TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý: Các nhà khoa học vẫn “nợ” xã hội rất nhiều…

(PLVN) - “Mặc dù đã phần nào “khơi được mạch nguồn từ dòng chảy cuộc sống” nhưng cá nhân tôi cũng như nhiều nhà nghiên cứu trong Viện Khoa học pháp lý vẫn luôn cảm giác còn nợ xã hội rất nhiều vì thực tiễn cải cách, đổi mới của đất nước ta đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần có sự giải đáp thỏa đáng hơn từ khoa học pháp lý” - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, TS. Nguyễn Văn Cương tâm sự khi nói về công việc gắn bó với ông suốt hơn 2 thập kỷ qua.
TS.Nguyễn Văn Cương
TS.Nguyễn Văn Cương

May mắn khi được gắn bó với Bộ, Ngành Tư pháp

Làm việc cho Bộ Tư pháp sau khi tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội và từng làm việc cho một công ty luật có uy tín, ông Cương nói rằng điều may mắn với ông là được làm việc cho Viện Khoa học pháp lý - một môi trường với nhiều nhà nghiên cứu “bậc thầy” luôn làm nghề bằng tất cả sự nhiệt huyết, say mê.

Đam mê theo đuổi tri thức khoa học pháp lý, cộng với năng khiếu ngoại ngữ, tư duy logic của dân chuyên khoa học tự nhiên trước đó dường như là thế mạnh cho ông Cương trong những ngày đầu bước chân vào môi trường mới. Từ môi trường này, ông không chỉ có cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia pháp luật hàng đầu của đất nước và ông còn có cơ hội học tập, nâng cao trình độ nhiều năm ở các trường Đại học danh tiếng ở các quốc gia phát triển (ông Cương theo học chương trình thạc sĩ 2 năm từ 2002 đến 2004 tại Đại học Niigata - Nhật Bản và chương trình nghiên cứu sinh tiến sỹ luật 3 năm từ năm 2008 đến năm 2011 tại Đại học Victoria - Canada). Được đào tạo bài bản từ những môi trường đa dạng như vậy, ông được truyền ngọn lửa đam mê khoa học từ thế hệ tiền bối, được trang bị phương pháp luận tiên tiến, đồng thời ông tích lũy được hệ thống tri thức khoa học pháp lý chuyên sâu cộng với phong cách làm việc chuyên nghiệp và hiện đại.

Hơn 20 năm gắn bó với Viện Khoa học pháp lý, 5 năm trên cương vị Phó Viện trưởng và hơn 4 năm trên cương vị Viện trưởng, không thể kể hết những công trình, đề tài khoa học mà tập thể Viện Khoa học pháp lý và cá nhân ông từng thực hiện nhằm góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ các hoạt động cải cách, đổi mới trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật của Bộ và Ngành cũng như của đất nước. Chỉ trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, với 3 hội thảo Khoa học cấp quốc gia mà Viện Khoa học pháp lý là đơn vị tham mưu tổ chức, theo ông Cương, đó thực sự là những dấu mốc quan trọng đặc biệt đối với những người làm khoa học pháp lý tại Viện.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều Vua Lê Thánh Tông - những giá trị lịch sử và đương đại” được tổ chức tại Thanh Hóa năm 2017. Hội thảo có sự tham dự của Đ/c Uông Chu Lưu, khi đó là Phó Chủ tịch Quốc hội.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều Vua Lê Thánh Tông - những giá trị lịch sử và đương đại” được tổ chức tại Thanh Hóa năm 2017. Hội thảo có sự tham dự của Đ/c Uông Chu Lưu, khi đó là Phó Chủ tịch Quốc hội.

Nhớ lại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều Vua Lê Thánh Tông - những giá trị lịch sử và đương đại” được tổ chức tại quê hương của vua Lê Thánh Tông nhân dịp 520 năm ngày mất của ông (năm 2017), TS. Nguyễn Văn Cương vẫn rất tâm đắc về những điều mà các bậc tiền nhân để lại được làm rõ trong Hội thảo. Hội thảo đã làm rõ kinh nghiệm thực hiện thành công cuộc cải cách lớn về hệ thống quản trị quốc gia trong lịch sử.

Theo đó, để chuẩn bị cho tiến trình cải cách từ loạn sang trị, với nhận thức đúng về nguyên nhân của trị loạn (“trăm quan là nguồn gốc của trị loạn”), “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, việc đầu tiên mà vua Lê Thánh Tông quan tâm thực hiện là kén chọn nhân tài. Phải chăng, bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị thời sự bởi như đức vua Lê Thánh Tông tâm niệm, trị quốc không phải là trị dân mà trước hết là trị quan. Hội thảo góp phần truyền bá những kinh nghiệm hay của đức vua Lê Thánh Tông trong kén chọn kẻ sĩ, trọng dụng nhân tài, kiểm soát quan lại, xây dựng pháp luật (với thành tựu đỉnh cao là Bộ luật Hồng Đức), kết hợp đức trị và pháp trị - đều là những kinh nghiệm rất có giá trị đối với sự nghiệp cải cách, đổi mới ở nước ta hiện nay.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam được tổ chức năm 2019. Hội thảo vinh dự được đón Đ/c Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là Thủ tướng Chính phủ, đến dự và có bài phát biểu quan trọng.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam được tổ chức năm 2019. Hội thảo vinh dự được đón Đ/c Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là Thủ tướng Chính phủ, đến dự và có bài phát biểu quan trọng.

Nếu hội thảo về vua Lê Thánh Tông là “một cái nhìn về lịch sử” thì Hội thảo khoa học cấp quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam do Bộ Tư pháp tổ chức tháng 6/2019 lại đi thẳng vào vấn đề rất khó, đầy tính thời sự của không chỉ Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới. TS Nguyễn Văn Cương cho rằng, những người làm nghiên cứu thường rất nhạy cảm với những cái mới, nhất là những diễn biến mới của đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu.

Cách đây 3 năm, những vấn đề như Cách mạng công nghiệp 4.0, bảo vệ thông tin cá nhân hay trí tuệ nhân tạo là hết sức mới mẻ nhưng được dư luận đặc biệt quan tâm. Lúc đó cũng đã có một số hội thảo ở các quy mô khác nhau bàn về chủ đề này. Tuy vậy, đặt ra việc tổ chức một hội thảo về Cách mạng công nghiệp 4.0 dành cho giới hoạch định chính sách và xây dựng, thực thi pháp luật ở tầm cấp quốc gia để thu hút sự quan tâm của các lãnh đạo Đảng, nhà nước và dư luận không phải là điều dễ dàng. Nhưng với quyết tâm khoa học pháp lý phải “bắt nhịp cùng thực tiễn cuộc sống”, với sự chung tay của một số doanh nghiệp công nghệ và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, Hội thảo đã tổ chức rất thành công, tạo tiếng vang lớn và vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ đến dự và có bài phát biểu quan trọng truyền tải nhiều thông điệp chính sách có giá trị. Hội thảo cũng có sự tham dự của nhiều Bộ trưởng, Trưởng các Ngành ở trung ương, Lãnh đạo một số chính quyền địa phương và gần 1 ngàn chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, đại diện cộng đồng doanh nghiệp.

Trên cơ sở kiến nghị từ kết quả tổ chức Hội thảo, năm 2020, Tổ công tác về rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện rà soát đợt 1 các quy định có liên quan về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với nhiều đề xuất có giá trị về việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech), bảo vệ dữ liệu cá nhân, sửa đổi Luật Giao thông đường bộ… Năm 2021, trong đợt 2 về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, lĩnh vực này tiếp tục nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Không ngại đương đầu với những vấn đề mới

Sau sự thành công của 2 hội thảo được xã hội ghi nhận, TS Nguyễn Văn Cương và tập thể Viện ấp ủ ý định tổ chức một hội thảo khoa học cấp quốc gia về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, vị Lãnh tụ thiên tài, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Người bạn thân thiết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. “Các công trình nghiên cứu về Bác thì rất nhiều nhưng chúng tôi luôn tự hỏi liệu mình có thể tiếp tục khai thác thêm ở góc độ nào phù hợp với công việc của những người làm công tác tư pháp, pháp luật của ngày hôm nay không”, TS Nguyễn Văn Cương chia sẻ.

Được sự ủng hộ của Lãnh đạo Bộ, cùng sự tiếp lửa từ nhiều nhà nghiên cứu lão thành trong quá trình chuẩn bị, ông cùng tập thể Viện quyết tâm tham mưu với Lãnh đạo Bộ tổ chức Hội thảo “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam” nhằm phác họa sâu sắc hơn hệ thống quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật.

Năm 2020, nhân kỷ niệm 75 năm thành lập nước, 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Hội thảo khoa học cấp quốc gia đó đã được Bộ Tư pháp phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức với sự tham gia đông đảo của giới nghiên cứu và các hoạt động thực tiễn. Tại Hội thảo này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã có bài phát biểu khai mạc và Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng.

Hội thảo “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam” được tổ chức năm 2020 . Hội thảo có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tham dự.

Hội thảo “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam” được tổ chức năm 2020 . Hội thảo có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tham dự.

Nói về Hội thảo, giọng TS Nguyễn Văn Cương vẫn đầy say sưa “Hội thảo là cơ hội để tiếp tục nhận diện đầy đủ, sâu sắc hơn những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật; đánh giá thực tiễn, vận dụng tư tưởng của Người về Nhà nước và pháp luật ở Việt Nam, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp vận dụng những giá trị tư tưởng quý báu này cho sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thời gian tới. Đây cũng là một Hội thảo mà anh em trong Viện Khoa học pháp lý dành rất nhiều tâm sức để tổ chức một cách trang trọng, sâu sắc nhưng rất giản dị bởi anh em quan niệm, sinh thời Bác là người vĩ đại nhưng rất giản dị, nên mọi tham mưu của chúng tôi đều theo tinh thần đó”, TS Nguyễn Văn Cương chia sẻ.

Hội thảo đã truyền đi một thông điệp lớn rằng tuy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn 5 thập kỷ, nhưng những quan điểm, tư tưởng của Người để lại, nhất là Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật là những di sản vô giá và là nền tảng lý luận vững chắc mãi mãi soi đường cho tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nói về tập thể Viện Khoa học pháp lý, ông Cương luôn tự hào. Với 38 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Khoa học pháp lý luôn là một địa chỉ tin cậy để Lãnh đạo Bộ Tư pháp giao làm đầu mối tham gia các sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước, của Bộ, ngành như làm đầu mối tham mưu cho Lãnh đạo Bộ tham gia xây dựng, góp ý Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, tham gia xây dựng Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013, tham gia xây dựng các Chiến lược của Đảng về cải cách pháp luật và cải cách tư pháp …

Thời gian vừa qua, Viện cũng hoàn thành hàng chục đề tài thuộc chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ về “Những vấn đề pháp lý mới phát sinh trong Tư pháp quốc tế” và chương trình “Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp theo quy định của Hiến pháp năm 2013” cũng như các đề tài/đề án nghiên cứu thường niên với nhiều kết quả có chất lượng tốt. TS Nguyễn Văn Cương nhìn nhận, ngoài năng lực, trình độ, niềm đam mê của mỗi thành viên trong tập thể Viện thì sự đoàn kết và khát vọng vươn lên không ngừng chính là yếu tố để các nhà nghiên cứu và quản lý khoa học chung tay xây dựng nên “thương hiệu” Viện Khoa học pháp lý.

Tuy nhiên, trước những biến chuyển rất nhanh của thực tiễn cuộc sống, trước những đòi hỏi ngày càng cao từ Lãnh đạo Bộ và các cơ quan có thẩm quyền, hoạt động nghiên cứu của Viện đang được kỳ vọng là phải làm sao kịp thời đề xuất tham mưu cho Bộ, ngành nhận diện, giải quyết những vấn đề mới, khó của thực tiễn; đặc biệt trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật có chất lượng cao, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật … Điều này đòi hỏi Viện phải có những giải pháp tổng thể về hoạch định chiến lược phát triển, tiếp tục kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng nhân lực, năng động, nhạy bén hơn với những vấn đề thực tiễn…

Ông Cương cho rằng, thuận lợi lớn hiện nay là tập thể Viện rất đoàn kết, các nhà nghiên cứu trong Viện ngày càng trưởng thành, bám sát thực tiễn Việt Nam, duy trì quan hệ quốc tế rộng mở, có khát vọng vươn lên và không ngại đương đầu với những vấn đề mới, những vấn đề khó trong khi vẫn biết kế thừa, trân trọng những truyền thống do các thế hệ đi trước đã rất kỳ công xây dựng. Tuy nhiên, cá nhân ông và nhiều nhà nghiên cứu trong Viện luôn day dứt vì thấy mình còn “nợ” Bộ, “nợ” Ngành và “nợ” xã hội rất nhiều khi không ít hạn chế, bất cập trong một số lĩnh vực pháp luật, trong tổ chức thi hành pháp luật cùng không ít vấn đề thực tiễn chưa được giới khoa học pháp lý kịp thời nghiên cứu, đề xuất giải pháp xứng tầm.

Với tâm huyết, tận tụy của người Viện trưởng cùng các thành viên trong Viện, sự quan tâm sát sao của tập thể Lãnh đạo Bộ, sự chung tay của các đơn vị trong và ngoài Bộ, trên cơ sở những gì tập thể Viện đã làm được, chúng ta có căn cứ để tin rằng, Viện Khoa học pháp lý sẽ tiếp tục có những thành công mới, đóng góp thiết thực cho thành công chung của Bộ, ngành Tư pháp và cho nền khoa học pháp lý nước nhà.

Đọc thêm