Tự hào trí tuệ Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo đuổi lĩnh vực còn khá mới mẻ là vật lý lượng tử, bằng trí tuệ và sự nỗ lực của mình, TS Nguyễn Duy Hà đến nay đã trở thành nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu ở châu Âu và quốc tế. Thành tựu của ông góp phần ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trò chuyện cùng TS Nguyễn Duy Hà nhân chuyến thăm Cộng hòa Áo hồi tháng 7/2023.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trò chuyện cùng TS Nguyễn Duy Hà nhân chuyến thăm Cộng hòa Áo hồi tháng 7/2023.

Cuộc chuyện trò ấm tình quê hương

Sinh năm 1971, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành Điện hóa, TS Nguyễn Duy Hà từng có thời gian dài nghiên cứu, làm việc tại nhiều tổ chức, cơ sở nghiên cứu khoa học uy tín ở trong và ngoài nước như Đại học Bách khoa Hà Nội; Trung tâm nghiên cứu và phát triển ở

Hiroshima, Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi, Nhật Bản; Đại học quốc gia Chungnam, Hàn Quốc; Đại học Tổng hợp Leiden, Hà Lan...

Từ năm 2015, ông được biên chế chính thức tại Đại học Bách khoa Vienna. Đây là nhóm nghiên cứu số một của Áo và là một trong bảy nhóm nghiên cứu hàng đầu châu Âu về nhiệt độ thấp. Xa quê hương, nhưng với bản lĩnh, trí tuệ của mình, ông đã dần khẳng định năng lực của một chuyên gia vật lý lượng tử nhiệt độ thấp, với hàng loạt đề tài nghiên cứu cấp nhà nước của Áo và của châu Âu.

TS Nguyễn Duy Hà và đồng nghiệp.

TS Nguyễn Duy Hà và đồng nghiệp.

Nhiều thành viên trong gia đình ông cũng là các nhà nghiên cứu đầu ngành trong các lĩnh vực khoa học cơ bản và ứng dụng chuyên sâu. Trong đó, người phụ nữ sát cánh cùng ông trong cả đường đời và trên chặng đường chinh phục khoa học hiện cũng là TS, làm việc tại Đại học Bách khoa Vienna. Em trai ông là GS.TS Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng trường Đại học Dược Hà Nội, một nhân vật có nhiều công trình quan trọng được các nhà nghiên cứu y dược trong và ngoài nước tìm kiếm, khảo cứu. Các con của TS Nguyễn Duy Hà đều có thành tích học tập vượt trội, từng giành nhiều huy chương, giải thưởng quốc tế và ở nước sở tại. Ở nước ngoài, gia đình ông được nhiều bạn bè quốc tế ngưỡng mộ không chỉ về thành tích học thuật, mà còn cả nếp nhà ấm cúng của gia đình đậm chất Việt mà họ gìn giữ.

Cuối tháng 7/2023, TS Nguyễn Duy Hà xúc động khi biết tin Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm gia đình ông, nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Áo. Trong cuộc chuyện trò ấm tình quê hương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ân cần thăm hỏi, chăm chú lắng nghe ông giới thiệu về các công trình, dự án nghiên cứu khoa học của mình và dành những lời khích lệ, động viên tới ông và gia đình.

“Tôi biết Chủ tịch nước khi đi làm việc ở cả trong và ngoài nước luôn quan tâm, dành thời gian cho các nhà khoa học. Thế nhưng, tôi thực sự ngạc nhiên và xúc động khi Chủ tịch nước dù lịch trình làm việc dày đặc vẫn dành thời gian cho tôi và gia đình. Là một người con sống và làm việc xa Tổ quốc, tôi vô cùng cảm kích trước sự quan tâm của Chủ tịch nước. Việc làm rất cụ thể của Chủ tịch nước là sự động viên, khích lệ rất lớn, tiếp thêm động lực để chúng tôi tiếp tục phấn đấu trên con đường đã chọn”, TS Nguyễn Duy Hà cho hay.

Khẳng định trí tuệ Việt trên bản đồ thế giới

TS Nguyễn Duy Hà làm việc tại phòng thí nghiệm do ông thiết kế, chỉ đạo, thi công và lắp đặt mới được đưa vào hoạt động từ tháng 10/2023.

TS Nguyễn Duy Hà làm việc tại phòng thí nghiệm do ông thiết kế, chỉ đạo, thi công và lắp đặt mới được đưa vào hoạt động từ tháng 10/2023.

Sinh sống và làm việc chủ yếu ở nước ngoài nhưng tâm trí, tình cảm của TS Nguyễn Duy Hà vẫn luôn hướng về quê hương, mong muốn đóng góp cho đất nước. “Mỗi người Việt Nam đều có dòng máu Việt chảy trong người. Hầu hết người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có bản thân tôi, luôn phấn đấu làm việc để đạt thành tựu tốt nhất có thể, trước hết là cho bản thân, khẳng định trí tuệ của người Việt Nam, sau đó là cho nơi làm việc và mang trí tuệ Việt Nam đóng góp cho khoa học, công nghệ của nhân loại”, TS Nguyễn Duy Hà nói.

TS Nguyễn Duy Hà tâm sự, bản thân ông luôn mong muốn quay trở về Việt Nam để làm việc, nghiên cứu và thực tế cũng đã nhiều lần thử về nước làm việc. Tuy nhiên, ở trong nước, lĩnh vực nghiên cứu vật lý lượng tử và vật liệu thấp mà ông theo đuổi vẫn còn rất mới mẻ. Do vậy, sau rất nhiều băn khoăn, suy tính, ông quyết định sẽ làm việc ở nước ngoài rồi dần chuyển những kiến thức, những công nghệ mà ông đã nghiên cứu về trong nước, góp phần thúc đẩy nền khoa học, công nghệ nước nhà theo cách riêng.

Gia đình TS Nguyễn Duy Hà (Ảnh: NVCC).

Gia đình TS Nguyễn Duy Hà (Ảnh: NVCC).

Với tâm niệm như vậy, trong những năm qua, TS Nguyễn Duy Hà thường xuyên duy trì các hoạt động hợp tác, xây dựng các chương trình nghiên cứu, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ của Việt Nam, các dự án để đưa sinh viên từ Việt Nam sang nước ngoài học tập, nghiên cứu. Trong đó, nổi bật là ông đã viết chương trình xét duyệt đề tài và các quy định đánh giá kết quả nghiên cứu cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) của Bộ Khoa học công nghệ. Theo TS Hà, sau khi Quỹ được thành lập và chương trình được đưa ra, số lượng nghiên cứu được xuất bản của Việt Nam từ năm 2010 đến nay đã tăng lên 15 lần, cho thấy các chính sách rất có hiệu quả. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khi nghe báo cáo cũng đánh giá rất cao những đóng góp này.

Những ngày chuẩn bị bước sang năm mới, trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, TS Hà nhiều lần không giấu được vui mừng xen lẫn niềm tự hào, hạnh phúc khi thấy đời sống của người dân và các hoạt động nghiên cứu khoa học trong nước đang thay đổi ngày càng tích cực. “Trong thời gian tới, tôi đặt mục tiêu tiếp tục thúc đẩy các chương trình hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học ở Việt Nam, đồng thời hỗ trợ việc xây dựng các chính sách để phát triển khoa học trong nước”, ông hồ hởi chia sẻ.

Giữa châu Âu phát triển, những gia đình trí thức, nghiên cứu khoa học như TS Nguyễn Duy Hà đang góp phần tỏa sáng trí tuệ và bản lĩnh Việt, đưa hình ảnh Việt Nam tới gần bạn bè thế giới.

TS Hà có một số công trình nổi bật, như chế tạo ra máy có thể làm lạnh vật liệu tới mức nhiệt độ mà hầu hết các điện tử và hạt nhân đã “đóng băng lại”. Thông qua nghiên cứu về những dao động của các điện tử và hạt nhân, ông đã phát minh ra hiện tượng siêu dẫn của hệ vật liệu “Điện tử lạnh”. Phát hiện này đã được công bố trên Tạp chí uy tín Nature.

Đọc thêm