Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh sẽ theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Minh bạch trong tố tụng
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 183 BLTTHS 2015, việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can không chỉ là hoạt động bắt buộc đối với CQĐT thuộc lực lượng công an.
Quy định này được áp dụng với các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành tố tụng nhằm giúp người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng tránh lạm dụng trong việc thực thi pháp luật; là căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng chủ động thu thập chứng cứ, đấu tranh có hiệu quả đối với người có hành vi phạm tội.
Quy định bắt buộc này cũng nhằm bảo vệ người bị áp dụng biện pháp tố tụng thực hiện tốt quyền con người, quyền công dân, tránh những trường hợp ép cung, nhục hình, là nguyên nhân xảy ra tình trạng oan sai, bức cung, nhục hình trong tố tụng hình sự trong thời gian qua.
Thực tế, hoạt động ghi âm, ghi hình đã được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện trước khi BLTTHS 2015 có hiệu lực thi hành. Trước đây, trong một số vụ án có dấu hiệu tội phạm có tổ chức, tội phạm thực hiện hành vi nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, nghi phạm có dấu hiệu phản cung…, CQĐT cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng khác đã thực hiện việc ghi âm, ghi hình để làm chứng cứ đấu tranh với người có hành vi phạm tội. Tuy nhiên, việc ghi âm, ghi hình khi chưa được luật hóa này mới dừng lại ở việc củng cố chứng cứ của người có hành vi phạm tội để phục vụ việc xét xử trước tòa.
Mục đích của việc ghi âm, ghi hình có âm thanh được thể chế thành điều luật trong BLTTHS 2015 nhằm đảm bảo quyền con người, tôn trọng quyền con người, đảm bảo quyền của người được xét hỏi phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp, cải tiến việc áp dụng pháp luật, đưa nền pháp luật Việt Nam hội nhập nền tư pháp quốc tế.
Việc ghi âm, ghi hình trong hoạt động xét hỏi còn nhằm minh bạch trong TTHS; từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt việc những người có hành vi vi phạm pháp luật kêu oan, tố cáo người tiến hành tố tụng, đặc biệt là người tiến hành tố tụng tại cơ quan điều tra có hành vi bức cung, dùng nhục hình, mớm cung làm sai lệch bản chất vụ án, dẫn đến oan sai cho người bị áp dụng biện pháp tố tụng.
Hội nhập những nền tư pháp tiên tiến
Tại các quốc gia có nền tư pháp tiên tiến như Cộng hòa Pháp, Hà Lan… đã áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ - ghi âm, ghi hình trong các buổi lấy cung đối với người có hành vi phạm tội.
Việc ghi âm, ghi hình đối với hoạt động hỏi cung tại cơ sở giam giữ, tại trụ sở CQĐT của những người tiến hành tố tụng, của cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra còn nhằm mục đích để người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, đưa hoạt động lấy lời khai được công khai, để các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giám sát hoạt động tố tụng khách quan, minh bạch, thể hiện nền tố tụng tiến bộ, văn minh. Người tiến hành tố tụng qua đó cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, thận trọng, khách quan để ngăn chặn việc truy cứu oan sai trách nhiệm hình sự, củng cố niềm tin vào công lý của nhân dân.
Khoản 6 Điều 183 BLTTHS 2015 cũng quy định việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác – không phải nhà tạm giữ, tạm giam, không phải tại trụ sở CQĐT cũng phải được ghi âm, ghi hình khi người bị xét hỏi có yêu cầu, không chỉ đáp ứng nhu cầu hạn chế oan sai, lạm quyền của người tiền hành tố tụng. Các cuộc hỏi cung được ghi âm, ghi hình sẽ là chứng cứ của vụ án, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh hành vi phạm tội, xác định sự thật khách quan vụ án, phù hợp với tiến bộ pháp luật, yêu cầu điều tra hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa sau này.
Yêu cầu phải ghi âm, ghi hình trong việc hỏi cung bị can trong quá trình điều tra không chỉ thể hiện quyền dân chủ được mở rộng. Tài liệu ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can cũng là căn cứ có lợi cho chính cơ quan tiến hành tố tụng.
Trên cơ sở các băng ghi âm, ghi hình được thẩm tra, người có thẩm quyền ra các quyết định trong tiến hành tố tụng hình sự, người tiến hành tố tụng không bị vu cáo trong quá trình hỏi cung; là cơ sở để người có thẩm quyền ra các quyết định điều tra, mở rộng vụ án trong những vụ án phức tạp, có nhiều người có hành vi phạm tội nhưng các bị can không nhận tội hoặc đổ lỗi cho nhau, bảo đảm tính khách quan, trung thực của CQĐT trong hoạt động phòng chống tội phạm.