Bắt máy bóp bóng thay người
Công việc chính của ông Hồ Tăng Hoạt (SN 1961, ngụ số 77/14, đường Trần Quang Diệu, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là quản lí quán nét hơn chục máy, nhưng trên bàn còn la liệt các linh kiện điện tử.
Ông cười: “Thời gian trông coi quán nét cũng rảnh nên tôi kiêm luôn sửa chữa điện tử. Sẵn tiện vừa nghiên cứu học hỏi được về vi mạch, linh kiện điện tử, áp dụng cho chế tạo máy móc”.
Sinh ra và lớn và học tập tại Huế, ông Hoạt vốn học chuyên ngành Nông Nghiệp. Nhưng một vài lần tiếp xúc với các linh kiện trong một chiếc vô tuyến cũ, ông “mê” những chi tiết máy, rồi mày mò học thêm điện tử.
Nói đến cơ duyên nảy ý tưởng sáng chế máy trợ thở cho người bệnh, ông cho biết có vài lần người thân trong gia đình bị tai nạn, chấn thương sọ não hay đột quỵ, phải điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
“Kỹ sư” Hoạt bên thiết bị máy trợ thở cá nhân do mình sáng chế. |
Tại đây, ông chứng kiến nhiều trường hợp, sau khi được cấp cứu, được đưa ra từ phòng hồi sức tích cực,người bệnh vẫn còn mê man, thở khó nhọc. Lúc này, người nhà được bệnh viện cấp cho một bóng khí trợ thở. Cứ thế người nhà thay phiên nhau, bóp bóng trợ thở cho người bệnh 24/24h. Việc bóp bóng trợ thở phải nhịp nhàng liên tục, người chăm bệnh rất khổ sở, rã rời tay chân.
Cũng từ thực tế này, trong bệnh viện còn xuất hiện những người chuyên đi bóp bóng trợ thở thuê với giá 100 ngàn đồng/ tiếng, cả triệu bạc mỗi ngày.
Ý tưởng sáng chế ra chiếc máy trợ thở cá nhân thay thế sức người thôi thúc trong ông. Đầu năm 2011, ông bắt tay hiện thực hoá ý tưởng. Kinh nghiệm sẵn có, ông vẽ những phác thảo về kết cấu máy, các bộ phận chi tiết, viết chương trình phần mềm lập trình, hàn xì cắt chi tiết máy.
Tìm hiểu trên internet, được biết chưa có dòng sản phẩm tương tự, ông càng khó khăn hơn khi không có tài liệu hay mô hình tham khảo nào.
Sáng kiến giúp dân nghèo
Máy trợ thở là một dạng thiết bị y tế nên đòi hỏi độ chính xác rất cao. Ngoài những chi tiết máy phải chính xác đến từng milimet, chương trình cho vi xử lí cực kì quan trọng. Để tạo ra nhịp độ đều đặn bóp bóng khí, ông mất một thời gian khá dài viết chương trình phần mềm.
Dựa vào thông tin ông thu thập thì một người có khoảng từ 10-20 lần hít vào, thở ra trong một phút tùy thể trạng mỗi người. Ông Hoạt tính toán, trung bình con người sẽ có khoảng 2 giây hít vào, 2 giây thở ra và ông đã thiết kế nhịp bóp bóng theo thông số đó.
Chiếc máy còn có nút điều chỉnh số nhịp thở/phút, nút điều chỉnh thể tích thông khí, tốc độ bóp bóng (chậm - nhanh) sao cho phù hợp với từng người và có chuông báo động cho biết khi bị mất điện. Máy có thể dùng 2 nguồn điện AC (nguồn điện cố định tại chỗ) và DC (dùng ắc quy khi di chuyển) nên rất tiện lợi.
Phiên bản đầu tiên vào năm 2011, ông đem dự thi Hội thi sáng chế kĩ thuật cấp tỉnh, đoạt giải ba. Có thêm động lực khuyến khích, sáng chế có tiềm năng lớn trong thực tế, ông lao vào nghiên cứu, cải tiến thêm.
Trải qua hàng chục lần thay đổi kết cấu, điều chỉnh chi tiết máy, đến nay phiên bản thứ mười đã được ông chạy thử. Theo ông, phiên bản hiện đã hoàn chỉnh, có thể ứng dụng thực tế, được người nhà bệnh nhân đánh giá cao, có thể điều chỉnh được nhịp thở, thể tích không khí vào ra bằng nút điều chỉnh linh hoạt.
Hiện ông đã đăng kí sáng chế máy trợ thở cá nhân do mình chế tạo, đang đợi Cục Sở hữu trí tuệ duyệt, cấp bằng sáng chế. Dù máy đã được chạy thử với bệnh nhân, nhưng để sản phẩm được ứng dụng đại trà trong bệnh viện, thì cần phải được sự thẩm định và cho phép của Bộ Y tế.
Ông hồ hởi, hàng chục máy đã được cho mượn miễn phí cho nhiều người trên khắp các tỉnh thành. “Ai liên hệ, tôi sẵn sàng bỏ tiền gửi máy cho người ta sử dụng. Nhưng tôi cũng nhắn họ, khi nào dùng xong thì gửi máy lại để tôi cho người khác có nhu cầu mượn”, ông cho biết.
Ông Hoạt cũng ấp ủ ý định sẽ thương mại hoá các sản phẩm do mình chế tạo ra. Sau khi được cấp bằng sáng chế, ông mong muốn ngành y tế cho phép thiết bị máy trợ thở cá nhân này được sử dụng rộng rãi trong hệ thống bệnh viện.
Nói đến giá thành sản phẩm nếu bán trên thị trường, ông cho hay chưa định giá cụ thể, nhưng máy này làm ra để hướng tới người nghèo nên giá thành sẽ rất thấp, ước chừng vài triệu.
Vừa qua, được mời ra Hà Nội tham dự buổi gặp mặt của Thủ tướng đối với các nhà khoa học không chuyên, ông tâm sự đó là một sự ghi nhận, giúp ông có thêm động lực cho những nghiên cứu sau này.