Tự hào “bác sĩ của pháp luật”

(PLVN) - Cũng là bác sĩ, nhưng những bác sỹ pháp y ngày đêm thầm lặng, miệt mài đi tìm công lý để phục vụ cho công tác điều tra phá án dường như ít được nhắc tới. Đây là một “nghề đặc biệt” mà mỗi người khi lựa chọn đều cần cả sự kiên định lẫn niềm đam mê.
Hoạt động giám định tại Trung tâm Pháp y Hà Nội.
Hoạt động giám định tại Trung tâm Pháp y Hà Nội.

Vượt khó để yêu nghề

Giám định pháp y là một ngành khoa học, sử dụng những thành tựu khoa học trong lĩnh vực y học, sinh học, hoá học, vật lý học... để đáp ứng những yêu cầu của pháp luật trong hoạt động tố tụng thông qua công tác giám định khi được các cơ quan trưng cầu. Trên thế giới, giám định pháp y đã có lịch sử hình thành và phát triển rất lâu dài.

Tại Việt Nam, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố độc lập vào ngày 2/9/1045, Nhà nước ta đã có Sắc lệnh về công tác y pháp (Điều 1 Sắc lệnh số 68/SL ngày 30/11/1945 và Điều 5 Sắc lệnh 162/SL ngày 25/6/1946). Ngày 12/12/1956, liên Bộ Tư pháp và Y tế đã ra Thông tư 2795/HC-TP quy định một số điểm cụ thể trong công tác giám định y pháp. Thông tư này đã trở thành nền móng cho một loạt các văn bản pháp luật về sau điều chỉnh hoạt động giám định tư pháp nói chung và giám định pháp y nói riêng. Từ năm 2015, ngày 12/12 được Hội Pháp y học Việt Nam lựa chọn là ngày truyền thống giới pháp y.

Tuy vậy, vì những đặc thù của nghề nghiệp như hoạt động đặc trưng là khám nghiệm tử thi và các chuyên ngành chuyên sâu như giám định thương tích trên người sống, độc chất... nên nghề giám định pháp y khá kén người và luôn gặp khó khăn trong công tác phát triển nhân sự. Gần đây, vào tháng 4/2023, tại Hội nghị triển khai công tác pháp y, pháp y tâm thần, điều trị bắt buộc chữa bệnh năm 2023 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì, nhiều Trung tâm Pháp y tại các địa phương đã nêu các khó khăn chung là môi trường vất vả, nhiều áp lực, mức chi bồi dưỡng cho giám định viên chỉ có tính khích lệ, chưa tương xứng với sự lao tâm vì công việc, dẫn tới chưa thu hút được cán bộ, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, giám định viên pháp y. Vì thế, trên cả nước, không ít số Trung tâm pháp y được thành lập nhưng cán bộ vẫn còn kiêm nhiệm hoặc từ các cơ sở y tế chuyên ngành khác chuyển sang, ít có kinh nghiệm về lĩnh vực này, ít nhiều có ảnh hưởng đến chất lượng công tác.

Nhiều năm làm việc với các bác sĩ/giám định viên pháp y, phóng viên không thể quên những câu chuyện, những tâm sự của họ về chuyện nghề, chuyện đời. Có những bác sĩ/giám định viên đã phải đối mặt với sự tan vỡ gia đình khi người bạn đời không thể vượt qua định kiến xã hội để thông cảm với nghề nghiệp của chồng/vợ, hoặc không chịu được cảnh khổ của nghề “mang tiếng là bác sĩ mà lại không thể kiếm tiền” này.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - Giám đốc Trung tâm Pháp y Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - Giám đốc Trung tâm Pháp y Hà Nội.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Anh Tuấn đã có thâm niên công tác tại Phân viện Giám định Pháp y quốc gia tại TP HCM cũng từng tâm sự về ấn tượng lần đầu tham gia mổ tử thi “đáng sợ” đến mức anh lập tức có ý định bỏ nghề, quay về làm bác sỹ điều trị như trước kia. Nhưng rồi, vượt qua được cái khó ban đầu, tham gia nhiều vụ giám định khó khăn, phức tạp, anh dần thấy “quen”.

“Điều quan trọng nhất là sau mỗi một vụ án, thấy được kết quả giám định của mình đem lại những ánh sáng cho vụ án, giúp cơ quan trưng cầu có hướng điều tra tốt hơn. Những giá trị vô hình đó của kết quả giám định đã dần neo mình lại với nghề. Để rồi, càng làm càng thấy nghề của mình tuy hơi đáng sợ với người đời, nhưng lại chứa đựng nhiều khía cạnh thú vị, có thể học hỏi ngày càng nhiều và quan trọng hơn cả là nhận thức rằng, đây là một nghề mang nhiều ý nghĩa, có thể nói là giải oan cho nhiều người, không kém gì chữa bệnh, cứu người…”, theo bác sĩ Tuấn.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”

Đây không chỉ là một câu hát mà còn là tâm sự của rất nhiều bác sĩ pháp y trẻ đã và đang lựa chọn theo đuổi nghề nghiệp đòi hỏi nhiều sự hy sinh hạnh phúc cá nhân này. Cũng như những thế hệ đi trước, các bác sĩ pháp y trẻ đến với nghề từ rất nhiều nẻo đường và chọn ở lại với sự kiên định lẫn niềm đam mê để phụng sự công lý.

Bác sĩ Đào Công Giang (sinh năm 1994) công tác tại Khoa Giám định tổng hợp, Trung tâm Pháp y Hà Nội cho biết, ngay từ nhỏ anh đã thích theo nghề qua những câu chuyện của người cha là bác sĩ/giám định viên pháp y tại Trung tâm Pháp y tỉnh Tuyên Quang. Tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên năm 2019, sau một thời gian công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, Giang quyết định đầu quân về Trung tâm Pháp y Hà Nội để thực hiện giấc mơ ngày nhỏ.

“Khi tôi về đây, bố ủng hộ, nhưng mẹ thì kiên quyết phản đối vì bà quá hiểu công việc pháp y vất vả như thế nào, ảnh hưởng đến gia đình ra sao. Theo nghề, tôi càng hiểu vì sao mẹ mình lại phản đối, bởi đã có những lúc bận theo cơ quan điều tra làm việc tôi đành để vợ một mình giải quyết công việc gia đình. So với thời của bố tôi, thì hiện nay, sự đãi ngộ nghề nghiệp đã hơn rất nhiều, nhưng nếu so với áp lực và đòi hỏi của công việc thì vẫn còn khiêm tốn lắm. Nhưng cứ nghĩ đến việc mình đã góp phần trả lại sự công bằng cho nạn nhân, công lý sáng tỏ, lại thấy vui và tự hào”, Giang cho biết.

Cũng như bác sĩ Đào Công Giang, bác sĩ Nguyễn Văn Tú (sinh năm 1997) đã có vài năm công tác tại Trung tâm Pháp y Hà Nội với công việc chuyên môn là giám định thương tích và giám định xâm hại tình dục. Tú kể, sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y, ban đầu Tú đến với nghề giám định pháp y như một sự tò mò thử xem mình có phù hợp hay không. “Thế rồi, tôi đã mê nghề từ lúc nào không biết. Còn nhớ, lần đầu tiên tiếp xúc với tử thi tôi cũng sợ, nhưng khi xác định được tư tưởng mình đang làm vì mục đích gì thì đã vượt qua được cảm xúc tiêu cực đó. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ nghề, dù rằng hiện đang rất ngần ngại chuyện có người yêu, vì sợ không tìm được người cảm thông với công việc mình đang làm”, bác sĩ Tú chia sẻ.

Tập thể cán bộ công nhân viên Trung tâm Pháp y Hà Nội.

Tập thể cán bộ công nhân viên Trung tâm Pháp y Hà Nội.

Còn nữ bác sĩ pháp y Nguyễn Thị Ánh, 26 tuổi, với vóc dáng nhỏ nhắn, giọng nói nhẹ nhàng, Ánh chưa từng có giây phút nào chùn chân, sờn lòng trong công việc “bác sĩ của pháp luật” này. Ánh kể, cô được gia đình ủng hộ nhưng bạn bè có người lại xa lánh vì họ sợ “nghề mổ xác nặng vía”. “Cũng buồn nhưng biết sao, mỗi người một lựa chọn cuộc đời mà. Tôi không thấy ân hận vì đã theo nghề này, gần đây nhất tôi cùng đồng nghiệp đã góp phần vạch mặt kẻ xấu, trả lại công bằng cho 3 em nhỏ người dân tộc bị lạm dụng tình dục. Điều đó động viên tôi rất nhiều để tiếp tục làm công việc này”, bác sĩ Ánh tâm sự.

Sau những giờ làm việc căng thẳng, sau những dặm đường trèo đèo, lội suối, băng rừng, vượt biển tìm đến các tử thi, “nói giùm” nỗi niềm của người đã khuất, những bác sĩ/giám định viên pháp y lại trở về với cuộc sống thường nhật của mình. Và họ luôn biết ơn những người bạn đời, hậu phương đã thấu hiểu, hỗ trợ. Là cây đa, cây đề của ngành pháp y Việt Nam, PGS. TS Trần Văn Liễu - nguyên Viện trưởng Viện Y học Tư pháp Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Pháp y học Việt Nam từng bộc bạch: “Nếu không có sự cảm thông, chia sẻ của hậu phương, chúng tôi không thể toàn tâm, toàn ý tập trung vào nhiệm vụ. Gia đình đối với chúng tôi là chỗ dựa tinh thần quan trọng. Sự thông cảm, chia sẻ của bạn đời ấy là động lực để chúng tôi tiếp tục công tác”.

Mong “bài toán” nhân lực sớm có lời giải

Như nhiều cơ quan giám định pháp y khác trên cả nước, Trung tâm Pháp y Hà Nội cũng đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân sự. Theo Giám đốc Trung tâm Pháp y Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Yến, hiện Trung tâm có 15 bác sĩ với rất nhiều đầu việc như: giám định pháp y thương tích; xác định nguyên nhân gây tử vong; giám định pháp y tình dục; giám định ADN; giám định hóa pháp, độc chất; khám sức khỏe tiền hôn nhân... Với nguồn nhân lực này, khi ngành pháp y ngày càng phát triển thì sẽ thiếu rất nhiều.

“Lâu nay, nhân lực pháp y luôn là câu chuyện khiến những người trong nghề lo lắng. Thời gian gần đây, nhờ sự quan tâm các nhiều cấp, ngành, những khó khăn này đã được hóa giải phần nào. Cùng với đó, các chính sách, pháp luật như: Đề án 319 năm 2013 của Chính phủ khuyến khích đào tạo nhân lực y tế các chuyên ngành, trong đó có pháp y; Điều 105 Luật Khám, chữa bệnh năm 2023 có hiệu lực từ 1/1/2024; Nghị định số 97/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định Nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí, chi phí sinh hoạt đối với người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần... là những tín hiệu rất đáng mừng. Tôi rất mong tới đây sẽ có được nhiều sự quan tâm hơn nữa trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như sự thay đổi nhận thức xã hội để các cơ quan giám định có nhiều cơ hội thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn cao về làm công việc “bác sĩ của pháp luật” này” - bà Yến nhấn mạnh.

Được biết, tại Hội nghị triển khai công tác pháp y, pháp y tâm thần, điều trị bắt buộc chữa bệnh năm 2023, sau khi lắng nghe tham luận, ý kiến các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, ngành Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp; bổ sung các chính sách đặc thù thu hút cán bộ làm công tác pháp y, pháp y tâm thần, tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cán bộ về quản lý và chuyên môn nghiệp vụ; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị bảo đảm nâng cao chất lượng giám định...

Đọc thêm