Việt Nam sẵn sàng cho công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngay tại “tổ đại bàng” - Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc, TP Hà Nội, ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA - Tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới đã thốt lên: “Đây là cơ hội phi thường cho Việt Nam. Các bạn đã chuẩn bị tốt và đây là thời cơ của các bạn”.
CEO NVIDIA ký tên trên tấm bảng tại Trung tâm vi mạch bán dẫn mới thành lập tại NIC Hòa Lạc. (Ảnh: MPI).
CEO NVIDIA ký tên trên tấm bảng tại Trung tâm vi mạch bán dẫn mới thành lập tại NIC Hòa Lạc. (Ảnh: MPI).

Cơ hội phi thường

Chưa đầy 3 tháng sau lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA - ông Jensen Huang đã có mặt tại Việt Nam. Sự kiện thu hút dư luận khi NVIDIA được biết đến là tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới với giá trị thị trường gần 1.200 tỷ USD. Tính đến thời điểm hiện tại, NVIDIA có hơn 27.000 nhân viên trên toàn cầu, với doanh thu đạt gần 27 tỷ USD. Với “cơn sốt” trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu, NVIDIA đang tăng kế hoạch sản xuất chip AI cho năm 2024 lên hơn 3 lần và doanh thu của tập đoàn dự kiến còn tăng rất nhiều trong thời gian tới.

Tại Tọa đàm “Xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn (CNBD), trí tuệ nhân tạo và cơ hội cho Việt Nam” do Bộ KH&ĐT chủ trì, NIC và NVIDIA phối hợp tổ chức ngày 11/12 vừa qua, CEO NVIDIA Jensen Huang đánh giá cao tiềm năng lớn và cơ hội của Việt Nam trong ngành CNBD và AI, đặc biệt là nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.

“Đây là cơ hội phi thường cho Việt Nam. Các bạn đã chuẩn bị tốt và đây là thời cơ của các bạn” - Chủ tịch NVIDIA nhấn mạnh, đồng thời cho rằng đây cũng là thời điểm cực kỳ tuyệt vời cho hai bên thiết lập quan hệ chiến lược, AI và chip - cả hai ngành mang tính sống còn cho sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia. “Việt Nam là đối tác của NVIDIA. Chúng tôi sẽ mở rộng hơn nữa mối quan hệ đối tác đã có sẵn với Việt Nam, đương nhiên sẽ đóng góp cho AI Việt Nam trong tương lai. Chúng tôi cam kết để biến Việt Nam thành quê hương thứ hai và thành lập pháp nhân tại Việt Nam…”, ông Jensen Huang khẳng định.

Đâu là lợi thế?

Trước đó, tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 10/12, Chủ tịch, Tổng Giám đốc NVIDIA cũng cho rằng, Việt Nam đang đứng trước thời khắc quan trọng trong quá trình phát triển; Nếu thành công trên con sóng bán dẫn và AI, Việt Nam sẽ thành công trong những khâu, lĩnh vực quan trọng nhất của công nghiệp, công nghệ.

Đánh giá Việt Nam có nền giáo dục và hạ tầng tốt, người Việt Nam rất giỏi về toán, Việt Nam có năng lực phần mềm tốt và đang có vị trí rất tốt để phát triển lĩnh vực bán dẫn và AI, ông Jensen Huang cho rằng Việt Nam chỉ cần khích lệ các thế hệ mới để bước vào thế giới AI, khích lệ các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam ở nước ngoài về quê hương.

“Vấn đề hiện giờ là cần nâng cao kỹ năng và xây dựng 1 triệu chuyên gia AI. Đây sẽ là đội ngũ hùng hậu nhất trên thế giới. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để nâng cao kỹ năng và hạ tầng AI” - ông Jensen Huang bày tỏ.

Trong buổi thăm và làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), CEO NVIDIA cho rằng Viettel và NVIDIA tương đương tuổi nhau, là các công ty cơ sở hạ tầng ra đời khi Internet mới được xây dựng. “Internet đã tạo ra một thế giới kỹ thuật số và bây giờ ngành công nghiệp của chúng ta đang đứng trước một làn sóng mới, AI. Làn sóng này đang ở giai đoạn khởi đầu và đòi hỏi cơ sở hạ tầng” - ông Jensen Huang nhấn mạnh. Đồng thời lưu ý: “AI của các bạn phải được tạo ra tại Việt Nam, vận hành tại Việt Nam và được cải tiến, nâng cấp tại Việt Nam”.

Trao đổi với Viettel về việc chiến lược xây dựng trung tâm dữ liệu hiệu quả, ông Jensen Huang cho biết nên ưu tiên đầu tư các trung tâm dữ liệu theo hướng tập trung thay vì nhiều cơ sở hạ tầng nhỏ; Việc xây dựng trung tâm dữ liệu nên bảo đảm diện tích và hệ thống làm mát đủ lớn ngay từ đầu, nhưng chưa đưa toàn bộ máy tính vào ngay mà bổ sung dần theo nhu cầu sử dụng, do giá thành thiết bị sẽ giảm dần theo thời gian…

CEO NVIDIA cũng chia sẻ với đội ngũ Viettel AI về xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, công nghệ nền tảng của các AI tạo sinh nổi tiếng hiện nay, đánh giá đây là sản phẩm trong tầm với của Viettel trong vài năm tới, lý do là các hệ thống tính toán đang được cải thiện với tốc độ gấp đôi mỗi năm và việc đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn trở nên dễ dàng hơn. “Sau mỗi 5 năm, năng lực của chúng tôi đã tăng 100 lần, do đó chi phí cũng giảm 100 lần. 10 năm trước, lần đầu tiên huấn luyện mô hình thị giác máy tính, AlexNet, chúng tôi đã cần một siêu máy tính, giờ đây công việc này có thể thực hiện được trên một chiếc máy bàn” - ông Huang nói chia sẻ.

NVIDIA đã đầu tư khoảng 250 triệu USD vào Việt Nam và xác định Việt Nam là thị trường quan trọng. Trong lĩnh vực AI, Viettel cũng đang hợp tác với NVIDIA đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và ứng dụng AI trong các lĩnh vực như: Thị giác máy tính, Xử lý ngôn ngữ tự nhiên, Bản sao số, Robotics…, Viettel tham gia vào mạng lưới đối tác toàn cầu của NVIDIA, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc thực hiện chiến lược AI quốc gia, góp phần đưa các giải pháp AI của Viettel ra thị trường quốc tế.

Việt Nam đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất

Trao đổi với các DN thuộc Hiệp hội CNBD Hoa Kỳ (SIA), Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về hạ tầng đáp ứng được các yêu cầu của ngành CNBD.

Theo đó, Việt Nam đã có những định hướng, mục tiêu và hành động khá cụ thể, nhất quán xây dựng những nền tảng quan trọng ban đầu cho ngành CNBD và hiện được đánh giá là một quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ cao. Việt Nam đang ngày càng khẳng định mình là trung tâm tăng trưởng kinh tế mới của châu Á với vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, liên tục nhận nguồn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia.

Tại Nghị quyết 124/NQ-CP ngày 7/8/2023 của Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành CNBD Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực cho các DN bán dẫn đầu tư tại Việt Nam.

Tháng 11/2023 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng một Nghị định thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành CNBD, dự kiến sẽ sớm ban hành vào giữa năm 2024;

Ngoài NIC - cơ quan của quốc gia thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn, Việt Nam còn có 3 khu công nghệ cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với cơ chế, chính sách đặc biệt thuận lợi và ưu đãi dành cho DN công nghệ cao; đồng thời đã phát triển hệ thống các khu công nghiệp, khu kinh tế với hạ tầng, mặt bằng đồng bộ và hiện đại sẵn sàng phục vụ các dự án đầu tư...

Đọc thêm