Quan điểm trên của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về quy định ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung được đề xuất trong Dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng qua (26/8).
Ghi âm, ghi hình để chống bức cung, dùng nhục hình
Quá trình thảo luận về Dự thảo Bộ luật này, đa số ý kiến đều đồng tình quy định việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung là cần thiết để vừa bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo và không tạo điều kiện cho những vụ án oan, sai.
Tuy nhiên, báo cáo trình, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội (ĐB) về một số vấn đề lớn của Dự án Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng cho thấy, trong thực tiễn, việc hỏi cung bị can có thể được tiến hành ở nhiều nơi và trong những điều kiện rất khác nhau; có bị can bị tạm giam, có bị can ở ngoài xã hội; có bị can chỉ hỏi cung một hai lần, có bị can phải hỏi cung rất nhiều lần; có trường hợp cùng một thời điểm phải hỏi cung rất nhiều người.
Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện nước ta, UBTVQH cho rằng, quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra được ghi âm, ghi hình là phù hợp; còn tại các địa điểm khác thì có thể ghi âm, ghi hình khi cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng xét thấy cần thiết.
Nhưng ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị, đối với trường hợp áp dụng biện pháp ghi âm, ghi hình ở các địa điểm khác ngoài cơ sở giam giữ hoặc trụ sở Cơ quan điều tra, bị can cũng phải có quyền yêu cầu ghi âm, ghi hình “để bảo đảm tính minh bạch ở mọi nơi, mọi lúc và cũng giúp cho cơ quan điều tra, giúp cho cơ quan tư pháp có đủ bằng chứng và xét xử minh bạch hơn”.
Bên cạnh đó, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) còn nhấn mạnh thêm quyền ghi âm, ghi hình của người làm chứng, người muốn cung cấp thông tin và đề nghị trong trường hợp cần thiết phải coi đó là một chứng cứ.
Quyền hay nghĩa vụ ghi âm, ghi hình mới khả thi?
Với ý nghĩa của hoạt động ghi âm, ghi hình quá trình hỏi cung đối với việc làm rõ bản chất khách quan của vụ án, ĐB Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, ghi âm, ghi hình phải được qui định là nghĩa vụ của cơ quan và người tiến hành tố tụng.
Phân tích về tương quan, khả năng thực thi qui định về ghi âm, ghi hình trong tố tụng hình sự thì nếu ghi âm, ghi hình là “quyền” của bị can, bị cáo thì rõ ràng khả năng thực thi là mong manh. Họ chỉ có thể yêu cầu được thực hiện quyền này chứ không thể tự thực hiện vì không có phương tiện. Ngược lại, nếu là nghĩa vụ của cơ quan và người tiến hành tố tụng thì việc ghi âm, ghi hình mới có thể được thực hiện đầy đủ.
Việc đặt thiết bị ghi âm, ghi hình là điều kiện cần để việc ghi âm, ghi hình được thực hiện. Theo BLTTHS hiện hành, khái niệm nơi tiến hành điều tra là rất rộng. Do đó, ĐB Lê Thị Nga đề nghị quy định địa điểm hỏi cung là trụ sở vì đã bị truy tố. Nhưng ĐB cũng đề nghị Bộ Công an báo cáo rõ “xu hướng quy định chỉ hỏi cung tại nơi có trụ sở, hoặc các cơ sở giam giữ như vậy có khả thi không?”.
Nếu hỏi cung ở trụ sở thì việc đặt các thiết bị ghi âm, ghi hình không phải là vấn đề quá khó khăn, nhưng ở các nơi khác thì phải tính đến tính khả thi về việc bố trí phương tiện ghi âm, ghi hình để qui định không “lạc lõng” khi thực thi.
Đồng thời, để thống nhất thực hiện cần có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền về việc ghi âm, ghi hình. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phải quy định cụ thể về việc ghi âm, ghi hình, tránh quy định “vì lý do khách quan” khiến qui định có thể bị “lờ” đi trong quá trình áp dụng vì có “lý do khách quan”.