Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam-Cuba giai đoạn 2020 – 2023 ban hành kèm theo Nghị định gồm 563 dòng thuế (AHTN2017 theo cấp độ 8 số) có lộ trình cắt giảm thuế quan cho 04 giai đoạn: Từ 01/4/2020 đến 31/12/2020; Từ 01/01/2021 đến 31/12/2021; Từ 01/01/2022 đến 31/12/2022; Từ 01/01/2023 đến 31/12/2023.
Theo đó, thuế suất thuế nhập khẩu đối với 514 dòng thuế (gồm một số loại tôm, cá, mật ong, một số loại quả (như dứa, bơ, ổi, xoài,...), xi măng, quặng crôm, thuốc khử trùng, quần áo bảo hộ, thiết bị mạng không dây, đèn cho phòng mổ...) có mức thuế suất 0% kể từ ngày 01/4/2020.
Với các dòng thuế còn lại (49 dòng), Nghị định cụ thể hóa cam kết giảm thuế theo lộ trình (bao gồm các mặt hàng như nhóm đường (1701) và lá thuốc lá chưa chế biến (2401) cắt giảm thuế trong vòng 4 năm về mức thuế suất 15% (trong hạn ngạch); nhóm thuốc lá điếu, xì gà (2402) cắt giảm thuế trong vòng 4 năm về mức thuế suất 70%; nhóm rượu và đồ uống có cồn (2204) cắt giảm trong vòng 4 năm về mức thuế suất 20%).
Để được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt nêu trên, hàng hóa nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 4 của Nghị định, cụ thể là hàng hóa phải đáp ứng các điều kiện:
“1. Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Được nhập khẩu từ Cuba vào Việt Nam.
3. Được vận chuyển trực tiếp từ Cuba vào Việt Nam theo quy định của Hiệp định thương mại Việt Nam - Cuba, cụ thể:
a) Hàng hóa được vận chuyển không đi qua lãnh thổ của một Nước không phải là thành viên;
b) Hàng hóa được vận chuyển với mục đích quá cảnh qua một Nước không phải là thành viên bao gồm hoặc không bao gồm chuyển tải hoặc lưu kho tạm thời tại Nước đó, với các điều kiện sau:
- Việc quá cảnh vì lý do địa lý, giao nhận hoặc yêu cầu về vận tải;
- Hàng hóa không tham gia vào giao dịch thương mại hoặc tiêu thụ tại lãnh thổ của Nước không phải là thành viên;
- Hàng hóa không trải qua bất kỳ công đoạn sản xuất hoặc gia công chế biến khác bên ngoài lãnh thổ của Nước không phải là thành viên, ngoại trừ việc dỡ hàng, bốc lại hàng và chia tách lô hàng hay bất kỳ công đoạn cần thiết nào nhằm bảo quản hàng hóa trong tình trạng tốt.
4. Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại Việt Nam-Cuba và có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) Mẫu VN-CU.”
Bộ Tài chính cho biết, để đảm bảo thực thi hiệu lực, hiệu quả Nghị định, các tổ chức, cá nhân có liên quan liên hệ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đầu mối tham mưu ban hành Nghị định và theo dõi thực thi tại Bộ Tài chính là Vụ Hợp tác Quốc tế (Số điện thoại 024.2220.2828, máy lẻ: 7038 và 7030).
Hiệp định thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Cuba đã được ký kết vào ngày 09/11/2018 sau hai năm đàm phán (kể từ tháng 4/2016). Hiệp định này thay thế Hiệp định giữa hai Chính phủ về trao đổi thương mại và các hình thức hợp tác kinh tế khác được ký vào 08/4/1996.
Hiệp định có tổng cộng 14 chương. Các chương chính bao gồm: Các điều khoản chung, Thương mại hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, Phòng vệ thương mại, Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp (STRACAP), Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Thương mại dịch vụ, Hợp tác kinh tế và thương mại, Rà soát và quản lý, Giải quyết tranh chấp, Ngoại lệ, Những điều khoản cuối cùng. Ngoài ra, Hiệp định còn có các Phụ lục chủ yếu liên quan đến các Biểu cam kết mở cửa thị trường hàng hóa.
Ngày 10/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP phê duyệt “Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Cuba”. Hiệp định chính thức có hiệu lực ngày 01/4/2020.
Nghị định 39/2020/NĐ-CP ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Công hóa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Cuba giai đoạn 2020 – 2023 được Chính phủ ban hành ngày 3/4/2020 và có hiệu lực từ ngày 20/5/2020.