TS.Trần Quốc Việt - Chủ tịch PVEP nhắc lại cuộc khủng hoảng giá dầu ở giai đoạn 2015 - 2021 để nói về những thách thức ghê gớm mà “Tổng” này cũng như ngành Dầu khí Việt Nam phải đối mặt và phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình với đất nước.
“Giai đoạn đó giá dầu xuống thấp hơn giá thành mà PVEP sản xuất, dẫn tới PVEP rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, uy tín bị giảm sút nghiêm trọng, nhất là trong giai đoạn 2016 - 2017”, ông Việt nhớ lại những ngày khó khăn.
Thêm nữa, đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát, được ví như một “cú đấm” bồi tiếp vào ngành Dầu khí, khiến lần đầu tiên trong lịch sử dầu khí thế giới xảy ra hiện tượng giá dầu xuống tới mức âm.PVEP lúc đó đã ở trong vòng xoáy của cuộc khủng hoảng kép, với nhiều trở ngại chưa từng đối mặt.
Vậy, PVEP đã xử lý những khó khăn tồn động từ nhiều năm trước cộng với cuộc khủng hoảng kép này ra sao?
“Chúng tôi đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thậm chí đã lội ngược dòng để vươn lên với những giải pháp đặc thù ngành Dầu khí và quản trị doanh nghiệp, để trở thành một đơn vị có dòng tiền vững vàng”, ông Việt nói.
Cụ thể, các giải pháp mà doanh nghiệp này đã kiên trì thực hiện và thành công đó là đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được diễn ra an toàn. Vì trong khai thác dầu khí luôn luôn đối mặt các nguy cơ mất an toàn… Nhiều khi, chỉ một sơ suất nhỏ, một sai lầm trong xử lý tình huống sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường. Vì thế, công tác an toàn phải được chú trọng nhất, không chỉ an toàn trong lao động, mà còn an toàn trong quản lý, trong vận dụng các quy định của pháp luật.
Thứ hai là phải thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, tối ưu chi phí tại các dự án, với mục tiêu đưa giá thành sản xuất tối thiểu về bằng với giá bán, nhất là trong giai đoạn giá dầu trên đà giảm mạnh.
Trong bối cảnh này, PVEP đã linh hoạt công tác quản trị, điều tiết tối ưu sản lượng khai thác tại các mỏ. “Ở giai đoạn khó khăn, chúng tôi phải ưu tiên phát triển tăng khai thác tại những mỏ có chi phí thấp và đảm bảo sản lượng khai thác hợp lý ở những mỏ có giá thành cao”, Chủ tịch PVEP nói và cho biết khi giá dầu lao dốc mạnh, cần phải linh hoạt trong khâu bán dầu.
Cụ thể, phải có sự quyết đoán và kịp thời, bởi nó liên quan đến dự báo biến động giá dầu trên thế giới nên phải tính toán xuất bán thời điểm nào để có lợi, thời điểm nào cho lưu kho, chờ giá tốt… Nhờ vậy mà PVEP đã có những quyết định đúng về thời điểm xuất hàng bán, giúp gia tăng lợi ích hàng triệu USD cho các dự án.
“Làm được điều này, phụ thuộc rất lớn vào tính cơ động và sự tích cực của toàn bộ bộ máy PVEP”, Chủ tịch Trần Quốc Việt khẳng định.
TS.Trần Quốc Việt - Chủ tịch PVEP |
Ngoài ra, những người “đứng mũi chịu sào” ở đây luôn xác định phải đảm bảo cho doanh nghiệp có một dòng tiền khỏe, từ các quyết sách quyết liệt về tài chính để doanh nghiệp có những bước tiến vững chắc sau này.
Thực tế, PVEP trước kia từng có thời điểm nợ ngân hàng tới 20 nghìn tỷ đồng, nợ các đối tác dịch vụ 3 nghìn tỷ đồng, tài sản cần xử lý có giá trị lên tới 70 nghìn tỷ đồng. Nhưng với sự linh hoạt, phù hợp trong điều hành sản xuất, cùng các giải pháp giãn nợ, cơ cấu lại các khoản vay, giãn thời gian trả nợ,…dòng tiền của PVEP đã dần phục hồi.
“Ngày hôm nay, có thể khẳng định dòng tiền PVEP đã vững vàng, tài khoản sẵn sàng đầu tư với số tiền lên tới 1,2 tỷ USD. Bằng những giải pháp hiệu quả, PVEP đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để phát triển trong giai đoạn tới”, Chủ tịch PVEP Trần Quốc Việt tự tin.
Thực hiện chủ trương tái cấu trúc sau khi PVN chuyển đổi từ mô hình Tổng công ty nhà nước sang Tập đoàn kinh tế, ngày 4/5/2007, PVEP được thành lập trên cơ sở hợp nhất Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí và Công ty Đầu tư Phát triển Dầu khí (PIDC).
Đây là một bước đi chiến lược của PVN nhằm tập trung nguồn lực trong lĩnh vực hoạt động cốt lõi, nâng cao tính chủ động và năng lực cạnh tranh để PVEP trở thành công ty dầu khí quốc tế, có hoạt động ở cả trong và ngoài nước.