Tự chủ tài chính đối với trường đại học công lập: Coi chừng lạm thu!

(PLVN) - Bị áp lực tăng thu do ngân sách nhà nước (NSNN) cấp kinh phí giảm dẫn đến một số Trường đại học công lập có tình trạng thu vượt, thu sai quy định, lạm thu các khoản thu ngoài quy định về thu học phí tại Nghị định  86/2015/NĐ-CP. Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) cho thấy tại một số trường đại học công lập số thu học phí vượt quy định là hơn 14,5 tỷ đồng...
5/7 cơ sở giáo dục được kiểm toán trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội thu ngoài quy định của Nghị định 86/2015/NĐ-CP
5/7 cơ sở giáo dục được kiểm toán trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội thu ngoài quy định của Nghị định 86/2015/NĐ-CP

Đó là những nội dung được đề cập tại Hội thảo “Cơ chế tự chủ đối với các Trường đại học công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò của KTNN” do KTNN tổ chức ngày hôm qua, 19/3.

Vẫn là nhận thức

Sau 4 năm thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ, đến nay cả nước có 23 cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) chính thức được trao thí điểm cơ chế tự chủ. 

Theo đại diện Trường Đại học Luật TP HCM, do là cơ chế mới mang tính thí điểm nên khung pháp lý về tổ chức và hoạt động các trường tự chủ vô cùng ít ỏi và chung chung. Nhiều nội dung quan trọng cấu thành nên cơ chế tự chủ quy định trong Luật Giáo dục đại học 2012 và Nghị quyết 77/NQ-CP khó có thể triển khai trong thực tiễn do các quy định này trái hoặc không tương thích các quy định pháp luật chuyên ngành như pháp luật NSNN, phí và lệ phí, pháp luật về đầu tư công và đấu thầu, pháp luật về đất đai, pháp luật về tài chính kế toán, kiểm toán, pháp luật về viên chức…

Theo vị đại diện này tự chủ đại học trong thực tế bị hiểu lệch về mục tiêu và bản chất. Hệ lụy từ cách hiểu này sẽ là cắt giảm ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học, khởi động cuộc đua tăng học phí để tăng nguồn thu, sử dụng mọi chiêu “đánh bóng” thương hiệu, cung cấp thông tin không trung thực và cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường. Ngoài ra khi tuyệt đối hóa quan hệ “tiền- quyền” trong nội bộ CSGDĐH tất yếu sẽ phát sinh tình trạng thâu tóm và lạm quyền, vi phạm nguyên tắc dân chủ, tích tụ nguy cơ tụt hậu CSGDĐH đó nói riêng và cả hệ thống giáo dục đại học nói chung…

Tăng thu, bỏ quên quỹ học bổng

Việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học công lập theo TS Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành 3, đã giúp các trường huy động được nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư, hiện đại hoá cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các trường chưa được chủ động trong việc quyết định mức thu học phí mà còn phụ thuộc vào các quy định mức trần học phí của Nghị định của Chính phủ. 

Bên cạnh đó các trường đại học công lập thực hiện tự chủ tài chính bị áp lực tăng thu dẫn đến một số trường đại học công lập còn tình trạng thu vượt, thu sai quy định, lạm thu các khoản thu ngoài quy định. Một số trường còn dựa vào lợi thế ngành để tăng học phí và tăng chỉ tiêu tuyển sinh mà chưa chú trọng đúng mức đến nâng cao chất lượng đào tạo.

Số liệu kiểm toán tại một số trường đại học công lập của KTNN  cho thấy số thu học phí vượt quy định, thu học lại, thu cải thiện điểm, thu tiền nhập học, làm thẻ, tài liệu cho sinh viên, thu tiền cấp chứng chỉ quốc phóng an ninh ngoài quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP là 14.567,6 triệu đồng (trong đó tại 5/7 cơ sở giáo dục được kiểm toán trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội  là 702,6 triệu đồng; tại 5/9 cơ sở giáo dục đại học được kiểm toán thuộc Đại học quốc gia TP HCM là 4.479 triệu đồng; tại 5/13 đơn vị được kiểm toán thuộc Bộ GD&ĐT là  9.386 triệu đồng). 

Theo đại diện KTNN, nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng với các khoản thu dịch vụ trên trong khi nhu cầu có thật. Một thực tế được KTNN chỉ ra là các CSGDĐH thực hiện tăng thu dịch vụ đào tạo theo lộ̂ trình đồng nghĩa với việc gia tăng gánh nặng đóng học phí lên người học. Tuy nhiên, Nhà nước chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc các CSGDĐH này phải duy trì và nâng cao năng lực của quỹ học bổng.

Thực tế cho thấy  hầu hết các trường đại học công lập không chú trọng việc tạo lập quỹ học bổng, chưa có chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo hiếu học, dẫn tới tình trạng người nghèo hiếu học nhưng không được học do mức học phí cao. Số liệu kiểm toán cho thấy một số đơn vị chi quỹ học bổng chưa đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 8% quy định. tổng số học bổng chi thiếu 42,6 tỷ đồng tại 8/12 trường đại học công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT được kiểm toán năm 2017.

Theo đại diện KTNN, câu chuyện tự chủ ở đây là phải giải quyết bài toán toàn diện. “Nếu chỉ nhăm nhăm phát triển nguồn thu thì không cẩn thận sẽ đẩy gánh nặng sang người dân. Khi kiểm toán chúng tôi phát hiện bất cập này. Lâu nay các trường dùng ngân sách thì học phí thấp, khi tự chủ ta nâng học phí lên, tức là người học đóng cao hơn, gánh nặng vào người học…”- TS Thăng phát biểu và lưu ý tự chủ còn có nghĩa là cơ cấu lại chi ngân sách, đảm bảo một mặt các trường tự chủ nhưng vẫn đảm bảo an sinh xã hội, phải tách bạch giá dịch vụ và tài trợ của Nhà nước. “Đó là vấn đề lớn cần thời gian và góp công của cả hệ thống chính trị…”- Đại diện KTNN khẳng định.

Đọc thêm