“Tử hình không là cứu cánh cho việc giảm vi phạm pháp luật"

(PLO) - Trả lời phỏng vấn bên hành lang QH trong phiên thảo luận về Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH, cho rằng Dự thảo lần này với việc bỏ một số tội danh, giảm hình phạt tử hình... là một tiến bộ đáng kể. 
Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH
Theo ông Nguyễn Đình Quyền, hình phạt tử hình không phải là cứu cánh cho việc giảm vi phạm pháp luật ở Việt Nam. 
- Thưa ông, ông nhận xét gì về Dự thảo Bộ Luật Hình sự (BLHS) sửa đổi lần này?
- Có thể nói BLHS được sửa đổi toàn diện lần này đã thể chế hóa Hiến pháp 2013, đây là một thành công lớn vì thời gian gần đây vì Hiến pháp thể hiện tinh thần dân chủ trong lập pháp. Quá trình thể chế hóa tư tưởng Hiến pháp vào BLHS như thế nào là một thử thách vô cùng to lớn. Vì trong  thời gian gần đây tình hình vi phạm pháp luật gia tăng và nghiêm trọng hơn trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Với những vụ án giết nhiều người như vụ ở Yên Bái, Nghệ An, Bình Phước, chúng ta lại thể chế hóa một cách dân chủ hơn như bỏ tử hình, phi hình sự hóa một số tội phạm về kinh tế.
Việc sửa đổi lần này đặt ra thách thức lớn, có những mặt chúng ta phải đảm bảo tính răn đe phòng ngừa nhưng có những tội phạm chúng ta phải phi hình sự hóa. Đây là quá trình mà chúng ta phải rà soát kỹ trên cơ sở những vấn đề lý luận cơ bản về tội phạm học và trên cơ sở thực tiễn. Cơ sở thực tiễn đóng vai trò rất quan trọng, thực tiễn vướng  mắc gì, đòi hỏi gì? 
Tóm lại BLHS sửa đổi lần này đã tháo gỡ những khó khăn khúc mắc nhất hiện nay. Phúc đáp yêu cầu dân chủ thế giới như bỏ tử hình ở một số tội danh, như chúng ta đã tham gia công ước; bảo đảm hơn các quyền của con người.
- Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề phi hình sự hóa?
- Phi hình sự hóa là có những hành vi trước đây chúng ta coi là tội phạm, nhưng quá trình phát triển kinh tế xã hội không còn như hành vi kinh doanh trái phép, trong cơ chế thị trường thì không nhất thiết hành vi đó áp dụng trách nhiệm hình sự. 
- Tại sao lại có chủ trương này, ông có thể giải đáp để bạn đọc của PLVN rõ hơn?
Vì TNHS là hệ thống nghiêm khắc nhất trong hình phạt của nước ta. Nhưng có nhiều hành vi, không cần áp dụng đến mức hình phạt đó.
Chúng ta chỉ có thể áp dụng hình thức kỷ luật đối với cán bộ công chức, người dân thì xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại, không nhất thiết phải đưa vào hình sự. Vì thực tế chứng minh rằng không phải việc xử thật nặng, áp dụng nhiều hình phạt tử hình thì tội phạm sẽ giảm. Hình phạt, tử hình không phải là cứu cánh cho việc giảm vi phạm pháp luật ở Việt Nam. 
Như năm 1999 tội phạm ma túy phát triển, chúng ta sửa BLHS và tăng mức hình phạt đối với tội phạm này cao nhất, có những vụ án 5-7 án tử hình nhưng tội phạm về ma túy không giảm mà vẫn gia tăng. Nên hình sự và hình phạt không phải là cứu cánh mà chúng ta phải sử dụng đồng bộ các hình thức khác. 
Đây là quan điểm chính sách hình sự về tội phạm cần quán triệt. Chính sách hình sự của chúng ta nhân đạo hơn, bảo đảm quyền con người nhất là đối với các cháu, vừa là người vi  phạm vừa là nạn nhân của xã hội. 
- Ông có quan điểm như thế nào về hình chuyển hình phạt tù sang tiền đang gây tranh cãi?
Thể chế hóa NQ 08 Bộ Chính trị, chúng ta chỉ áp dụng hình phạt tù và tử hình trong trường hợp không áp dụng được các biện pháp khác như quản chế, cải tạo không giam giữ,…
Quan điểm cá nhân tôi cũng không đồng tình với việc chuyển hình phạt tiền thay tù.  Tôi lo sợ rằng người dân sẽ nghĩ có tiền là không phải đi tù. Điều đó không đảm bảo công bằng, trong quá trình áp dụng gây ra sự bất bình của người dân. Quá trình áp dụng rất dễ phát sinh tiêu cực.

Đọc thêm