Truyện tranh Việt - dòng chảy ngầm mạnh mẽ

(PLVN) - Từ thế hệ “vàng” của truyện tranh Việt cách đây 20 năm, cho đến thế hệ họa sĩ truyện tranh trẻ ngày nay, phong cách, thị hiếu của thời đại đã thay đổi nhiều. Nhưng, nhiều giá trị trong truyện tranh Việt thì bất biến.
Họa sĩ truyện tranh gạo cội Hùng Lân.
Họa sĩ truyện tranh gạo cội Hùng Lân.

Thế hệ “vàng” truyện tranh Việt

Những lứa 8x đời đầu, 7x đời cuối hẳn vẫn còn nhớ không ít tựa truyện tranh Việt “làm mưa làm gió” trên thị trường Việt Nam. Thời điểm ấy là những năm 1990, dù những quyển truyện tranh ăn khách của Nhật như Bảy viên ngọc rồng, Doraemon, Conan… đang chiếm lĩnh thị trường, nhưng vẫn có chỗ đứng đáng kể cho truyện tranh của các tác giả Việt. Nhiều thế hệ trẻ đã lớn lên với những quyển truyện tranh ấy.

Có thể kể đến Cô tiên xanh (họa sĩ Hùng Lân, họa sĩ Kim Khánh phụ trách vẽ các tập khác nhau), Dũng sĩ Hecman, Thằng Bờm (họa sĩ Hùng Lân), Trạng Quỷnh (họa sĩ Kim Khánh)… Nội dung của truyện Cô tiên xanh khá đơn giản nhưng thấm nhuần tinh thần giáo dục cho thiếu nhi, như chuyện trẻ hư bị phạt, trẻ ngoan được thưởng bởi Cô tiên xanh.

Nội dung của Hecman lại là câu chuyện về những dũng sĩ robot, về lòng dũng cảm, tình đồng đội, tình bạn… Sức hút của bộ truyện tranh này đến từ thế giới giả tưởng lạ lẫm với các robot thông minh, đa dạng mà họa sĩ đã vẽ nên cho trẻ em trong thời điểm “đói đồ chơi” ấy. 

Có một điều nhiều người không nghĩ đến, đó là các tác giả truyện tranh Việt Nam lại là những người được vinh danh trong ngành xuất bản bởi có tác phẩm phát hành số lượng hàng đầu. Như họa sĩ Kim Khánh, ông có một số tác phẩm ăn khách, tái bản nhiều lần là Cô tiên xanh, Trạng Quỷnh… đã đứng đầu trong danh sách họa sĩ có số lượng sách được đăng ký xuất bản nhiều nhất. Tổng số sách của ông được đăng ký lên tới 31 triệu bản, vượt lượng sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (khoảng 16 triệu bản in). 

Họa sĩ Hùng Lân cũng giữ vị trí top đầu với bộ truyện Hecman 160 tập và mới đây, vị họa sĩ gạo cội đã cho Hecman sống lại một lần nữa với thế hệ trẻ ngày nay, khi tái xuất bản Hecman và bán chạy như tôm tươi…

Tuy nhiên, sau khi đồng ý tái bản bộ truyện, ông đã quyết định viết tập cuối, một “kết thúc đẹp” cho Hecman chứ không dự định kéo dài bộ truyện. Theo ông, “bây giờ thị hiếu bạn đọc đã khác. Truyện này có vẻ không hợp thời nữa. Quan trọng, tôi muốn Hesman chỉ dừng lại ở đó như một tượng đài của truyện tranh Việt Nam, để nó mãi mãi là một huyền thoại rưng rưng của tuổi thơ thế hệ 8X, 9X”.

Sức sống riêng

Sau thế hệ gạo cội với các tác phẩm truyện tranh đã đi vào lịch sử ngành xuất bản Việt Nam, thị trường xuất bản chứng kiến nhiều thế hệ truyện tranh “sinh sau đẻ muộn” nhưng đạt nhiều thành tựu đáng kể. 

Trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2005, bộ truyện Thần đồng Đất Việt của Công ty Phan Thị cũng rất nổi tiếng và phổ biến, thu hút độc giả ở nhiều lứa tuổi. Thần đồng Đất Việt đề cao những tình cảm cao đẹp như tình cảm gia đình, bạn bè, tình yêu nước, lòng dũng cảm, trí thông minh… thông qua hình ảnh cậu bé Trạng Tí và những người bạn. Truyện cũng tái hiện nét văn hóa Việt thời xưa. Truyện tranh Tý Quậy của họa sĩ Đào Hải (giai đoạn 2016-2020) có số lượng đăng ký xuất bản lên tới hơn 100 nghìn bản/tập.

Giờ đây, thị trường truyện tranh đang được “chuyển giao” vào tay những người trẻ. Những họa sĩ trẻ hiện nay không những cập nhật rất nhanh xu thế của thị trường mà còn tiên phong tạo ra những xu hướng, phong cách mới cho truyện tranh Việt.

Như nhóm B.R.O thành công với bộ truyện tranh Lớp học mật ngữ, trở thành truyện tranh ăn khách hàng đầu được các em thiếu niên yêu thích. Nhóm tác giả trẻ này còn tái hiện những tác phẩm văn học kinh điểm Việt Nam dưới hình thức truyện tranh, như Chí Phèo, Chiếc lược ngà, Giông tố… và được người trẻ yêu thích. 

Nhiều bộ truyện tranh lạ về cả nội dung lẫn hình thức đã được đông đảo công chúng đón nhận. Đó là những thể loại truyện tranh với nét vẽ lạ, thậm chí không có cốt truyện, có thể là truyện tranh châm biếm bằng hình ảnh, hoặc truyền tải một cách chơi chữ thú vị nào đó. Thể loại truyện tranh này đã mở rộng đối tượng đọc, không chỉ dành cho trẻ con mà cho cả người lớn nhiều thế hệ.

Truyện tranh Việt Nam có chỗ đứng riêng trên thị trường. (Hình minh họa).
 Truyện tranh Việt Nam có chỗ đứng riêng trên thị trường.  (Hình minh họa).

Các sáng tác mới mẻ này đã tạo nên thành công cho họa sĩ trẻ. Tiêu biểu trong thể loại này phải kể đến họa sĩ Thành Phong. Thành Phong là một trong những họa sĩ truyện tranh trẻ có số lượng đăng ký xuất bản hàng đầu hiện nay. Với các tác phẩm Sát thủ đầu mưng mủ, Phê như con tê tê, Thương nhớ thời bao cấp và Long thần tướng, họa sĩ này có số lượng bản in vượt quá con số 200.000.

Trước kia, nhiều người cho rằng truyện tranh của các tác giả Việt ảnh hưởng nhiều bởi phong cách của manga, comic Nhật. Tuy nhiên, thời gian đã chứng minh, qua các thế hệ, họa sĩ truyện tranh Việt đã tìm được những lối đi riêng cho mình, định hình được phong cách sáng tạo không trộn lẫn. Dù manga, comic hay đến nay là nhiều thể loại truyện tranh Trung Quốc, Âu Mỹ chiếm lĩnh thị trường, truyện tranh Việt vẫn có sức sống riêng, có lượng khán giả, fan hâm mộ riêng. Ngọc Mai

Nguyễn Khánh Dương-biên kịch bộ truyện Long thần tướng, nhà sáng lập Comicola: Nhà xuất bản chưa dành sự quan tâm thỏa đáng cho truyện tranh Việt

“Các tác giả truyện tranh Việt Nam có nhiều người đam mê, yêu nghề, và cũng rất giỏi. Các cuộc thi truyện tranh gần đây, tác giả Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu. Độc giả truyện tranh ở Việt Nam rất đáng yêu và đáng nể.

Khi làm truyện tranh, đôi khi mình chưa có kinh nghiệm quản lý tiến độ, dẫn tới tốc độ ra truyện không được như kỳ vọng, số lượng bản in ít dẫn tới giá bìa cao, nhưng độc giả truyện tranh Việt Nam vẫn tận tình ủng hộ tác phẩm Việt.

Nhưng những yếu tố đó chưa đủ làm nên thị trường xuất bản truyện tranh tốt, dẫn đến thu nhập của họa sĩ không đặt hết vào lĩnh vực này. 5 năm nay, số lượng truyện tranh Việt Nam trên thị trường là một phần rất rất nhỏ so với truyện tranh nước ngoài.

Comicola của chúng tôi gần như là đơn vị tiên phong chỉ khai thác truyện tranh Việt, và cũng có được những thành tích đáng kể. Nhưng một nền truyện tranh muốn phát triển sẽ cần nhiều hơn một công ty. Có cạnh tranh, có đối đầu, sẽ tự hoàn thiện mình hơn, và sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.

Tác giả sẽ rất khó sống nếu tác phẩm không có đầu ra. Tác giả dù sáng tác giỏi thế nào đi nữa, cũng không thể tự mình in cuốn sách ra được. Tôi thấy truyện tranh của tác giả người Việt chưa được các đơn vị xuất bản quan tâm thỏa đáng.

Tất nhiên, mỗi đơn vị họ có lý do, có tôn chỉ hoạt động và có định hướng khác nhau. Khi không có nhiều đầu ra như vậy, họa sĩ truyện tranh trông chờ vào việc xuất bản sách giấy thì khó mà sống được.

Đọc thêm