Xu hướng truyện tranh online

(PLVN) - Công nghệ phát triển, truyện tranh online cũng là một hướng mới lạ đã giúp nhiều họa sĩ trẻ phát huy sáng tạo, lập nghiệp, thành danh.

Truyện tranh online, truyện tranh đọc trên các thiết bị di động đã và đang lan ra toàn thế giới còn có tên gọi là Webtoon, một hình thức truyện tranh bắt nguồn từ Hàn Quốc. Cùng với sự thuận lợi trong việc xuất bản và tiếp cận độc giả, webtoon là xu thế sáng tác mới trong thời đại công nghệ 4.0.

Tại Việt Nam, từ nhiều năm qua, truyện tranh online đã được các tác giả Việt khai thác. Thậm chí, nhiều họa sĩ trẻ xuất thân là đam mê “vẽ vui” đăng trên Fanpage, Facebook cá nhân, để rồi được ủng hộ nhiệt liệt và đi vào con đường họa sĩ truyện tranh.

Như trường hợp của họa sĩ trẻ Mèo Mốc (tên thật là Đặng Quang Dũng). Từ việc lập một fanpage truyện tranh ngắn trên mạng xã hội, Mèo Mốc được các bạn trẻ ủng hộ nhiệt liệt, bày tỏ yêu thích. Không chỉ thế, nhiều đoạn vẽ, câu nói, thậm chí logo Mèo mốc cũng được các bạn trẻ chia sẻ, chế tác lại rộng rãi trên mạng. Thừa thắng xông lên, Mèo Mốc đã tuyển chọn các tác phẩm ngắn để in thành sách. Đến nay, họa sĩ online này đã ra mắt hơn 10 cuốn sách với tổng số hơn 200 nghìn bản in.

Một trang truyện Mèo Mốc.
 Một trang truyện Mèo Mốc.

Hay như một trường hợp khác là Thăng Fly. Ban đầu, anh là một người mê vẽ và đăng ảnh vui trên trang cá nhân. Từ khi xuất hiện hình ảnh con rồng mô hình với vẻ mặt khá kì quặc bị cộng đồng mạng chế giễu tại một tuyến đường ở Đà Nẵng, anh lấy hình ảnh đó thành nhân vật chính trong các câu chuyện ngắn hài của mình. Sau đó, nhờ những mẩu truyện tranh giàu sáng tạo này, Thăng Fly trở nên nổi tiếng với lượng fan hâm mộ khổng lồ.

Từ đó, Thăng Fly nhận được hợp đồng vẽ truyện tranh quảng cáo cho các nhãn hàng, được mua bản quyền tác phẩm, được đặt hàng vẽ tranh… Các nhân vật của Thăng Fly xuất hiện trên những ứng dụng chat phổ biến là Zalo. Dù chưa xuất bản sách, Thăng Fly vẫn được coi là một trong những họa sĩ trẻ thành công trên nền tảng công nghệ.

Không nổi tiếng như Mèo Mốc hay Thăng Fly, nhưng trên mạng xã hội còn hàng trăm họa sĩ “online” như thế. Sáng tác và đăng trên mạng là một cách để họa sĩ trẻ bước chân vào nghề, thăm dò khán giả mà không phải bước vào cuộc chơi đầy tốn kém của sách in.

Mạng internet phát triển đã trao rất nhiều cơ hội cho người sáng tác trẻ như thế. Và ở thời đại số, bên cạnh tài năng, ai làm chủ được công nghệ, ai có thể dùng công nghệ để phục vụ tốt cho đam mê của mình, con đường sáng tạo sẽ dễ đến thành công hơn. 

Đọc thêm