Truyền nhân của bài quyền “Miêu tẩy diện” danh trấn thiên hạ

(PLO) -Đại lão võ sư Lý Xuân Hỷ (võ đường Lý gia, thôn Tây Phương Danh, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, Bình Định) là một trong những võ sư tài danh, uy chấn một thời với độc chiêu “Miêu tẩy diện”. Nay đã ở tuổi bóng xế nhưng mỗi lần kể chuyện võ học, lão võ sư vẫn hùng hồn máu lửa như thuở đôi mươi…
Võ sư Lý Xuân Hỷ biểu diễn Miêu Tẩy Diện ngay tại nhà.
Võ sư Lý Xuân Hỷ biểu diễn Miêu Tẩy Diện ngay tại nhà.

Độc chiêu danh chấn uy vũ

Trong võ học Bình Định ngày nay, khi các đại lão võ sư vang danh như Hồ Ngạnh, Phan Thọ… đã rời cõi tạm, chỉ một vài người hiếm hoi còn lại sở hữu những tuyệt thế võ học mà giới võ thuật khi nhắc đến đều nể phục, cả về tài lẫn đức, cũng đều về ẩn cư nơi đồng gieo, sơn thôn. Một trong số đó là lão võ sư Lý Xuân Hỷ.

Môn phái Lý gia của lão võ sư họ Lý nổi tiếng khắp làng võ Bình Định bởi hai thế mạnh là roi và quyền. Trong đó, có một tuyệt kỹ công phu mà khi nhắc tới, giới võ thuật phải nể sợ ấy chính là bài quyền “Miêu tẩy diện” (mèo rửa mặt).

Họ Lý xưa kia vốn là người Hoa ở Phúc Kiến, khi phản Thanh phục Minh, bị nhà Thanh truy đuổi nên dạt về phương Nam. Với vốn võ học Trung Hoa, tiền nhân Lý gia kết hợp với tinh hoa võ học của đất Bình Định để tạo ra những chiêu thức ảo diệu sau này.

Võ sư họ Lý kể rằng: “Võ thuật cổ truyền là sự vận dụng linh hoạt các nguyên tắc âm dương ngũ hành và quan sát từ tự nhiên để hình thành nên nhiều đòn thế chiến đấu hiểm hóc. Các đòn thế ấy chủ yếu để chống chọi với thú dữ, đối đầu với trộm cướp. Khi có giặc ngoại xâm, nó là đòn thế lợi hại để xua đuổi kẻ thù”.

Mọi chiêu thức võ học đều có căn cơ, khởi sinh từ cái nhìn tinh tế cùng đam mê đến si dại của những kẻ rèn võ, đúc kết từ những chuyển hóa của vạn vật, những khoảnh khắc dù là nhỏ nhất cũng đủ kiến tạo nên một chiêu thức để đời mà nhờ đó võ nhân hùng bá một phương. Như xuất xứ của Miêu tẩy diện của Lý gia.

Lão võ sư gần gũi đời thường.
Lão võ sư gần gũi đời thường.

Tương truyền, buổi sáng nọ, ông tổ của nhà họ Lý ngồi quan sát con mèo mới ngủ dậy, hai chân trước con mèo đưa lên mặt vuốt râu, xoa mặt cho tỉnh táo rồi nhẹ nhàng phốc người xuống đất nhẹ như bẫng. Khi quan sát kĩ, tiền nhân Lý gia thấy đôi chân trước của con mèo biến hóa linh hoạt, động tác cực nhanh và… mềm.

Từ sự quan sát đó, ông tổ Lý gia đã sáng tạo ra bài thảo Miêu tẩy diện với hơn 20 động tác chuyển tải lý thuyết ẩn tàng, không gây tiếng động nhưng lại là một ẩn họa cực lớn với đối phương khi bị tấn công. Lúc sử dụng trảo như hổ, khi dùng ngón điểm chỉ vào tử huyệt đối phương.

Chính phong thái nhẹ nhàng làm nên đặc trưng tấn trụ linh hoạt cho người tập luyện. Lý Xuân Hỷ chia sẻ: “Đặc trưng của võ cổ truyền là “túc bất địa ly” (chân không rời đất). Tuy nhiên, với Miêu tẩy diện thì dù có rời đất thì cũng như mèo, hai chân rất thăng bằng, lướt như gió, chạm đất êm như không, nhưng bàn tay tung vào tử huyệt như mèo vồ, nhanh như cắt, vô cùng lợi hại”.

Miêu tẩy diện được truyền qua nhiều đời, tới đời ông là đời thứ năm, vận động thế mạnh của đôi bàn tay, nhất là các đầu ngón tay để tấn công các huyệt đạo. Về sau, hậu duệ Lý gia kết hợp sự nhanh nhẹn của mèo để né tránh rồi nhanh nhẹn phản công bằng chỏ với khả năng sát thương kinh hồn.

Đến thời võ sư Lý Xuân Hỷ, bài quyền được luyện đến tuyệt mỹ cả hình thức lẫn tính hiệu quả chiến đấu. Tất cả các chiêu thức trong bài “mèo rửa mặt” đều nặng tính tự vệ nhưng rất linh hoạt và có thần, như con “tiểu hổ” chỉ cần tung ra một cú quắp có thể hạ gục con mồi ngay khi đang rượt đuổi.

Theo lão võ sư, tập Miêu tẩy diện không khó nhưng luyện cho đến mức thân pháp và bộ pháp thành thục thì không dễ. Còn tới mức uyển chuyển nhẹ nhàng như mèo, ra chiêu không nghe tiếng động, di chuyển không nghe gió, chỉ “lộ” chiêu khi địch thủ không đường chống đỡ thì đến những bậc đại cao thủ cũng phải tinh luyện nhiều năm.

Người thường, nếu không có khiếu võ và lòng đam mê thì dẫu có biết chiêu Miêu tẩy diện cũng chỉ “đuổi gà dọa khỉ”, khó mà xây dựng được một bản lĩnh hùng cứ một phương. Có lẽ vậy nên trọn nghiệp lão võ sư vẫn chưa có đệ tử nào lĩnh hội hết bí kíp võ học của ông.

Võ sư Lý Xuân Vân, con trai lão võ sư, người mang trong mình dòng máu Lý gia đời thứ 6 cũng từng thổ lộ: “Anh em tôi nhiều, học trò cũng đông nhưng chưa ai sánh bằng cha tôi cả, nhất là bài Miêu tẩy diện, ổng đánh có hồn và xuất thần khiếp lắm”.

Huyền thoại “hùm xám Tây Nguyên”

Tuyệt chiêu của Lý Xuân Hỷ là những cú đánh chỏ, chiêu thức lợi hại nhất, biến hóa khôn lường nhất, khiến đối thủ tứ phương xa gần đều phải e dè. Chiêu tung ra khi đối phương công, bất ngờ và chớp nhoáng, nhiều đối thủ bị ông hạ nốc ao ngay khi vừa lâm trận.

Thế đánh chỏ được võ sư rút ra từ sự lợi hại của cặp sừng động vật, tựa như sừng trâu. Chỏ còn có tên gọi là ô du, nhắc đến ông là người ta nhớ đến ô du: “Ô du là ngọn trâu dằn/ Xê ra cho khỏi khéo lâm vào mình/ Trung bình là miếng hiểm tâm/ Xê ra cho khỏi khéo lâm vào mình”.

“Muốn tập chiêu này phải dạn dĩ. Hồi ấy, học trò của cha tui thường nói với học trò lớp sau rằng  các cháu đừng nên tập cái đó, mặt ổng bê tông cốt thép mới chịu lực được thôi, chứ bọn bay không chịu được nổi đâu… Vậy mà lũ học trò khoái chỏ, vẫn lì theo học cho bằng được nó và ngày sau đã có nhiều đứa học thành, có tiếng …”, võ sư kể.

Lý Xuân Hỷ xưa kia 8 tuổi đã theo cha học võ, 12 tuổi mới bắt đầu lĩnh hội Miêu tẩy diện. Đến 18 tuổi ông đã tinh thông quyền cước, các đòn thế roi của võ Bình Định. Tự tin vào khả năng của mình, cộng với việc thấy lính Mỹ, lính Đại Hàn đi lại nghênh ngang, coi người Việt không ra gì, ông đâm ghét nên thường tìm cách chọc đánh cho bõ tức.

Nhắc chuyện này ông vừa kể vừa cười, bảo lính Mỹ, mình đánh với nó thì một chọi một, số còn lại chỉ đứng hò hét cổ vũ. Mình có đánh xịt máu mũi một thằng thì những thằng khác vẫn hoan hô mình. Còn lính Đại Hàn thì chúa “chơi bẩn”, phải lựa thế đánh nhanh rút gọn chứ không tụi nó hùa vào đập mình chết.

Những năm 1960 đến giải phóng, bằng cách đánh linh hoạt của Miêu tẩy diện, đòn chỏ lợi hại thiên biến vạn hóa, Lý Xuân Hỷ đã hạ vô số địch thủ, ông cũng từng đoạt giải vô địch võ cổ truyền Cao nguyên trung phần 4 tỉnh: Đắk Lắk, Kon Tum, Pleiku và Phú Bổn (giờ là huyện Ayun Pa - Gia Lai) và được mệnh danh là “Hùm xám Tây nguyên”.

Tiếng tăm của ông đã khiến nhiều võ sư, võ sĩ ở khắp nơi ngưỡng mộ lẫn bất phục, lặn lội tìm đến ông để “mục sở thị”. Trong đó, trận đánh trên Gia Lai rất thú vị mà đến giờ ông vẫn còn nhớ như in.

Ấy là năm 1969, một võ sư Thái cực đạo của Quân đoàn 2 (Việt Nam cộng hoà), họ gì ông chẳng nhớ, chỉ nhớ ông ta tên Long, cùng tuổi. Người này học võ Hàn Quốc, khi đó đã bậc Tứ đẳng huyền đai, nặng 68 kg, còn Lý Xuân Hỷ chỉ 55 kg.

Võ sư Thái cực đạo tỏ ý phân cao thấp cùng Lý Xuân Hỷ, nhưng suốt một thời gian dài vẫn chưa có lời tuyên chiến chính thức. Lý Xuân Hỷ biết chắc chắn thế nào cũng phải đối mặt, chăm chỉ luyện tập, đợi ngày tý thí. Cũng chính ông đã khéo léo gợi cho đối phương chọn ngày thượng đài.

“Hồi ấy, tui có thói quen chạy mỗi sáng. Sáng đó, tui giả bộ chạy vô quán cà phê hắn hay uống nằm và bảo với bạn bè, mình hết thể lực rồi, đi công tác miết không có thời gian tập, chắc là thượng đài thua thôi… Lúc ấy hắn ngồi đấy, tui làm như chẳng thấy hắn”, võ sư họ Lý kể về lần đầu tiếp cận địch thủ.

Quả nhiên sáng hôm sau, các đoàn tới cáp chạn (cáp độ) để tối đánh, võ sư Thái cực đạo kêu đích danh Lý Xuân Hỷ. Tối đến, thượng đài, võ sư Thái cực đạo kia vì chủ quan bị Lý Xuân Hỷ hạ gục ngay nửa hiệp thứ 2, bị gãy răng và “bay” hàng chân mày.

Càng thất thủ, võ sư Thái cực đạo càng tấn công liên tục, bị Lý Xuân Hỷ đả đòn liên tiếp. “Tôi đánh vào chấn thủy đối phương, khi ông ta sụn rồi, tôi câu đầu đối phương ra chỏ… Sau trận đó, ông ta không bao giờ dám đấu với tôi nữa …”, võ sư nhớ lại trận đánh thư hùng.

Từ những trận đánh “dằn mặt” lính Mỹ - Ngụy ấy, và cả những trận thượng đài sau này với những nhân vật tiếng tăm làng võ, cái tên “Hùm xám Tây Nguyên” ngày một lừng lẫy…

Các “tiểu học đồ”, những truyền nhân giữ hồn Miêu tẩy diện
Các “tiểu học đồ”, những truyền nhân giữ hồn Miêu tẩy diện

Ba trăm lần thượng đài chỉ một lần “thua”

“Trận đấu võ người đông như hội/ Kỳ bình quyền khách tới như mưa”, mỗi trận đánh có Lý Xuân Hỷ đều thu hút cả trăm, cả ngàn khán giả cổ vũ. Độc chiêu Miêu tẩy diện vì thế mà nức tiếng khắp nơi. Nhưng mãi đến năm 1990, Miêu tẩy diện mới có dịp trình làng ra thế giới.

Lần ấy, ông cùng Liên đoàn Võ thuật Việt Nam sang Nga thi đấu. Một lần thượng đài, trước một võ sư Ba Lan cao lớn, hơn ông gần 10 kg nhưng ông đứng yên chẳng thủ thế gì cả. Võ sư Ba Lan hỏi sao không chuẩn bị, ông trả lời gọn lỏn: “Võ thuật Việt Nam là vậy đấy, đứng chơi chơi vậy đã là thủ rồi”.

Nghe xong, võ sư kia lập tức xông vào. Bất thần, Lý Xuân Hỷ nghiêng nghểnh mặt mèo rồi đảo tay đưa chỏ một phát đối phương ngã xụi lơ, cả khán đài ngỡ ngàng. Người võ sư Ba Lan sau đó nằng nặc đòi Lý Xuân Hỷ dạy cho mình món võ cao thâm.

Mới đây nhất, năm 2007, giới võ học Bình Định xôn xao khi một võ sư người Ý ngưỡng mộ ông từ cái lần chứng kiến cú hạ đo ván vị võ sư Ba Lan dạo nào đã tìm tận đến nhà ông xin thách đấu, ông cũng nhận lời. 

Buổi thi thố có yếu tố nước ngoài nên có có các ngành chức năng túc trực để đảm bảo an ninh. Thấy đối thủ nước ngoài cao to, trẻ khỏe (nặng hơn ông Hỷ gần 30 kg), một anh công an ái ngại rỉ tai ông bảo hay là từ chối đi cho an toàn, khi chỉ là một cuộc thách đấu.

Nhưng võ sư gạc đi: “Bậy, thể diện quốc gia chú cứ đùa! Chú yên tâm, tui chẳng chết đâu mà sợ”. Nhưng ông thận trọng hơn, ra điều kiện dù thắng dù thua gì cuộc đấu cũng chỉ diễn ra trong… 30 phút, kể cả thời gian đàm đạo. Võ sư người Ý bằng lòng.

Quả nhiên, trận đấu kéo dài chưa quá 1/10 thời gian thỏa thuận thì võ sư người Ý đã ngã quay và đứng lên xá tay bội phục. “Thời gian còn lại, ông ấy hỏi tui bí quyết nào để đánh thắng. Tui trả lời người Việt Nam tập võ không phải để đấu”.

Ông ta thú nhận để chuẩn bị cho trận đấu lịch sử này ông ấy phải sang Trung Quốc học thêm đòn thế Thiếu lâm trong hai năm. Chưa hết, về nhà ổng phải chắt chiu dành dụm mấy năm trời mới đủ tiền sang Việt Nam thách đấu. Ổng hứa sẽ trở lại đấu với tui lần nữa khi dành dụm đủ tiền”, Lý Xuân Hỷ kể.

Một đời học võ, Lý Xuân Hỷ đúc kết: “Khi đấu đối kháng, không có thế võ nào thắng thế võ nào mà quan trọng là võ sĩ chiến thắng đã tinh nhuệ hơn đối phuơng của mình mà thôi”. Do đó, thắng không kiêu mà bại cũng không nản.

Võ sư tâm sự: “Thật ra, tui giỏi chỏ, ngoài sự chỉ dạy của cha, còn có sự trợ giúp của sư phụ. Đấy là năm 1965, tui bị bắt lính lên Pleiku. Mà thật ra, tôi cố ý để bị bắt theo sự chỉ đạo của cấp trên cài người vào trong lòng địch. Đến năm 1966, có gặp một ông thầy người Tàu, gọi là Tám Tàu, từ Thiếu Lâm Tự ra, rất giỏi võ.

“Tui học được thêm tuyệt chiêu của ổng. Ổng biết tui biết chỏ, ổng rèn luyện thêm. Tui học thêm ổng đến 6 năm để thi đấu đối kháng. Ông thầy thứ hai là thầy Minh Cảnh. Tui học thêm 3 tháng về quyền anh. Cha tui biết tui học võ ngoài, ông không la rầy mà còn khuyến khích học thêm… Bởi thế, tui được lĩnh hội nhiều cái hay trong võ thuật”, võ sư bộc bạch.

Chẳng phải lúc nào cũng thắng thế, võ sư họ Lý vẫn có lần nếm mùi thất bại. Ấy là trận đánh giao hữu năm 1970 tại Gia Lai. Đối thủ của ông là Lê Thanh Tịnh, cùng tuổi, cùng hạng cân 55 kg, người Sài Gòn, là võ sĩ võ cổ truyền cấp quốc gia.

Võ sư kể, lần đó ông bị trọng tài xử thua cuộc, nhưng đối thủ cũng bị thương tích rất nặng, kinh sợ những thế đánh của ông. Và cũng nhờ lần thua đó mà truyền nhân Lý gia tiến thân cao hơn trong nghiệp võ.

Võ sư Lý Xuân Hỷ chế thuốc chữa trật khớp cho một bệnh nhân.

Võ sư Lý Xuân Hỷ chế thuốc chữa trật khớp cho một bệnh nhân.

Luôn giữ cái tâm võ đạo

Cuối đời, chuyện truyền nhân là điều mà võ sư Lý Xuân Hỷ vẫn luôn trăn trở. Bởi Miêu tẩy diện là một tuyệt kỹ công phu đầy ảo diệu, ẩn đằng sau những chiêu thức hết sức đơn giản. Để lĩnh ngộ được nó người học cần rất nhiều yếu tố.

Năm 1990, ông đi Nga hơn hai tháng dự Festival võ thuật cổ truyền quốc tế (16 nước tham gia). Việt Nam có 3 đoàn, trong đó đoàn Bình Định đã đạt giải nhất toàn đoàn cả về đối kháng lẫn biểu diễn, trong đó chỉ có mỗi mình ông là võ sư.

Khi đó, Chủ tịch Hội võ thuật phương Đông - người Nga - đã hỏi ông rằng: “Võ Việt Nam, muốn có nhiều người học võ, có phương pháp nào để mọi người tập võ”.

Ông trả lời: “ Võ gia ngũ luyện pháp” (Việt Nam nhà nhà đều luyện võ). Ngũ luyện pháp là: Phong dạ đăng sơn/ Hắc dạ đả quyền/ Nguyệt dạ luyện kiếm/ Vũ dạ cán binh/ Trí dạ tọa tĩnh (Buổi tối trời gió lên núi/ Đêm tối đánh quyền/ Trăng sáng luyện kiếm/ Đêm trời mưa đọc kinh/ Dùng trí ngồi luyện thiền).

Ông ta nghe xong rất phục và bảo rằng: “Đất nước chúng tôi nói học võ để đàn áp. Còn bây giờ, tôi sẽ phấn đấu để nhân dân tôi được học võ như của nước bạn (Học võ để tu).

Nghiệp võ uy danh, võ sư Lý Xuân Hỷ luôn canh cánh nỗi lo võ học Việt Nam sẽ bị thất truyền. Ông bảo, cái chính của sự thất truyền võ thuật là do tâm lý sợ người ta hơn mình nên không đem ra chỉ hết, còn nhiều bí quyết võ công chưa được phổ biến. Bởi vậy, ông sẵn lòng truyền dạy bí kíp gia môn cho người có duyên, có lòng ham thích võ thuật. 

Nói chuyện này ông nhắc đến việc mấy năm trước, diễn viên Johnny Trí Nguyễn, vì ngưỡng mộ võ học nên đã tìm gặp ông. Qua tiếp xúc, thấy anh là một người thượng võ, ham học hỏi, ông đã quyết định truyền hết tuyệt kỹ Miêu tẩy diện cho anh, chấp nhận vi phạm vào gia quy, bởi miêu tẩy diện chỉ dạy cho đệ tử chân truyền.

Về già, ở cái tuổi 77 có nhiều khi ký ức hiện về rõ rệt nhưng đôi khi lại lãng đãng nhớ quên, đại lão võ sư Lý Xuân Hỷ đã lui về vui thú điền viên, gần như giao hết việc rèn dạy võ lại cho con trai mình là Lý Thanh Vân truyền thụ võ nghệ cho các môn đồ. Chỉ khi nào có người cần “chỉ điểm” để khơi sáng chiêu thức, ông mới ra tay.

Việc chính của ông là bốc thuốc giúp người. Khi chúng tôi đến, có anh Nguyễn Công, 49 tuổi ở phường Đập Đá, An Nhơn bị thoái hóa khớp vai đến tìm ông chữa trị. Ông chỉ lấy tiền thuốc, có khi thấy người ta khó khăn võ sư chữa không công. Bởi cái tài và cái đức như thế nên ông được mọi người xung quanh quý mến, luôn gọi ông với cái tên thân mật “ông Năm”.

Một chàng thanh niên trong làng Tây Phương Danh bị trật tay khi chơi thể thao chạy vào rối rít: “Ông Năm giúp con với”. Thế là bắt lửa nấu thuốc, nắn xương, băng bó vết thương, lão võ sư làm thuần thục.

Trong các kỳ Festival võ thuật 2 năm 1 lần được tổ chức tại Bình Định những năm gần đây, dẫu tuổi cao nhưng lần nào võ sư Lý Xuân Hỷ cũng cố gắng tham gia. Festival sắp tới, ông sẽ dẫn các môn đồ của mình đến các lò võ giao lưu, biểu diễn, đó cũng là dịp để ông sống lại những ngày trai trẻ, khi đây đó cùng tuyệt chiêu Miêu tẩy diện uy danh giang hồ.