằng tôi làm thế là không ổn. Tôi như khúc gỗ trôi nổi trên sông dập dềnh. Tôi không biết trả lời bạn ra sao. Đã có người kết tội tôi gây ra oái oăm cho đời Xường. Xường dằn vặt mình bằng cách đánh vợ. Mỗi sự vô duyên của vợ được Xường găm lại bằng đòn. Nhe răng cười: đánh; không rửa ráy cho con cẩn thận: đánh; can chồng uống rượu: đánh… Tất cả mọi bực dọc, mệt mỏi anh đều trút lên đầu cô vợ tội nghiệp. 

* * *

Làng tứ bề là sông. Nước dập dềnh xung quanh. Giao lưu với bên ngoài, độc nhất một bến sông có mấy con đò nhỏ, mới đây mới có xà lan bằng máy chạy phành phành. Có người bảo tiếng phành phành của máy làm mất mỹ quan làng. Phải đơn sơ cổ kính mới giữ được đầy đủ văn hóa làng. Mọi nơi vẫn gọi đây là làng cổ, cây đa bến nước mái đình đầy đủ. Đặc trưng nên điển hình, có nhiều báo chí viết. Trước đây các cụ sống bằng nghề gốm, thăng trầm lịch sử thời gian đưa đẩy làng làm bánh đa nem, sống đạm bạc với nghề, giữ lấy lề, thói quê.

Thằng Ngán em tôi biến mất, không tin tức trong vòng 5 năm thì trở về. Nó về cùng với Xường, với vai trò là những người sẽ thi công cây cầu bắc qua sông để vào làng tôi. Bằng cách nào đó, Xường và Ngán đã tìm thấy nhau và tìm thấy nhà đầu tư. Quyết định xây cầu là từ cấp dưới lên cấp trên. Làng phải giao thương, phát triển công nghiệp làng nghề, phải cho ôtô vào tận ngõ chở hàng.

Xường và Ngán bỗng có thế lực trong làng. Những người trẻ đồng loạt ủng hộ hai người. Những người già của làng còn quá ít ỏi. Nhà cổ xuống giá, bị họ đập đi, hoặc bán để xây nhà mới. Thằng Ngán cũng muốn đập ngôi nhà cha tôi để lại. Những thứ đồ cổ cuối cùng nó khuân đi, dọa sẽ đập nhà sớm. Tôi nói: thách!

Xường mua được mấy cái nhà cổ, mỗi ngày đập một tí. Thằng Ngán cũng có mấy nhà cổ trong tay, nó định cơi nới để sau này khách du lịch đến có cái xem. Xường hầu như không mấy quan tâm đến cuộc sống của vợ. Thời gian anh ta dành cho công trường và tiếp khách. Cũng lại đến lúc Xường và Bưởng gặp nhau. Sự giàu có trong tay Xường bỗng biến thành con dao sắc đắc dụng. Anh ta thỏa sức hạ nhục Bưởng.

Bưởng xông lên, định túm cổ Xường nhưng hai tên hộ vệ đã ngăn lại. Chúng xông vào đánh anh, ngã bệt, hừ hự. Chúng đi rồi, Bưởng nằm lại, như lún xuống đất. Nỗi nhục này xua Bưởng ra đi, nỗi nhục này bắt Bưởng phải làm giàu, cho mình ngóc đầu lên làm lại cuộc đời. Suốt những năm qua anh sống ngật ngưỡng với đau và hận, nỗi chán chường. Xường trở về rồi, hắn thôn tính dân làng. Bưởng muốn ngăn điều đó lại. Nhưng Bưởng ơi, điều gì đã khiến anh nông nổi như thế. Sự nông nổi này cướp mất mạng sống anh, bắt em thành góa bụa. 

* * *

Một buổi sớm, mặt trời còn nấp dưới hàng cây xa, tôi vẫn đang ngủ bỗng giật bắn mình vì nghe một tiếng nổ lớn. Tiếng nổ từ phía cây cầu mà Xường và thằng Ngán em tôi đang góp vốn đổ vào. Cả làng vừa dụi mắt vừa chạy rầm rập về phía sông. Tiếng nổ đã làm tung mố cầu toàn cát khiến cả làng bàng hoàng. Bến sông ngổn ngang đất đá như vết thương rỉ máu khó lành.

Gần trưa thằng Ngán trở về nhà, dáng đi ngật ngưỡng. Nó tu ngược chai rượu, chút rượu cuối cùng ộc vào miệng, tràn cả ra ngoài, rớt xuống áo ướt rượt. Cậu em khóc, cậu em vung tay đập chai rượu đánh xuống sân, thuỷ tinh vỡ hình trăm ngàn giọt sương, bắn tung toé. Ngán hét lên:

Thằng Xường lừa em rồi, chị ơi! Giọng Ngán như con lợn bị cắt tiết lúc gần chết, tiếng kêu đuối dần. Rồi câm lặng. Ngán em tôi đang ngồi bệt ở góc nhà như tấm bia đá lớn, góc mà cha tôi đã ngồi, nghĩ ngợi... 

Truyện ngắn của Phú Xuân