Tử hình Đặng Văn Hiến: Phân vân lý – tình

(PLO) - Sau vụ nổ súng của Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, vụ nổ súng làm 3 bảo vệ Công ty TNHH thương mại và đầu tư Long Sơn với mức độ nguy hiểm hơn, hậu quả nặng nề hơn, có đến ba người bị bắn chết, hơn 10 người bị thương.
Các bị cáo bị cấp sơ thẩm tuyên phạm tội giết người tại phiên tòa sáng 12-7 (Ảnh TTO)
Các bị cáo bị cấp sơ thẩm tuyên phạm tội giết người tại phiên tòa sáng 12-7 (Ảnh TTO)

Bản án bị phản đối 

Nay đến lượt người giữ đất, bảo vệ công sức lao động, nguồn sống gia đình lại bị Tòa phúc thẩm tuyên án tử hình. Trên một số tờ báo lớn, bị án tử hình Đặng Văn Hiến vẫn được gọi trân trọng bằng “ông”, lời bào chữa của luật sư được ghi nhận chi tiết như sự phản biện với bản án. Ngay tại phiên tòa, hàng trăm người dân đã la ó phản đối bản án.

Trên mạng xã hội tràn ngập ý kiến thương xót cho bị án, phẫn uất với hành động dùng sức mạnh đàn áp, phá hoại tài sản của dân nghèo đề chiếm đất của công ty Long Sơn. Bản án phúc thẩm tuyên giảm án cho những kẻ phá hoại, chiếm đoạt tài sản và y án với người buộc lòng nổ súng giữ đất.

Lẽ nào công lý đang đứng về kẻ mạnh, lẽ nào những nông dân nghèo phải chấp nhận xuôi tay cho người giàu lấy đất? Pháp luật vừa mang tính trừng phạt răn đe vừa mang tính giáo dục phòng ngừa chung, thì liệu bản án này giáo dục người dân điều gì khi dư luận không tâm phục, khẩu phục?

Vụ nổ súng vào rạng sáng 23/10/2016 khiến 3 người chết, 13 người bị thương tại tiểu khu 1535 xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông một thời gian dài là tiêu điểm chú ý của dư luận. Người ta quan tâm vì tính chất khốc liệt của sự kiện và cũng quan tâm chờ đợi sự công minh của pháp luật trong xử lý tranh chấp đất đai giữa những đại gia “cá mập” mượn dự án để lấy đất của dân và những người nông dân suốt đời sống bám vào miếng đất. 

Vụ nổ súng bi thảm 

Theo hồ sơ vụ án, tháng 2/2008 Công ty Long Sơn được UBND tỉnh Đắk Nông giao 1.079 ha đất rừng tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực để thực hiện dự án nông lâm nghiệp. Nhưng việc giao nhận này chỉ thực hiện trên giấy, còn thực tế phần đất này trước đó đã được nhiều hộ dân từ nhiều nơi khác đến định cư khai thác, trong đó có hộ các ông Hoàng Văn Thắng, Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình. Tranh chấp giữa hai bên trong thời gian dài nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp giải quyết. 

Ngày 15/10/2016, ông Sửu (Công ty Long Sơn) gọi ông Thiện huy động công nhân, bảo vệ mang vũ khí, xe cơ giới đi ủi cây cà phê, điều trên diện tích đất gia đình ông Thắng, ông Hiến canh tác. Xung đột xảy ra nhưng chính quyền địa phương vẫn không có biện pháp chấn chỉnh. Phía Long Sơn vẫn quyết tâm dùng sức mạnh chiếm đất. 

Đến 6h sáng 23/10/2016, hai ông Sửu, Thiện chỉ đạo nhóm công nhân, bảo vệ công ty với vũ khí là dao rựa, khiên giáp cùng xe máy cày tiến về khu vực đất gia đình ông Thắng. 

Tại đây, các xe ủi đã phá của gia đình ông Thắng, Hiến và ông Triệu Phụ Cao, hơn 330 cây trồng các loại, thiệt hại 73,6 triệu đồng. Quyết tâm bảo vệ đất và tài sản, ông Hiến và các bị cáo khác đã nổ súng cảnh cáo nhưng phía Công ty Long Sơn vẫn không dừng lại. Họ vẫn tiếp tục ủi phá cây trồng. Những người nông dân đã buộc lòng bắn thẳng và hậu quả thảm khốc đã xảy ra. Lúc đầu, ông Hiến bỏ trốn vào rừng sâu nhưng sau đó đã chủ động liên hệ với báo chí, luật sư nhờ giúp đỡ liên hệ với Bộ Công an để ra đầu thú.

HĐXX sơ thẩm khẳng định các ông Hiến, Bình, Trường phạm tội giết người; các ông Sửu, Thiện đã phạm tội “hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” thuộc trường hợp “có tổ chức”, gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng… 

Sau phiên sơ thẩm, dư luận đã bùng lên sự bức xúc vì cho rằng bản án nghiêng lệch trừng phạt nặng nề những người nông dân giữ đất mà quá nhẹ tay và để lọt tội với Công ty Long Sơn. Dư luận cũng cho thông tin, từng có người dân bị chiếm đất bị người của Công ty Long Sơn hành hung đến tử vong nhưng vụ việc chìm xuồng, không được đưa ra xét xử.

Khoảng trống pháp lý

Ngày 12/7, TAND cấp cao tại TP HCM đã đưa sự việc ra xét xử phúc thẩm. Các bị cáo Đặng Văn Hiến (bị cấp sơ thẩm tuyên án tử hình), Ninh Viết Bình (cấp sơ thẩm phạt 20 năm tù), Hà Văn Trường (cấp sơ thẩm phạt 12 năm tù giam) cùng về tội giết người và Đoàn Văn Diện (bị 9 tháng tù giam) về tội che giấu tội phạm đều có đơn xin giảm hình phạt.

Nhóm bị cáo này cho rằng mình là những nông dân chân chất, bị dồn ép đến bước đường cùng mà phạm tội. Các bị cáo Hiến, Bình và Trường đều thừa nhận mình có tội, tuy nhiên hành vi tội ác của các bị cáo là do sự dồn nén, ép đến đường cùng mà các bị hại là công nhân Công ty Long Sơn gây ra.

Bị cáo Đặng Văn Hiến cho rằng Công ty Long Sơn nổi tiếng về việc “san ủi đất, không bồi thường” nên người dân địa phương rất bức xúc. Mờ sáng 23/10/2016, hàng chục người của Công ty Long Sơn tấn công vào gia đình ông Hiến và các bị cáo khác, dù ông đã bắn chỉ thiên, chạy vào nhà vẫn bị các công nhân ném đá, đe dọa khiến ông hoảng loạn mà phạm tội. 

Các luật sư bào chữa cũng cho rằng Hiến, Bình phạm tội trong lúc tinh thần bị kích động mạnh. “Mới mờ sáng, hàng chục người tấn công nhà ở của ông Hiến nên ông phải tự vệ. Dù đã bắn chỉ thiên nhưng các công nhân vẫn tấn công nên hậu quả mới nặng nề như vậy. 

Chúng tôi đồng ý các bị cáo phạm tội có khung hình phạt là làm chết nhiều người, tuy nhiên đề nghị HĐXX không áp dụng khung hình phạt “có tính chất côn đồ” với bị cáo Hiến. Việc áp dụng khung hình phạt này khiến mức án của ông Hiến là hết sức nặng nề” - luật sư Nguyễn Văn Quynh, bào chữa cho các bị cáo Hiến, Bình và Trường, phân tích. 

Cũng theo luật sư Quynh, mâu thuẫn của Công ty Long Sơn với người dân tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực đã kéo dài 8 năm. Công ty ủi đất, không bồi thường, người dân gửi đơn không được giải quyết nên bức xúc tích tụ. 

“Nên nhớ Công ty Long Sơn được UBND tỉnh Đắk Nông giao hơn 1.000 ha đất là giao có điều kiện, tức khi thu hồi đất phải thỏa thuận với dân. Thế nhưng chỉ vài trường hợp được công ty này thỏa thuận, còn phần lớn là tự ý cưỡng chế, còn thuê cả “xã hội đen” đe dọa người dân” - luật sư Quynh thông tin.

Tương tự, luật sư Nguyễn Văn Huy, Đoàn luật sư Đắk Nông cho rằng ông đồng ý với cách làm nhân văn là không khởi tố các công nhân của Công ty Long Sơn về hành vi phá hoại tài sản. 

“Nhưng nếu xem các công nhân chỉ là bị hại thì Hiến, Bình, Trường trở thành những bị cáo mang mức án nặng hơn so với mức hành vi gây ra. Bởi nếu các bị hại không cố tình tấn công khi đã bị ông Hiến bắn chỉ thiên thì có thể hậu quả sẽ không nặng nề như thực tế” - luật sư Huy nói. 

Tuy nhiên, nhận định của các luật sư chỉ được HĐXX xem xét một phần và quyết định cho sửa án sơ thẩm nhưng vẫn giữ nguyên án tử hình đối với ông Đăng Văn Hiến, bị cáo đầu vụ, người đã nổ súng vào các nhân viên của Công ty Long Sơn. 

Theo đó, HĐXX vẫn cho rằng ông Hiến phạm tội giết nhiều người, có tính chất côn đồ nên vẫn y án sơ thẩm, tử hình. HĐXX nhắc đi nhắc lại, ông Hiến có 7 ngày để viết đơn gửi Chủ tịch Nước xin ân xá, giảm án tử hình.

Các bị cáo khác trong vụ án này đều được giảm án, cụ thể: Ninh Viết Bình giảm 2 năm (còn 18 năm tù), Hà Văn Trường giảm 3 năm (còn 9 năm tù).

Bị cáo Nghiêm Thiên Xuân Sửu (nguyên Phó Giám đốc Công ty Long Sơn, bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 6 năm tù giam) và Phạm Công Thiện (quản lý, bị tuyên 4 năm tù giam cùng về tội phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác) cũng xin giảm án. 

Nghiêm Thiên Xuân Sửu được phúc thẩm giảm 2 năm (còn 4 năm tù), Phạm Công Thiện từ 4 xuống 2 năm tù giam. Sau phiên tòa, hàng trăm người dân la ó, phản đối bản án đối với ông Hiến.

Sinh mạng của ông Hiến vẫn còn một khe cửa hẹp, một hy vọng mong manh là sự xem xét khoan hồng cho ân xá của Chủ tịch Nước. Tuy nhiên, vấn đề dư luận và lòng dân quan tâm qua vụ án này không chỉ là sinh mệnh cá nhân ông Hiến mà là quan điểm xử lý của Nhà nước, của pháp luật phải công bằng, thấu tình đạt lý. 

Bản án buộc người dân cô thế đối đầu, đối phó, tự vệ với đám đông hàng chục người đi cướp đất, phá tài sản, thành quả lao động, được trang bị máy móc, vũ khí là hành vi côn đồ để tuyên án tử hình là quá sức khiên cưỡng, bất công. 

Ngoài bất công, bất minh, bản án còn để lại nhiều khoảng trống pháp lý có thể sẽ dẫn đến nhiều vụ việc tương tự khác sẽ tiếp tục xảy ra. 

Trong vụ việc này, Công ty Long Sơn không chỉ vi phạm trong việc phá hoại tài sản công dân mà còn vi phạm về quy chế quản lý sử dụng đất đai trong quá trình thực hiện dự án. Họ đã không đàm phán, bồi hoàn cho những nông dân bị giải tỏa theo tinh thần dự án mà dùng sức mạnh để chiếm đất. 

Sự buông lỏng quản lý thực hiện chức trách, lắng nghe và giải quyết nguyện vọng của người dân địa phương đã không được chính quyền lưu tâm, để cho oan ức chồng chất lâu ngày là mầm móng gây ra tội phạm. Hơn thế nữa, quyền thu hồi đất, giải tỏa đất, giao đất cho dự án, cho cá nhân vẫn là một lưỡi búa treo lơ lửng trên đầu những nông dân.