Trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 9, ngày 5/3, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Hội Liên Hiệp phụ nữ TP Hồ Chí Minh, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình diễu hành với chủ đề “Tôi yêu áo dài Việt Nam” và họp mặt nhân kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Chương trình diễu hành đã quy tụ gần 3.000 người mặc áo dài.
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, trải qua 8 năm tổ chức, Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động sôi nổi được các cấp tổ chức sâu rộng và lan tỏa khắp thành phố, nhằm góp phần truyền cảm hứng, lan tỏa tình yêu áo dài Việt Nam đến nhân dân thành phố, kiều bào và khách du lịch quốc tế với thông điệp “Tôi yêu áo dài Việt Nam”. Trước đó, Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hồ Chí Minh, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm “Nét đẹp Áo dài Việt – Bảo tồn và Phát triển” nhằm tìm ra những giải pháp bảo tồn và phát triển áo dài Việt Nam.
Các đại biểu tham dự đều cho rằng, cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội của đất nước, sự gia nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam trong các hoạt động quốc tế, hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam đã trở nên quen thuộc và trở thành một trong các biểu tượng của Việt Nam trong lòng bạn bè thế giới. Chính vì vậy, việc truyền tải những hình ảnh di sản của dân tộc lên tà áo dài rất quan trọng. Phải làm sao có thể thổi hồn vào đó là những nét đẹp văn hóa của các vùng miền, xuất hiện một cách phù hợp nhất với mỗi người khi mặc lên trên mình chiếc áo dài đó.
Mở màn Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 9, nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam đã trình diễn bộ sưu tập áo dài Ngọc Viễn Đông. Đây là bộ sưu tập được thiết kế riêng cho Lễ hội áo dài lần này nhằm quảng bá du lịch trên sông Sài Gòn đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Bộ sưu tập Ngọc Viễn Đông được thực hiện với những kỹ thuật thêu tay và đính kết thủ công cầu kỳ, tinh xảo của hàng trăm nghệ nhân đến từ các làng nghề thêu may truyền thống tại Thường Tín, Hà Nội.