Tư lệnh ngành Công Thương và Y tế làm rõ 2 vấn đề chính về Chỉ thị 15, 16

(PLVN) - Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Y tế đã làm rõ 2 vấn đề trong thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19.

Chiều 25/7, tại phiên thảo luận nghị trường, nhiều thành viên Chính phủ đã đăng đàn phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Đăng đàn đầu tiên là Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Bên cạnh các định hướng giải pháp phát triển công nghiệp nước nhà trong 5 năm tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm rõ hơn về cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Bộ trưởng Diên cho hay, thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19 có 2 việc: Truy vết, khoanh vùng, cách ly, điều trị bệnh nhân, đó là thuộc trách nhiệm chính của ngành Y tế. Việc thứ hai là cung ứng, bảo đảm hàng hóa thiết yếu, lương thực phẩm, thuốc và vật tư y tế.

Nhiệm vụ thứ hai được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Công Thương và Nông nghiệp chủ trì phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện với yêu cầu và phương châm trong mọi hoàn cảnh không hề đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân, nhất là dân trong vùng dịch.

Thực hiện chỉ đạo này, ngay từ khi làn sóng dịch thứ tư bùng phát ở Bắc Giang, Bắc Ninh, đặc biệt TP HCM và các tỉnh phía Nam thì Bộ Công Thương đã cùng Bộ Nông nghiệp bàn kế hoạch hợp tác trong sản xuất, cung ứng hàng hóa, phân định rạch ròi nhiệm vụ của mỗi ngành. Đồng thời, lập tổ công tác tiền phương để cung ứng hàng hóa cho TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Tuy nhiên, do tính chất, thời điểm của làn sóng dịch thứ tư với biến chủng Delta ít triệu chứng, lây lan nhanh, các địa phương mặc dù cảnh giác cao, có kinh nghiệm của đợt giãn cách trước nhưng vẫn bị động, lúng túng ở giai đoạn đầu. Vì thế, khâu chống dịch cũng như cung ứng hàng hóa thiết yếu cho dân ở vài ngày đầu đều gặp khó khăn, thiếu hàng hóa cục bộ hay là do đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu chuyển, hệ thống phân phối cũng bất cập, trong khi hầu hết các chợ truyền thống, chợ đầu mối đều bị đóng cửa do chưa có biện pháp an toàn, các hình thức phân phối khác thì chưa có kinh nghiệm.

Ngay sau khi có chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và sự rút kinh nghiệm trong sự phối hợp giữa các ngành thì tình hình cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu được cải thiện, cơ bản không còn hiện tượng thiếu hàng, người dân xô đi mua hàng tích trữ, giá cả tương đối ổn định, tuy có tăng một chút, ít nhất là sản phẩm rau quả, nhưng việc đó là tất yếu.

Dự báo dịch có thể còn tiếp tục bùng phát, kéo dài ở các địa phương, thậm chí lan sang các địa phương khác, thời gian và phạm vi thực hiện Chỉ thị 15, 16 có thể còn kéo dài. Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị ngành Nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là đồ tươi sống, rau củ quả ở cả địa phương có dịch và những vùng đệm cũng như cả nước để sẵn sàng cung ứng.

Các ngành Giao thông, Công an, Y tế, chính quyền các địa phương, nhất là những địa phương trong vùng dịch thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không đặt ra những điều kiện khác và áp dụng máy móc các quy định.

Các địa phương trong vùng cần phải tiếp tục rà soát và khẩn trương hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối những hàng thiết yếu để có thể dự trữ hàng thiết yếu ngay trên địa bàn từ 10 - 15 ngày, tương ứng với thời gian giãn cách. Đồng thời, chấn chỉnh mạnh mẽ khâu phân phối thông qua siêu thị, chợ truyền thống và chợ dân sinh, các chợ đầu mối; phát triển các loại hình thương mại như bán hàng lưu động thương mại điện tử từ xa...

Còn về tổng thể nỗ lực phòng chống dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, các địa phương đang cố gắng để kiểm soát sớm tình hình và đã có những tín hiệu tích cực.

Về chiến lược vaccine, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, thực hiện kết luận chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, từ đầu năm 2020 Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai chiến lược vaccine trên các lĩnh vực về mua, nhập khẩu, vaccine, nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước và tổ chức tiêm vaccine.

Về nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ vaccine, vào quý I/2020 Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập và nuôi cấy virus mở đường cho nghiên cứu vaccine, là quốc gia đầu tiên trong Đông Nam Á tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3, đến cuối tháng 8/2021 mũi tiêm thứ hai sẽ hoàn thành cho các đối tượng nghiên cứu và sẽ thực hiện việc đăng ký vaccine nội địa.

Về chuyển giao công nghệ, hiện nay có 3 hợp đồng đã chuyển giao công nghệ với Nga, Mỹ và Nhật đã được ký kết, với Nga đã xong giai đoạn 1 của gia công, đóng ống đang được kiểm định chất lượng tại Nga, trong giữa tháng 8 sẽ được đóng ống tại Việt Nam và chuyển sang giai đoạn chuyển giao công nghệ vào cuối năm nay.

Hợp đồng với Mỹ chuyển giao công nghệ vaccine với công nghệ cao nhất, tiến hành thử nghiệm vào tháng 8, nhà máy sản xuất với quy mô trên 100 triệu liều đã và đang được xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022. Chiến dịch tiêm chủng đã được khởi động và hiện đang được đẩy nhanh tiến độ từ giờ đến cuối năm.

Đọc thêm