Tự hào gia đình ba đời gắn bó với nghề làm đẹp phố phường

(PLVN) - Tuổi thơ gắn liền với rác, 3 thế hệ trong gia đình và 20 người họ hàng nội ngoại đều là công nhân rác… Bởi vậy, hơn ai hết anh Đinh Duy Đức (35 tuổi, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội) hiểu muôn nỗi đắng ngọt của nghề này. Ban đầu chỉ vì kế mưu sinh nhưng dần dần anh đã yêu và gắn bó với nghề, bởi anh hiểu được giá trị công việc mang lại cho cuộc sống. 
Anh Đinh Duy Đức
Anh Đinh Duy Đức

Cuộc sống mưu sinh từ những đống rác

Anh Đức xuất thân trong gia đình có 3 đời làm công nhân môi trường. Bắt đầu là ông bà nội và bà ngoại, sau đó lần lượt bố mẹ rồi tới bản thân vợ chồng anh Đức cũng trở thành công nhân môi trường, bản thân anh cũng đã có kinh nghiệm 17 năm trong nghề. Hiện nay, họ hàng nội ngoại của anh Đức có tới gần 20 người cùng công tác trong Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội. 

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, cũng như nhiều gia đình khác ở Hà Nội, cuộc sống của anh Đức cùng bố mẹ cũng không thoát khỏi cảnh đói nghèo. Thời điểm đó chỉ có bố anh là công nhân gom rác và là lao động chính trong gia đình. Mẹ anh sức khỏe yếu nhưng vì cuộc sống mưu sinh, hàng ngày bà vẫn phải đi nhặt rác tại B10 Kim Liên. Khi đó, mẹ anh còn kiêm luôn công việc xúc rác từ điểm tập kết lên container để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. 

"Sao lại xấu hổ, mình còn phải tự hào vì mình lao động chân chính” -anh Đức chia sẻ
"Sao lại xấu hổ, mình còn phải tự hào vì mình lao động chân chính” -anh Đức chia sẻ

Thương mẹ, biết hoàn cảnh gia đình, ngay từ năm lớp 4, anh Đức đã đi phụ mẹ xúc rác. Trung bình mỗi ngày hai mẹ con anh xúc được 6 – 7 xe rác, bởi vậy từ nhỏ chiếc chổi tre, chiếc kẻng, chiếc xe đẩy và mùi rác đã trở nên quen thuộc với Đức. 

“Mình đi gom rác từ ngày mới là cậu nhóc 10 tuổi, cho đến khi học cấp 3 tại trường THPT Nguyễn Trãi. Ngày đó trường xây lại nên chuyển về trường bổ túc số 3 trên đường Giang Văn Minh đúng điểm mình đi làm rác cùng dì. Lúc đó, mỗi khi vào tiết cuối cùng buổi học mình cũng thu gọn sách vở vào sẵn sàng trong cặp chỉ chờ trống hết giờ là phi về nhà cất cặp. Sau đó là ra đẩy xe rác đi làm cùng với người dì ruột.

Mỗi khi nhìn thấy các bạn đi qua là mình bịt khẩu trang kín mít vì chỗ làm ngay cạnh cổng trường. Mãi đến sau này khi hết lớp 12 cô giáo chủ nhiệm mới biết, về sau các bạn cũng biết nhưng mình không ngại. Ngay lúc đó mình đã nghĩ: Sao lại xấu hổ, mình còn phải tự hào vì mình lao động chân chính chứ”, anh Đức nhớ lại. 

Những năm đi làm cùng dì, vì chưa đủ tuổi để xin vào công ty nên anh Đức phụ dì và nhặt đồng nát bán lấy tiền. Năm 2002, dù thi đỗ vào trường Trung cấp Điện nhưng anh quyết định chọn nghề công nhân rác. 

“Nghề làm dâu trăm họ”

“Nghề của mình là nghề làm dâu trăm họ, giờ xã hội văn minh nhưng vẫn không tránh được việc người ta coi thường, xúc phạm mình chỉ vì mình là công nhân dọn rác. Có người xúc phạm, có người còn nhảy vào đánh nữa”, anh Đức bộc bạch về nỗi niềm người làm công nhân môi trường. 

Theo anh Đức, vụ việc chị Lê Thị Hà (SN 1977) – công nhân môi trường bị xe điên tông tử vong vào tháng 4 vừa qua chợt nổi cộm lên thì mọi người mới chú ý nhiều hơn đến nghề này. Còn trên thực tế với 17 năm làm trong ngành môi trường, 2 năm làm quản lý anh đã chứng kiến không ít vụ tai nạn thương tâm. Với những vụ việc như vậy họ đều coi đó là tai nạn nghề nghiệp. Và khi họ chấp nhận trở thành một công nhân môi trường thì tất cả đều đã lường trước những rủi ro.

...Dù công việc vất vả, cực nhọc nhưng khi vào nghề, những người công nhân môi trường như anh Đức đã tìm thấy niềm vui, tình yêu và sự gắn bó với nghề
...Dù công việc vất vả, cực nhọc nhưng khi vào nghề, những người công nhân môi trường như anh Đức đã tìm thấy niềm vui, tình yêu và sự gắn bó với nghề

Bản thân anh Đức cũng đã từng gặp trường hợp bị người dân hành hung. Đợt cao điểm phá bục bệ trả lại vỉa hè lòng đường thông thoáng, đội của anh Đức thực hiện nhiệm vụ không may khi làm bắn vào nhà người dân. Chỉ có thế người ta mượn cớ xông vào đánh công nhân, anh vào can thì bị đấm chảy máu mũi nhưng họ cũng chỉ xin lỗi và anh cũng cho qua. Những người công nhân môi trường như anh phải dần học cách nhẫn nhịn, tránh xô xát. 

“Nhiều lúc cảm thấy buồn, bất mãn với công việc bởi công sức, sức khỏe của mình bỏ ra mà người ta không tôn trọng, cho là nghề thấp hèn. Hầu hết trước đây anh em vào làm công nhân môi trường đều bởi hoàn cảnh gia đình nghèo khó, không tìm được một công việc tốt hơn. Nhưng vào nghề rồi chúng tôi lại thấy yêu và gắn bó với nghề. Mỗi khi nhìn đường phố sạch bóng, tinh tươm, chúng tôi như quên hết nhọc nhằn, thấy vui và hãnh diện vì nghề của mình nhiều lắm”, anh Đức mỉm cười nói. 

Niềm an ủi của những người công nhân thu gom rác không chỉ bởi được nhìn được phố sạch đẹp mà còn nhờ vào những con người, những tấm lòng biết trân trọng sức lao động của họ. 

Nỗi niềm “tiếng chổi tre”

Anh Đức chia sẻ, một ngày làm việc của công nhân môi trường được chia làm ba ca chính: Ca thứ nhất từ 6h – 14h; ca thứ hai từ 14h – 22h; ca thứ 3 là từ 22h cho đến khoảng 2 – 3h sáng. Tuy nhiên, nhiều lúc chẳng căn cứ vào thời gian, bởi đối với người công nhân quét rác, hết rác mới là hết giờ. Bởi đặc thù công việc như vậy nên hơn ai hết anh Đức hiểu ý thức về môi trường của người dân đang ở mức nào và cần thay đổi những gì? 

“Ý thức về môi trường của người dân mình là chưa cao, điển hình như rác đổ tung tóe, đi đằng trước vứt đằng sau đấy là bình thường. Việc phân loại rác hầu hết người dân chưa ai làm được. Thực trạng này khiến công việc thu gom rác trở nên khó khăn, vất vả hơn”.

Anh Đức bộc bạch: “Tôi chỉ mong sao người dân có ý thức hơn, vứt đúng loại rác và gom lại vào túi lớn rồi để gọn một chỗ, không vứt bừa bãi khắp nơi. Chỉ cần được như vậy là những người quét rác như chúng tôi đã cảm thấy vui lắm rồi”.

Công việc nặng nhọc, áp lực là thế nhưng đồng lương và đãi ngộ vẫn chưa thực sự đủ sức níu chân người lao động gắn bó với nghề. Hiện mức lương trung bình của một công nhân môi trường hiện nay là 7 triệu đồng/ tháng đã trừ tiền bảo hiểm. Những dịp lễ Tết thì mỗi người được thưởng thêm 150.000 đồng trong  khi cường độ công việc của công nhân môi trường tăng gấp nhiều lần. Riêng ngày 30 Tết âm lịch, họ phải làm việc thông tầm từ 7h sáng 30 đến 5h sáng mùng 1 Tết mới trở về nhà. Bởi vậy, không mấy ai làm công nhân môi trường mà được đón giao thừa ở nhà cùng người thân. 

Bày tỏ nguyện vọng của công nhân môi trường, anh Đức trăn trở: “Thực tế hiện nay công ty môi trường đang thiếu nhân lực, nhiều khi anh em công nhân không được nghỉ phép, ốm đau thì tự đổi tua cho nhau. Chỉ mong mức lương và chế độ đãi ngộ cải thiện hơn để anh em có thể yên tâm “bám” nghề…

Đọc thêm