Truyền thông và ứng dụng AI trong việc thúc đẩy bình đẳng giới

(PLVN) - Vượt lên những khuôn mẫu truyền thống, Tù Và đang kiến tạo những cách tiếp cận sáng tạo, kết hợp sức mạnh của truyền thông và công nghệ AI để thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.
Chị Mai Quỳnh Anh - Quản lý chương trình tại TUVA Communication (Tù Và)

Trong bối cảnh công nghệ số len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, truyền thông cũng không ngừng biến đổi để thích ứng và khai thác những tiềm năng mới. Tù Và, với vai trò là một công ty truyền thông ứng dụng công nghệ số, đã và đang tiên phong trong việc kết hợp sức mạnh của truyền thông và AI để tạo ra những tác động tích cực đến nhận thức và hành vi của cộng đồng về bình đẳng giới.

Ứng dụng AI - Bước tiến đột phá trong truyền thông về bình đẳng giới

Bên cạnh việc khai thác sức mạnh của truyền thông truyền thống, Tù Và đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ AI vào các hoạt động nghiên cứu, phân tích và sản xuất nội dung.

Chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Chị Mai Quỳnh Anh - Quản lý chương trình tại TUVA Communication (Tù Và) cho biết: “Khi sử dụng AI vào việc hỗ trợ phân tích diễn ngôn về giới, chúng tôi có thể xử lý được một khối lượng nội dung khổng lồ trong một khoảng thời gian ngắn hơn rất nhiều so với việc thực hiện nghiên cứu theo cách truyền thông.

Nhờ đó, chúng tôi thiết kế được các tuyến nội dung đáp ứng tốt hơn với thị hiếu của người đọc, thu hút được hàng trăm nghìn lượt tiếp cận, tương tác và chia sẻ của người đọc.”

Hiện nay, Facebook Page của Nhà Nhiều Cột đã có những bài viết đạt hàng triệu lượt tiếp cận nhờ những phát hiện từ việc nghiên cứu thói quen và tương tác của người đọc với với các nội dung về giới .

Ngoài ra, TUVA đang phát triển công cụ AI Goodvertising “nhặt sạn” giới trong quảng cáo. Công cụ này hỗ trợ rất hữu ích trong việc phát hiện và thống kế các định kiến giới xuất hiện trong các quảng cáo dưới dạng nội dung và hình ảnh.

Sự kiện Giới thiệu công cụ phân tích quảng cáo ứng dụng AI do Tù Và tổ chức

Khi giới thiệu về dự án, Tù Và đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bên liên quan khác nhau từ khối phát triển - là các tổ chức xã hội làm việc trong lĩnh vực; khối tư nhân – là các doanh nghiệp, các nhãn hàng, các agency quảng cáo; khối báo chí và đặc biệt là các bạn sinh viên học chuyên ngành truyền thông, báo chí những - người sẽ thay đổi nền quảng cáo trong tương lai.

“Đây sẽ là cơ hội để các bên gặp gỡ, thảo luận, đóng góp vào tiến trình thay đổi định kiến giới trong quảng cáo một cách thiết thực hơn.”, chị Quỳnh Anh cho biết thêm.

Tuy vậy, việc ứng dụng AI trong lĩnh vực truyền thông về bình đẳng giới cũng gặp không ít thách thức. Thách thức đầu tiên và lớn nhất là sự hoài nghi về khả năng đóng góp của AI. Có nhiều luồng ý kiến cho rằng thuật toán của AI mang nhiều định kiến giới như việc nhận diện khuôn mặt, giọng nói đều dựa vào các khuôn mẫu giới phổ biến. Với lập luận này, những người phản đối cho rằng sử dụng AI vào lĩnh vực truyền thông không giải quyết được bất bình đẳng giới, thậm chí củng cố thêm định kiến giới.

Tuy nhiên, người lập trình ra AI là con người. Bản thân AI không mang định kiến giới, định kiến giới là sản phẩm từ tư duy của người lập trình ra nó.

“Nếu con người được cung cấp kiến thức và kỹ năng trong việc nhận diện và loại bỏ định kiến giới trong các sản phẩm của họ, vấn đề về định kiến giới trong AI sẽ được khắc phục.

TUVA đã từng tổ chức các buổi tọa đàm, talkshow về chủ đề này. Chúng tôi mời đến sự kiện các chuyên gia về AI, các nhà hoạt động xã hội để cùng thảo luận, tháo gỡ các hiểu lầm về AI, đồng thời, thúc đẩy các giải pháp để sử dụng AI hiệu quả trong việc giải quyết định kiến giới.”, chị Quỳnh Anh cho biết.

Tiềm năng của AI trong việc góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong tương lai

Chia sẻ về tầm nhìn trong tương lai, chị Quỳnh Anh khẳng định, nếu AI được thiết kế bởi các kỹ sư có nhạy cảm giới và vận hành đúng cách, chị tin chắc AI sẽ là trợ thủ cho con người, góp phần giải quyết các vấn đề về bình đẳng giới.

Tuy vậy, chị tin tưởng rằng, công nghệ không thể thay thế con người, không chỉ trong lĩnh vực truyền thông về bình đẳng giới mà cả các lĩnh vực khác.

Một sự kiện về ứng dụng AI của Tù Và

“Sự vận động xã hội luôn phức tạp và vi tế. Các vấn đề sẽ xảy ra khi con người giao tiếp với nhau, và vấn đề sẽ được giải quyết cũng chính nhờ vào các giao tiếp đó.”, chị Quỳnh Anh nói.

Gửi gắm đến những bạn trẻ quan tâm đến lĩnh vực bình đẳng giới, chị Quỳnh Anh nhắn nhủ, vấn đề bình đẳng giới là vấn đề của tất cả các giới. Không có một công việc nào chỉ dành cho một giới nhất định. Vì vậy, hãy tự tin dấn thân và thử thách bản thân ở bất cứ lĩnh vực nào bạn yêu thích.

“Dù bạn có tham gia vào các dự án truyền thông về bình đẳng giới hay không, nếu bạn thực sự tin vào các giá trị của bình đẳng giới, bạn vẫn có thể thúc đẩy bình đẳng giới ở bất cứ lĩnh vực nào.

Hãy luôn đặt câu hỏi cho các thực hành đời sống: Ai đề ra các quy tắc này? Ai được lợi từ nó? Ai bị tước đi quyền lợi? Mọi hành động lên tiếng, chỉ ra các thực hành bất bình đẳng, dù ở cấp độ nhỏ nhất đều mang đến tác động.”, chị Quỳnh Anh cho biết.



TUVA Communication (tên tiếng Việt là Tù Và) là một công ty truyền thông ứng dụng công nghệ số đồng hành cùng các dự án phát triển, cung cấp các dịch vụ nghiên cứu, tư vấn, sản xuất và thực thi các chiến dịch và hoạt động truyền thông nhằm giải quyết các vấn đề xã hội.

Từ năm 2020, TUVA bắt đầu triển khai các dự án về chủ đề bình đẳng giới cùng các đối tác uy tín trong lĩnh vực, có thể kể đến như Investing in Women, CARE Quốc tế tại Việt Nam, Oxfam in Việt Nam, UN Women.

Dự án Nhà Nhiều Cột là một trong những dự án nổi bật do TUVA thực hiện nhằm thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới. Điểm khác biệt của Nhà Nhiều Cột so với các dự án về bình đẳng giới khác nằm ở hai điểm: sự tham gia của người trẻ và công nghệ.

Một sự kiện trong dự án Nhà Nhiều Cột

Nhà Nhiều Cột khai thác câu chuyện giới dưới góc nhìn của người trẻ, mang vấn đề giới trở nên gần gũi và dễ tiếp cận hơn với thế hệ trẻ.

Tù Và mở ra các không gian trao đổi và thảo luận cởi mở và tích cực, ở đó cộng đồng các bạn trẻ có thể học hỏi từ nhau, cùng nhau nêu quan điểm và tìm ra các giải pháp tạo ảnh hưởng lên chính cộng đồng của họ.

Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, Tù Và ứng dụng các công cụ mới như Social Listening (Công cụ lắng nghe xã hội) và công nghệ AI (Trí tuệ nhân tạo) vào các nghiên cứu và sản phẩm của dự án.

Ở giai đoạn đầu của dự án, công cụ Social Listening giúp thu thập và xử lý hàng trăm nghìn thảo luận trên các kênh truyền thông, bao gồm báo chí, mạng xã hội, forum, blogs về chủ đề giới. Từ đó, các nghiên cứu viên của TUVA có thể hiểu rõ hơn thực trạng nhận thức về bình đẳng giới và phân tích insight người dùng mạng xã hội về chủ đề, phục vụ cho việc xây dựng chiến lược truyền thông và thiết kế hoạt động can thiệp cho toàn bộ dự án.

Khi kết thúc dự án, Tù Và tiếp tục sử dụng Social Listening và AI để đo lường sự thay đổi diễn ngôn về giới trên báo chí và mạng xã hội, giúp đo lường tác động của dự án.

Đọc thêm