Truyền thông là giải pháp cơ bản giúp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Theo Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBTSGTKS) thực sự trở thành thách thức với công tác dân số ở Việt Nam từ năm 2006 khi tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS) tăng lên 109,8 và tỷ số này là 112 năm 2021.
Mất cân bằng giới khi sinh có sự khác biệt giữa các vùng miền.
Mất cân bằng giới khi sinh có sự khác biệt giữa các vùng miền.

MCBGTKS ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn một số nước nhưng tăng nhanh và lan rộng, xảy ra ở cả thành thị và nông thôn; năm 2006 có 3/6 vùng MCBGTKS thì đến 2020 là 5/6 vùng, chỉ có Tây Nguyên là đang ngưỡng an toàn. Các vùng còn lại đều đang đối mặt với tình trạng MCBGTKS, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng, tiếp đến là trung du và miền núi phía Bắc.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến MCBGTKS tại Việt Nam, nhưng nguyên nhân gốc rễ, cốt lõi là định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ từ lúc chuẩn bị kết hôn, khi kết hôn; khi chung sống, khi có con đến khi qua đời. Quan niệm thiên lệch về giới này đã được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình, cộng đồng và trong xã hội. Cùng với đó còn có nguyên nhân trực tiếp là lạm dung khoa học kỹ thuật để lựa chọn giới tính

Những thông tin này được đưa ra tại hội nghị trực tiếp và trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và mất cân bằng giới tính khi sinh trên thế giới do Tổng cục DS-KKHGĐ phối hợp với Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) vừa tổ chức ngày 12/12.

Tại hội nghị, các ý kiến đều nhất trí với nhận định những năm qua Việt Nam đã nỗ lực trong giảm TSGTKS, từ mức 112,8 năm 2015 xuống còn 112,1 năm 2020 và tiến tới đưa TSGTKS về mức dưới 109 vào năm 2030 và để đạt được kết quả này, Việt Nam đã triển khai 4 giải pháp nhằm giảm tình trạng MCBGTKS.

Trong đó, giải pháp về truyền thông là giải pháp cơ bản và quan trong nhằm can thiệp, giải quyết nguyên nhân căn bản, gốc rễ của vấn đề là xuất phát từ định kiến giới, từ tâm lý ưa thích con trai hơn con gái, truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát MCBGTKS theo các nhóm đối tượng.

Nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong giải quyết vấn đề MCBGTKS, bà Hà Quỳnh Anh, đại diện UNFPA cho rằng, từ trước đến nay truyền thông chủ yếu tập trung ở nâng cao nhận thức, do đó cần phải tập trung nhiều hơn nữa và thay đổi hành vi. Chẳng hạn như hành vi không ưa thích con trai và nâng cao giá trị của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới, xoá bỏ định kiến giới, bạo lực giới…

Tại hội nghị, các tổ chức, địa phương đã nêu những kinh nghiệm truyền thông hiệu quả, sáng tạo nhằm giảm lựa chọn giới tính khi sinh, thay đổi hành vi của cộng đồng như sự kiện cộng đồng “Sinh con gái, hái niềm vui”, cuộc thi trên tik tok “Là con gái để toả sáng”, mô hình “Nam giới điểm 10”, phong trào “Giỏi việc nước đảm việc nhà ở cả nam và nữ”, mô hình “CLB Người cha trách nhiệm”…

Đọc thêm