Bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng
Những năm gần đây, nhiều vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) đã xảy ra ở nhiều địa phương, ở cả miền núi, đồng bằng và thành phố. Đối tượng bị BLGĐ đa dạng, không chỉ phụ nữ, trẻ em mà cả người già, người lao động trí thức... Hình thức BLGĐ cũng đa dạng hơn, không chỉ bạo lực thể chất mà còn cả bạo lực về tinh thần, tình dục và kinh tế, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 (trên 5.976 phụ nữ từ 15 - 64 tuổi) cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng bị chồng/bạn tình bạo lực thể xác, tình dục, tâm lý (tinh thần và kiểm soát hành vi) và/hoặc bị bạo lực kinh tế; có 31,6% phụ nữ chịu các hình thức bạo lực này trong năm 2019; 13,3% phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời và 5,7% bị bạo lực này vào thời điểm khảo sát và hầu hết những phụ nữ này cũng bị bạo lực thể xác... Năm 2019, BLGĐ với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012).
Ngoài ra, nghiên cứu về BLGĐ do Viện Nghiên cứu gia đình và giới thực hiện năm 2019 chỉ ra rằng, 69% trẻ em cho biết từng bị bố mẹ xử phạt bằng bất kỳ hình thức nào như đánh, đấm, đạp, tát… và 31,6% cha mẹ thừa nhận họ đã xử phạt con bằng hình thức bạo lực. Đáng chú ý, trẻ em cũng là nhóm xã hội có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục trong gia đình, theo đó, trong số trẻ bị xâm hại tình dục có tới 21,3% bị chính người thân trong gia đình xâm hại.
Tháng 5/2022, báo cáo trước Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống BLGĐ, Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh vấn nạn BLGĐ có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn, đã và đang để lại những hậu quả đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống BLGĐ còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay. Ngày 14/11/2022, Quốc hội khóa XV Kỳ họp thứ 4 đã thông qua Luật Phòng, chống BLGĐ với nhiều điểm mới so với Luật năm 2007, nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống BLGĐ theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp năm 2013. Ngày 1/7/2023, Luật Phòng, chống BLGĐ chính thức có hiệu lực, là công cụ pháp lý hiệu quả để ngăn chặn BLGĐ.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Thực tế công tác phòng, chống BLGĐ cho thấy, BLGĐ gây hậu quả rất nghiêm trọng cho nạn nhân cả về sức khỏe, tâm lý. Do đó, việc hỗ trợ để nạn nhân có thể đáp ứng nhu cầu được tư vấn tâm lý và khám sức khỏe là rất cần thiết.
Ngày 1/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022, có hiệu lực từ ngày 25/12/2023. Đáng chú ý, tại Điều 38 quy định mức chi hỗ trợ cho người bị BLGĐ gồm: việc hỗ trợ chi phí tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với BLGĐ do UBND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện tư vấn cho người bị BLGĐ, người có hành vi BLGĐ; hỗ trợ nhu cầu thiết yếu khi thực hiện cấm tiếp xúc, việc hỗ trợ áp dụng như quy định đối với đối tượng bảo trợ xã hội; trường hợp người bị BLGĐ bị tổn hại sức khỏe được chăm sóc, điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, cá nhân tham gia phòng, chống BLGĐ cũng được hỗ trợ bù đắp tổn hại về sức khỏe, tính mạng và thiệt hại về tài sản, nếu có. Cụ thể, cá nhân tham gia phòng, chống BLGĐ thuộc đối tượng đang tham gia BHXH được Quỹ BHYT chi trả theo quy định của pháp luật về BHYT, Quỹ BHXH chi trả chế độ trợ cấp tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất theo quy định của pháp luật về BHXH, vệ sinh, an toàn lao động; cá nhân tham gia phòng, chống BLGĐ được đơn vị sử dụng lao động chi trả các chế độ theo quy định của pháp luật về vệ sinh, an toàn lao động; trường hợp cá nhân tham gia phòng, chống BLGĐ thuộc đối tượng khác được hỗ trợ theo chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp hoặc được hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng theo quy định của pháp luật về trợ giúp xã hội...
Cá nhân tham gia phòng, chống BLGĐ khi trực tiếp ngăn chặn hành vi BLGĐ mà bị thiệt hại về tài sản nhưng người gây thiệt hại không có khả năng bồi thường thiệt hại thì được Nhà nước hỗ trợ bù đắp đối với tài sản bị thiệt hại. Chủ tịch UBND cấp huyện nơi xảy ra hành vi BLGĐ gây thiệt hại về tài sản thành lập Hội đồng xác định mức độ hỗ trợ thiệt hại cho cá nhân tham gia phòng, chống BLGĐ...
Có thể nói, trong bối cảnh BLGĐ đang diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp, việc bảo đảm quyền và nguyện vọng chính đáng của người bị BLGĐ, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người tham gia phòng, chống BLGĐ là yêu cầu cấp thiết trong xử lý vi phạm về BLGĐ.
Cũng theo Nghị định 76/2023/NĐ-CP, Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống BLGĐ sẽ được thiết lập với 3 chữ số, hoạt động 24 giờ mỗi ngày để tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ. Người bị BLGĐ hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi BLGĐ thì gọi đến số điện thoại của tổng đài để báo tin, tố giác về hành vi BLGĐ. Tổng đài được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động, thực hiện ghi âm tự động và chi trả phí viễn thông đối với tất cả các cuộc gọi đến, gọi đi.