TS. Trần Hữu Sơn, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa và Du lịch: Trăn trở với du lịch di sản, du lịch tâm linh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Miền núi, miền biên ải phía Bắc nước ta được biết đến với nhiều tầng sâu văn hóa. Dù du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch về nguồn, du lịch trải nghiệm phát triển, nhưng vai trò của chủ nhân di sản lại dường như bị quên lãng.
Mùa vàng đẹp nao lòng ở Hoàng Su Phì - Hà Giang.
Mùa vàng đẹp nao lòng ở Hoàng Su Phì - Hà Giang.

Về miền di sản

TS. Trần Hữu Sơn, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa và Du lịch cho biết, hầu hết các tỉnh miền núi vùng dân tộc thiểu số trong các cuộc kháng chiến của dân tộc đều trở thành những khu căn cứ địa quan trọng. Vì vậy, ngày nay ở các tỉnh này luôn có mạng lưới hệ thống các di tích lịch sử cách mạng. Ở vùng này có các di tích quốc gia được phân bố rộng khắp như ATK Định Hóa - Thái Nguyên và ATK Sơn Dương - Tuyên Quang, đặc biệt là khu di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Vùng dân tộc thiểu số - địa bàn cư trú của 53 dân tộc anh em cũng chính là địa bàn giàu giá trị di sản văn hóa. Đó là sản phẩm du lịch mang dấu ấn người H’ Mông, người Dao, người Xá Phó, người Tày trên đỉnh núi Sa Pa. Đó là sản phẩm du lịch phản ánh sự thích ứng với môi trường tạo nên những khu ruộng bậc thang kỳ vĩ ở Mù Cang Chải - Yên Bái, Hoàng Su Phì - Hà Giang, Bát Xát - Lào Cai. Các loại hình canh tác trên nền đất dốc, trên ruộng bậc thang hay những thung lũng ven sông, ven suối đều tạo ra vẻ đẹp hấp dẫn của du lịch trải nghiệm nông nghiệp xưa.

TS Trần Hữu Sơn nhấn mạnh, di sản văn hóa mang đậm bản sắc tộc người, còn là nguồn lực để xây dựng các điểm, tuyến du lịch. Tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc nối liền 6 tỉnh Tây Bắc vừa mang tính chất kỳ vĩ, vừa phong phú văn hóa của gần 30 tộc người. Năm 2019, thống kê sơ bộ qua các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc đã có khoảng 170 điểm du lịch cộng đồng. Các điểm du lịch cộng đồng đón được đông khách chủ yếu dựa vào di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các tộc người.

Đơn cử, du lịch cộng đồng người Thái ở Bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên và Bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Du lịch cộng đồng người Hà Nhì ở xã Y Tí, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Du lịch cộng đồng người Mường ở Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Du lịch cộng đồng người H’Mông ở bản Cát Cát, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Du lịch cộng đồng người Dao ở bản Nậm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang…

Điểm du lịch cộng đồng của người Dao ở Nậm Đăm có nhà sàn trình tường nhưng điểm du lịch cộng đồng của người Thái ở bản Áng lại là nhà sàn gỗ cột kê. Ngôi nhà truyền thống của người Giáy ở Tả Van - Sa Pa là ngôi nhà đất nhưng có phần sàn, toàn bộ các thành viên trong gia đình đều ngủ ở sàn đất. Tầng sàn trước kia chỉ để cất giữ lương thực thì nay được cải tiến trở thành nơi ngủ của du khách. Các phòng ngủ của du khách cũng được bố trí theo tập quán của từng dân tộc hoặc là làm từng ngăn có rèm che như của người Thái, người Mường hoặc chỉ cần tấm đệm như nhà sàn của người Tày, người Dao.

Ở một số điểm du lịch của người H’Mông, người Hà Nhì cũng xây dựng mô hình nhà sàn cho du khách nghỉ. Trong lưu trú, nơi ngủ không chỉ đáp ứng nhu cầu ngủ mà còn là không gian văn hóa, với các quy định ngủ của khách nam, khách nữ, người cao tuổi, người trẻ... Do đó, di sản văn hóa tộc người đã chi phối mạnh mẽ đến dịch vụ lưu trú (cả về không gian, phong tục tập quán).

Di sản văn hóa là nguồn lực để xây dựng các điểm, tuyến du lịch.

Di sản văn hóa là nguồn lực để xây dựng các điểm, tuyến du lịch.

Tây Bắc - nhiều tiềm năng phát triển du lịch di sản.

Tây Bắc - nhiều tiềm năng phát triển du lịch di sản.

Không gian thiêng có còn?

Về du lịch tâm linh, TS Trần Hữu Sơn cho biết, hiện nay, khách hành hương thường căn cứ vào tuyến du lịch để phân loại, tên các tuyến du lịch tâm linh như du lịch tâm linh dọc theo sông Hồng, theo sông Lô, về Nam Định… Một cách phân loại khác trong du lịch tâm linh là dựa theo thời điểm tổ chức các sự kiện du lịch tâm linh để phân loại như du lịch tâm linh theo mùa xuân (hành hương mùa xuân), mùa thu…

Theo TS Trần Hữu Sơn, những năm qua, ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc… đã quy hoạch và xây dựng các di tích trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành các điểm du lịch tâm linh hấp dẫn. Trước khi được quy hoạch xây dựng điểm du lịch, đền Bảo Hà chỉ thu được 6 tỷ đồng, đền Đông Cuông thu 5 tỷ đồng, các di tích thờ Mẫu ở Tuyên Quang chỉ thu được chưa đầy 10 tỷ đồng,… Chỉ sau 2 năm thực hiện xây dựng điểm du lịch tâm linh, chuyển đổi mô hình quản lý, tăng cường xúc tiến quảng bá, các điểm du lịch tâm linh đã có nguồn thu tăng đột biến. Năm 2019, điểm du lịch di tích quốc gia đền Bảo Hà ở vùng người Tày, người Dao huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai thu 45 tỷ đồng; các điểm du lịch tâm linh ở các huyện và thành phố của tỉnh Tuyên Quang thu hơn 30 tỷ đồng; điểm du lịch ở di tích quốc gia đền Đông Cuông năm 2019 thu gần 20 tỷ đồng…

Nguồn thu lớn của các điểm du lịch đã hỗ trợ cho việc trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử ở trong vùng. Riêng ở tỉnh Lào Cai, hệ thống một số đền liên quan đến di tích Ông Hoàng Bảy cũng được hỗ trợ kinh phí trùng tu.

Không thể phủ nhận, nhờ phát triển du lịch, nhiều di sản văn hóa bị mai một đã được phục hồi. Nghề làm thuốc của người Dao, nghề thêu dệt thổ cẩm của người Thái ở Mai Châu Hòa Bình. Người H’Mông, người Dao ở Sa Pa - Lào Cai. Người H’Mông, người Pà Thẻn ở Hà Giang…

Tuy nhiên, các di sản khi muốn trở thành sản phẩm du lịch đều phải trải qua một quá trình đặc biệt. Đó là quá trình “hàng hóa hóa” di sản. Một tấm thổ cẩm mặt chăn của người Thái muốn bản được cho du khách thì phải chế biến thành các túi đeo, túi đựng điện thoại, vỏ gối,… Nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, người Dao muốn trở thành sản phẩm du lịch cũng phải được sân khấu hóa, cắt gọt phần nghi lễ, bỏ không gian thiêng, tách phần nhảy lửa khỏi tổng thể tín ngưỡng mà chỉ còn tiết mục văn nghệ nhỏ lẻ là diễn xướng nhảy lửa.

Là người gắn bó với văn hóa vùng cao, TS Trần Hữu Sơn trăn trở, rầu lòng khi không gian thiêng dần mai một. Đơn cử, các trích đoạn lễ cưới được diễn ra thường xuyên, quanh năm ngày tháng, trích đoạn lễ hội té nước không chỉ diễn ra trong ngày Tết người Lào, người Lự mà thường xuyên tổ chức quanh năm. Quy trình “hàng hóa hóa” làm vừa lòng du khách, đáp ứng nhu cầu giải trí của du khách đã dẫn đến sự biến dạng của di sản. Có di sản tín ngưỡng mất hẳn không gian thiêng, trở thành trò biểu diễn đơn thuần (tương tự nghi lễ hầu đồng diễn ra ở Phố Cổ Hà Nội mà không phải thực hành ở các đền, phủ). Một số điểm du lịch có giá trị về tâm linh, giá trị về nghệ thuật trở thành quá tải khi lượng khách đến đông.

Các lễ hội của thôn bản xưa chỉ đón khách ở thôn bản hoặc một số khách không nhiều của cả vùng. Nhưng hiện nay, các di sản này không tính đến sức chứa của điểm du lịch, phát triển quá “nóng” dẫn đến luồng khách hành hương ồ ạt đổ về một điểm du lịch có không gian hẹp. Các du khách không tuân theo chuẩn mực, quy tắc ứng xử của thôn làng đối với các vật thiêng. Họ tranh cướp vật thiêng dẫn đến lễ hội không tổ chức được. Một số lễ hội chưa chuẩn bị sẵn sàng (hoặc không dự báo được lượng khách tăng đột biến quá lớn) dẫn đến tình trạng quá tải, hệ thống dịch vụ bị phá vỡ hoặc không đáp ứng nổi nhu cầu của du khách. Lễ hội tổ chức chưa đến đỉnh điểm đã “vỡ hội”. Chưa kể, nghiêm trọng hơn, một số quần thể di tích tâm linh đã xảy ra hiện tượng làm chùa giả, tượng giả…

Không phát triển du lịch bằng mọi giá!

TS Trần Hữu Sơn nhấn mạnh, cần xác định rõ phát triển du lịch phải theo định hướng phát triển bền vững. Theo Luật Du lịch Việt Nam (2017): “Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”. Đồng thời, phải xác định bảo tồn di sản là nguyên tắc hàng đầu, không hi sinh di sản để phát triển du lịch bằng mọi giá. Lợi nhuận của du lịch cần phải được phân bổ một cách công bằng, ổn định, đóng góp cho việc xóa đói giảm nghèo ở địa phương, cân bằng giữa sự phát triển kinh tế truyền thống giữa phát triển du lịch.

Đọc thêm