Từ “địa ngục trần gian”, 50 năm “Chiến thắng trở về”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 50 năm đã trôi qua (1973 - 2023), Trại giam Phú Quốc mãi là dấu tích bi tráng của gần 40.000 chiến sĩ cộng sản yêu nước Việt Nam.
 Đại tướng Lương Cường trao quà tặng các cựu tù binh Trại giam Phú Quốc.
Đại tướng Lương Cường trao quà tặng các cựu tù binh Trại giam Phú Quốc.

Ngày trở về từ “địa ngục trần gian” của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại trại giam, nhà tù đế quốc sau khi Hiệp định Paris được ký kết đã trở thành sự kiện quan trọng không thể phai mờ trong ký ức của hàng nghìn chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, giam cầm.

Dấu tích bi tráng của các chiến sĩ cộng sản yêu nước

Cách đây 50 năm, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2023) được ký kết. Thắng lợi của Hiệp định Paris là chiến thắng vẻ vang của sức mạnh tổng hợp cả về quân sự, chính trị và ngoại giao dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng.

Theo Hiệp định, trong 60 ngày, hai phía tiến hành trao trả tù binh kể từ ngày hiệp định được ký kết. Thắng lợi của Hiệp định mang đến niềm vui, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam nói chung, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày nói riêng, những người không tiếc máu xương kiên trì, bền bỉ, anh dũng đấu tranh và đã chiến thắng. Để từ đây, chiến sĩ cách mạng lại được về với tổ chức, với cách mạng, với đồng đội, với nhân dân trong tâm thế của người chiến thắng.

Sáng qua (26/3), tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc (TP Phú Quốc) Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với Ban Liên lạc toàn quốc chiến sỹ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về”. Trước đó, nhiều tỉnh, thành đã tổ chức kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về”.

Trại giam Phú Quốc do thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai lập nên để giam cầm những chiến sĩ, cán bộ và đồng bào ta. Đây lại là Trại giam lớn nhất miền Nam có diện tích 400 héc ta, với gần 500 ngôi nhà, chia thành 12 khu (mỗi khu có 2 phân khu) và 10 khu (mỗi khu có 4 phân khu gọi tên theo thứ tự A, B, C, D). Mỗi khu trại có thể chứa khoảng 3.000 tù nhân. Xung quanh mỗi phân khu là 4 vọng gác canh giữ 24/24 giờ và 10 vọng gác lưu động. Trại được bao bọc bởi gần 10 lớp kẽm gai chằng chịt.

Tồn tại từ tháng 6/1967 đến tháng 3/1973, Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc đã giam giữ hơn 40.000 lượt chiến sĩ cách mạng. Trong hồ sơ của Trại giam Phú Quốc, hiện còn lưu trữ 24 ngón đòn tàn khốc mà tương truyền, các viên cai ngục đã đúc kết, lưu truyền và thực hành trong suốt mấy chục năm.

Những ngón đòn mà chỉ điểm tên thôi, nhiều người đã rùng mình: dùng chày vồ đập nát vụn mắt cá chân, dùng dùi đục đục từng miếng xương bánh chè, dùng ván gỗ chắc nịch và đinh vít ép vỡ lồng ngực, tẩm dầu đốt cháy dương vật. Rồi bẻ răng, luộc người trong chảo nước sôi hay nướng người trên lửa than rực hồng… Đặc biệt, trong hơn 6 năm, có 4.000 tù binh là chiến sĩ cách mạng, đồng bào, đồng chí của ta bị địch giết hại.

Không khuất phục trước những đòn tra tấn tàn bạo, những thủ đoạn chiến tranh tâm lý nham hiểm, các chiến sĩ cách mạng luôn giữ vững ý chí; biến nhà tù thành trường học, thành lập các tổ chức Đảng, đoàn, hội đồng hương, tổ chức các hoạt động văn nghệ, giáo dục đạo đức cách mạng ngay trong chính trại giam; tập thể dục, làm thơ, học Di chúc của Bác; tổ chức vượt ngục bằng nhiều hình thức, trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ địch.

Khí phách ngày chiến thắng trở về

Đã có rất nhiều cuộc vượt ngục bằng cách đào hầm được những người tù thực hiện chỉ với những dụng cụ hằng ngày như ca cà mèn, thìa, cọc sắt…, trong đó phải kể đến cuộc vượt ngục sau 6 tháng ròng rã đào, hình thành đường hầm dài 120m, rộng 60cm, đưa 21 chiến sĩ cách mạng thoát ngục vào sáng 21/1/1969.

Đêm 23/12/1971, có 41 tù binh thoát khỏi hầm dài hơn 80m do tù binh đào, vượt ngục thành công. Người ta nói, đây là cuộc vượt ngục bằng đường hầm ly kỳ như huyền thoại, hiếm có trên thế giới.

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc.

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Trại giam Phú Quốc xúc động ôn lại về một thời hào hùng, về khí phách kiên trung, bất khuất của chiến sĩ cách mạng và người yêu nước bị địch bắt tù đày.

Sau khi xuống máy bay C130, lại lên xe GMC đi tiếp đến điểm trao trả tại bờ Nam sông Thạch Hãn. Sau khi kiểm quân số, với sự chứng kiến của Phái đoàn Quân sự bốn bên và Ủy ban quốc tế, chúng tôi được lệnh xuống canô về bờ Bắc.

Nhìn về phía đồng đội, đồng bào đang chờ đón bên bờ Bắc, không ai bảo ai, tất cả anh em chúng tôi đều cởi bỏ quần áo nâu có in hai chữ TB (tù binh), ném lên bờ trả lại cho địch, mỗi người chỉ còn mặc chiếc quần cộc, vội vàng nhảy lên canô.

Một số đoàn còn giương cao lá cờ Mặt trận, giương cao khẩu hiệu: “Hồ Chủ tịch muôn năm” mà anh em tốn nhiều công sức cất giấu mới đem về được đến đây. Khi chiếc canô mới chạy quá nửa dòng sông Thạch Hãn, chúng tôi đã nhảy xuống nước bơi vào bờ.

Trên bờ Bắc, một rừng cờ đỏ sao vàng của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, khẩu hiệu treo cao chữ vàng: “Nhiệt liệt chào mừng những người con chiến thắng trở về”.

Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử quốc gia năm 1993 và là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt năm 2014.

Di tích còn bảo tồn được 6 điểm di tích gốc gồm nghĩa trang tù binh, cổng Tiểu đoàn 7 và 8 quân cảnh, khu B2, khu nhà bộ chỉ huy trại giam, nhà thờ Kiến Văn và 1 điểm di tích tôn tạo tượng đài Đồi Sim.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về”, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh, Lễ kỷ niệm “50 năm chiến thắng trở về” của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày hôm nay như một lời nhắc nhở chúng ta về truyền thống yêu nước, về lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm phải sống, lao động, học tập, bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước.

Đọc thêm