Từ hôm nay (25/12), tài khoản đã xác thực mới được đăng tải trên mạng xã hội

(PLVN) - Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 được ban hành nhằm bổ sung các quy định mới góp phần thay đổi thói quen của người sử dụng mạng xã hội. (Ảnh minh họa: Unicef)

Thực tế đã và đang cho thấy, một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng một xã hội số văn minh là nâng cao ý thức pháp luật của người dùng mạng xã hội. Bên cạnh việc chú trọng giáo dục để người dùng mạng xã hội hiểu biết pháp luật thì hệ thống pháp luật về vấn đề này cũng cần được liên tục cập nhật, bổ sung để theo kịp tiến trình phát triển của tốc độ phát triển mạng xã hội.

Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tiếp tục duy trì việc đấu tranh, yêu cầu các nền tảng phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam, đơn cử như nền tảng mạng xã hội Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam (tỷ lệ 94%); nền tảng Google đã chặn, gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube (tỷ lệ 91%); nền tảng TikTok chặn, gỡ 971 nội dung vi phạm (tỷ lệ 93%). Bộ và các Sở TT&TT trên cả nước đã kết nối với các Trung tâm Xử lý tin giả, tin xấu, độc tại địa phương để hình thành mạng lưới xử lý tin giả quốc gia (20 tỉnh, thành phố)...

Trước thực tế này, hệ thống pháp luật trong nước đã kịp thời được bổ sung một loạt văn bản pháp lý nhằm quản lý và điều chỉnh hoạt động trên môi trường mạng như: Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; Luật An ninh mạng 2018; Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TT&TT ban hành theo Quyết định số 847/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021; Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 có quy định các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến Internet…

Nhằm tăng cường hơn nữa các quy định để đối phó với những thách thức mới phát sinh từ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và không gian mạng, Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã được ban hành nhằm bổ sung các quy định mới góp phần thay đổi thói quen của người sử dụng mạng xã hội.

Cụ thể, về điều khoản chuyển tiếp, Nghị định nêu rõ, trong vòng 90 ngày kể từ hôm nay (25/12/2024) là ngày Nghị định có hiệu lực, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước thực hiện xác thực những tài khoản đang hoạt động của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 23; điểm b khoản 3 Điều 27 Nghị định 147/2024/NĐ-CP. Việc thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Chỉ trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân.

Trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân. Bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội… Các quy định này hạn chế tình trạng người dùng ẩn danh để lừa đảo thông tin giả, xấu, độc.

Bên cạnh đó, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải có trách nhiệm phân loại và hiển thị cảnh báo các nội dung không phù hợp với trẻ em, triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em. Người dưới 18 tuổi không chơi một game quá 60 phút một ngày, nhưng không quá 180 phút khi chơi nhiều game khác nhau. Và các doanh nghiệp cung cấp game cần thực hiện biện pháp kỹ thuật để bảo đảm quản lý thời gian chơi trong ngày của người chơi theo quy định trên. Doanh nghiệp cung cấp game sẽ phải dán nhãn độ tuổi cho từng trò chơi. Cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ yêu cầu các doanh nghiệp quản lý kho ứng dụng xác thực các game đã được cấp phép và gỡ bỏ game không phép...

Đọc thêm