Sáng 24/2, Bệnh viện Việt Đức đưa ra thông báo từ ngày 1/3, Bệnh viện Việt Đức hạn chế mổ xếp lịch để ưu tiên cấp cứu, chỉ chỉ định xét nghiệm khi thật sự cần thiết, do thiếu vật tư, hóa chất.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh cạn kiệt nguồn vật tư, hóa chất trong khi không thể đấu thầu mua sắm bởi có nhiều vướng mắc về thủ tục.
Thông tin từ Bệnh viện cho biết, hiện tại, bệnh viện còn hóa chất khí máu đủ dùng một tuần, hóa chất ghép tạng đủ dùng cho hai tuần.
Trước đó, chia sẻ tại tọa đàm “Ngành y vượt khó” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào sáng 23/2, Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết tình hình thiếu hóa chất, vật tư y tế là việc 'cấp cứu của cấp cứu', cần được tháo gỡ ngay, nếu không bệnh viện sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu hoặc không thể hoạt động.
Ông nói: "Trong năm 2022, sau đại dịch, BV Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện số lượng khám chữa bệnh, mổ xẻ, điều trị với hơn 79.000 ca mổ. Có thể nói đó là khối lượng công việc rất lớn, không có nhiều bệnh viện trên thế giới có thể làm được.
|
Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức |
Số lượng người bệnh thường xuyên đến và phải chờ đợi được điều trị rất nhiều trong khi những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để có thể mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế hiện tại vẫn đang hết sức vướng mắc. Trong Luật Khám chữa bệnh có rất nhiều điều đưa ra để có thể gỡ khó nhưng cũng có nhiều điều trong đó quy định rằng việc thực hiện giao cho Chính phủ cụ thể hóa. Luật sẽ có hiệu lực từ 1/1/2024 nhưng chúng ta chỉ còn chưa đến 10 tháng nữa, không biết liệu những điều luật ấy có được cụ thể hóa để đi vào cuộc sống từ ngày 1/1/2024 được hay không. Đó là điều tôi rất lo lắng.
Vấn đề thứ hai là hiện tại không chỉ BV Việt Đức mà nhiều bệnh viện khác như BV Bạch Mai, BV K ở ngoài Bắc, BV Chợ Rẫy ở TPHCM cũng có rất nhiều khó khăn để bảo đảm cung ứng được các điều kiện phục vụ người bệnh. Đơn cử, hiện tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc, vật tư y tế để dành chăm sóc người bệnh gần như đã hết, các hóa chất xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán, điều trị cho người bệnh cũng gần như đã hết.
Tại BV Hữu nghị Việt Đức, theo thống kê, có những xét nghiệm đơn giản như công thức máu chỉ còn một tuần nữa là không còn hóa chất để sử dụng nếu như sử dụng bình thường. BV Việt Đức đã họp rất nhiều lần, kể cả họp Đảng ủy, họp Hội đồng khoa học mở rộng tới tất cả trưởng, các bộ phận, đơn vị để tháo gỡ nhưng rất khó khăn. Tại sao như thế? Tại vì đó là những hóa chất xét nghiệm được sử dụng trên các hệ thống máy do các công ty cung cấp hóa chất đặt tại Bệnh viện làm. Tại sao chúng ta phải đặt máy? Vì kể từ năm 2015, BV Việt Đức hầu như không có tiền cung cấp từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động chi không thường xuyên, mua máy móc nên số lượng máy móc xét nghiệm (riêng máy móc xét nghiệm tại BV Việt Đức đã có giá từ 250 đến 300 tỷ đồng) rất khó khăn.
Nguyên nhân của tình trạng thiếu là đa số hóa chất do các công ty cung cấp, kèm theo máy đặt, mượn. Trước đây, cơ quan chức năng cho phép thanh toán bảo hiểm y tế với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy đặt, mượn do nhà thầu cung cấp. Như vậy, bệnh viện có nguồn thu cũng như cơ sở pháp lý để đấu thầu mua sắm hóa chất, triển khai các xét nghiệm phục vụ người bệnh."
Giáo sư Trần Bình Giang cũng cho biết: Về giải pháp, từ năm 2015, chúng ta đấu thầu công khai để mua hóa chất xét nghiệm, sau đó các công ty sẽ đặt máy sử dụng hóa chất đó. Kèm theo đó, các công ty sẽ lo những vấn đề như là bảo hành, bảo trì các hệ thống phần mềm đi kèm cho máy hoạt động, kiểm định, kiểm chuẩn để đảm bảo máy hoạt động chính xác. Điều này là thông lệ trên toàn thế giới chứ không phải chỉ ở Việt Nam. Thế nhưng đến năm 2022 chúng ta lại có công văn quy định việc sử dụng máy mượn, máy đặt như vậy không có trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật nào và đề nghị dừng, đã gây ra tình trạng hết sức khó khăn. Sau đó Chính phủ có Nghị quyết 144 để tháo gỡ khó khăn này, nhưng Nghị quyết 144 chỉ có giá trị cho những hợp đồng đặt mua máy hóa chất và đặt máy trước ngày 5/11/2022. Chính vì vậy bây giờ chúng ta không còn hóa chất để làm."
Việt Đức là bệnh viện hạng đặc biệt, đầu ngành ngoại khoa. Năm 2022, bệnh viện thực hiện hơn 79.000 ca mổ. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân nội trú và khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám.
Trước tình trạng này, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đề nghị Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan cần cấp thiết vào cuộc để xây dựng, ban hành các thông tư, nghị định, giúp bệnh viện có hành lang pháp lý giải quyết khó khăn.
Được biết, tình trạng này không chỉ diễn ra ở Việt Đức mà còn ở một số bệnh viện tuyến cuối khác. Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai không mua được máy móc và hóa chất xét nghiệm, phải gửi bệnh nhân đến cơ sở khác chụp chiếu. Hiện Chợ Rẫy thiếu hoặc phải dừng hoạt động nhiều trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như: Máy chụp cắt lớp vi tính (CT), máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy siêu âm doppler màu...
Tại bệnh viện Bạch Mai, nhiều mặt hàng được Bệnh viện ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu. Tuy nhiên đến nay hàng vẫn không được giao do giấy phép nhập khẩu hết hạn, ví dụ vật tư ECMO, ống trợ giúp can thiệp động mạch vành, bóng nong động mạch vành...