Từ bình dân học vụ tới câu chuyện chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gần 77 năm trước, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay sau đó, Người đã lãnh đạo toàn dân ta, cấp bách đối phó với ba loại giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Bài học từ tư tưởng của Bác Hồ về bình dân học vụ để xóa mù chữ trước đây, có giá trị to lớn trong việc phổ cập chuyển đổi số hiện nay…
 Ảnh tư liệu Bình dân học vụ. (Ảnh minh họa)
Ảnh tư liệu Bình dân học vụ. (Ảnh minh họa)

Không chỉ là phong trào bình dân học vụ

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đất nước đã sang một trang sử hoàn toàn mới. Tuy nhiên, Nhà nước non trẻ của chúng ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thế nước ở trong tình trạng “nghìn cân treo sợi tóc”.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra 3 loại giặc phải đối mặt lúc bấy giờ là giặc đói, giặc ngoại xâm và giặc dốt. Trong 3 loại giặc này thì giặc nào cũng nguy hiểm, đòi hỏi dân tộc ta cũng phải chiến thắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” nên ngày 8/9/1945 Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ.

Hồ Chủ tịch trực tiếp khai mạc lớp tập huấn cán bộ bình dân học vụ đầu tiên và các lớp như vậy tiếp tục được lan toả từ trên xuống dưới, đến khắp mọi địa phương miền Bắc nước ta. Phương pháp vận động cách mạng là “của dân, do dân, vì dân”.

Các “lớp học i, tờ” (hai chữ trong bài đầu tiên) mở ra từ thành thị đến thôn quê, rừng núi. Giáo viên đủ các giới và độ tuổi. Không có lương bổng, họ vẫn vừa dạy học, vừa cổ động học viên, xây dựng trường, tìm kiếm học phẩm… Với rất nhiều cách làm, cách tuyên truyền vô cùng sáng tạo và hiệu quả (ví dụ ở một số nơi, trạm kiểm soát chữ được lập ra, ai muốn qua phải đọc được chữ, còn không thì được mời vào lớp bên cạnh để giáo viên dạy học thử; hoặc những bài đồng dao dễ nhớ, dễ thuộc: “i, t (tờ), có móc cả hai/i ngắn có chấm, t (tờ) dài có ngang/e, ê, l (lờ) cũng một loài/ê đội nón chóp, l (lờ) dài thân hơn/o tròn như quả trứng gà/ô thì đội mũ, ơ là thêm râu/o, a hai chữ khác nhau/vì a có cái móc câu bên mình/”)...

Với cách học giản đơn như vậy nhưng hiệu quả thì vô cùng lớn lao. Chỉ sau 1 năm, phong trào Bình dân học vụ đã tổ chức được 75.000 lớp học với trên 95.000 giáo viên và đã có trên 2.500.000 người dân biết đọc, biết viết. Tới năm 1948, có 6 triệu người đã thoát nạn mù chữ. Đến năm 1952 là 10 triệu người, chiến dịch xoá nạn mù chữ cơ bản được hoàn thành.

Phong trào Bình dân học vụ đã được lan tỏa rộng khắp và tạo nên những hiệu quả vượt mong đợi của mọi người. Dân trí được nâng lên, lòng dân, ý Đảng thống nhất cùng nhau xây dựng Nhà nước mới, tiến lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến tới thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975, đưa non sông về một mối.

Đó cũng là lý tưởng, khát vọng suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cả đời tôi, tôi chỉ có một ham muốn tột bậc, dân tộc tôi được độc lập, đồng bào tôi ai cũng có cơm no, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là khát vọng chung của dân tộc, nhưng sự may mắn là dân tộc ta đã có một Đảng lãnh đạo sáng suốt, một vị lãnh tụ kiệt xuất.

Chính sự vĩ đại, cách thu phục hiền tài, cách dụng nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác động sâu rộng đến những nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước, họ đã đem trí tuệ của mình cống hiến cho Nhà nước ngay từ nhưng buổi đầu độc lập.

Đặc biệt, sự trọng dụng Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên - một nhà giáo dục vô cùng xuất sắc, ông đã đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) từ tháng 11 năm 1946 cho đến khi mất vào năm 1975.

Ngoài ra, có rất nhiều nhân sĩ, trí thức từ nước ngoài đã cùng trở về với Chủ tịch Hồ Chí Minh sau chuyến sang Pháp của Người vào năm 1946. Trong đó, phải kế đến những trí thức tiêu biểu như: kĩ sư Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, nhà giáo Phạm Huy Thông, nhà triết học Trần Đức Thảo, bác sĩ Đặng Văn Ngữ… Họ đã trở về Việt Nam với Bác, với chiến khu Việt Bắc sống cuộc đời kham khổ, vất vả một cách tự nguyện và cống hiến đầy trách nhiệm. Họ trở thành những nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam.

Gần 77 năm kể từ ngày thành lập, phát động phong trào Bình dân học vụ, có thể thấy sự đúng đắn và tầm nhìn chiến lược của Bác, của Chính phủ lúc bấy giờ. Bác cùng với Đảng luôn hiểu đất nước muốn phát triển phải thúc đẩy sự tiến bộ của giáo dục, cậy nhờ vào giới trẻ và tri thức…

Người dân là trung tâm của chuyển đổi số

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định, chuyển đổi số là động lực phát triển kinh tế; khát vọng phát triển, khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên thành nước phát triển có thu nhập cao.

Theo đó, Việt Nam xác định chuyển đổi số toàn diện dựa trên ba trụ cột chính là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Trong đó, Chính phủ số để phục vụ người dân tốt hơn. Kinh tế số giúp người dân giàu hơn. Xã hội số khiến người dân hạnh phúc hơn.

Hệ thống một cửa điện tử từng bước tích hợp dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia. (Ảnh minh họa)

Hệ thống một cửa điện tử từng bước tích hợp dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

(Ảnh minh họa)

Ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chuyển đổi số năm 2021 đã bước đầu đạt được một số kết quả. Đặc biệt, nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân đã được nâng cao.

Hai năm qua, dịch COVID-19 là một yếu tố bất ngờ thúc đẩy cải cách hành chính của Việt Nam có bước tiến mới. Gần 3.000 dịch vụ công được tích hợp trên hệ thống này đã tạo ra một sự thay đổi chưa từng có so với trước đó. Sau khi trục liên thông văn bản quốc gia và cổng dịch vụ công quốc gia đi vào vận hành hơn một năm qua đã góp phần tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng và hàng chục triệu giờ công lao động. Đặc biệt, nhiều địa phương trên toàn quốc đã có bước tiến mạnh mẽ trong việc tích hợp các dịch vụ công tại địa phương lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời mạnh dạn thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực thế mạnh của địa phương.

Năm 2021, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh nhưng số lượng doanh nghiệp và doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10%. Năm 2021, xuất hiện nhiều hơn các sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu, hướng vào giải các bài toán Việt Nam. Nhiều sản phẩm số “Made in Việt Nam” đã đi ra nước ngoài và thứ hạng về công nghệ số của Việt Nam được cải thiện.

Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính là hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển hạ tầng số và phát triển một số nền tảng số quan trọng. Ông Đỗ Công Anh cho biết, đây là điều kiện tiên quyết cho mọi hoạt động của chuyển đổi số, là điều kiện để hình thành công dân số. Phải để công dân sinh sống và hoạt động trên môi trường số thì mới hình thành được thị trường số. Khi hình thành thị trường số thì kinh tế số mới có điều kiện phát triển.

Đồng thời, phổ cập được danh tính số là yêu cầu bắt buộc trong xã hội số. Người dân cần dễ dàng chứng minh được danh tính thật trên môi trường số, sử dụng trong các dịch vụ số một cách trọn vẹn, không cần hiện diện trực tiếp. Trong môi trường số, phổ cập an toàn an ninh mạng là yếu tố then chốt để bảo vệ người dân. Mỗi người dân cần được trang bị phần mềm, có kỹ năng cơ bản để bảo vệ mình khi sinh sống, hoạt động trên môi trường mạng.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định 34 nền tảng số. Trong đó đặc biệt chú trọng một số nền tảng như nền tảng về hồ sơ sức khỏe điện tử, được xem như một y bạ điện tử của mỗi người dân gắn với người dân từ khi sinh ra đến khi mất đi và thay thế cho y bạ giấy đang lưu hành. Bên cạnh đó là nền tảng về hóa đơn điện tử, học trực tuyến mở, giao diện thanh toán hợp nhất, nền tảng về thương mại điện tử, dữ liệu số, nông nghiệp, nền tảng tổng hợp phân tích dữ liệu, cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, cơ sở hệ thống báo cáo quốc gia. Khi chuyển đổi số thành công, người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và là đối tượng chính được hưởng lợi nhiều nhất, rõ ràng nhất, trực tiếp nhất từ sự thay đổi này.

Như vậy, với dân số 96 triệu người và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực, dân số trẻ năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, các chuyên gia đánh giá Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số. Đây là những cơ hội mạnh mẽ để các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra sự đột phá trên thị trường nhờ vào chuyển đổi số…

Xóa mù số hiện nay quan trọng như xóa mù chữ trước kia

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra 6 nội dung trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới gồm: xây dựng, nâng cao nhận thức về Chuyển đổi số; xây dựng, hoàn thiện thể chế về Chuyển đổi số; phát triển doanh nghiệp công nghệ số; phát triển nguồn nhân lực số; đổi mới sáng tạo số; phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu.

GS Phạm Tất Dong, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, một trong những bài học đắt giá của Bình dân học vụ đó là, giáo dục và các mục tiêu học tập cụ thể luôn cần gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Thực tế, so với những ngày đầu cách mạng Việt Nam chống giặt dốt, xóa mù chữ cơ bản thì hiện nay người dân vẫn phải xóa mù chức năng, gọi khái quát là “xóa mù số”. Chuyển đổi số gắn liền với mọi lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội đến văn hóa, giao thông... Xóa mù số hiện nay quan trọng như xóa mù chữ trước kia.

Còn ông Nguyễn Thìn Xuân, Chủ tịch Câu lạc bộ UNESCO, chiến sĩ diệt dốt Nguyễn Văn Tố, cho rằng tại mỗi giai đoạn, Nhà nước sẽ có chính sách phát triển giáo dục khác nhau, chẳng hạn năm 2005 có kế hoạch xây dựng Việt Nam trở thành một xã hội học tập, năm 2020 có Nghị quyết đẩy mạnh chương trình Chuyển đổi số quốc gia... Công cuộc xóa mù chữ không phải đã kết thúc mà mỗi giai đoạn sẽ gắn với mục tiêu phát triển riêng.

Đọc thêm