Dịch Covid-19 ảnh hưởng tiến độ dự án
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp về việc số hóa Sổ hộ tịch, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh An Giang ban hành kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện. Theo đó, ngày 2/1, Sở Tư pháp (chủ đầu tư) ký hợp đồng với Cty Cổ phần quốc tế MBA thực hiện gói thầu số 9: “Tạo lập và phát triển cơ sở dữ liệu” thuộc dự án: “Đầu tư máy tính, trang thiết bị và chuyển đổi dữ liệu hộ tịch” với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là 90 ngày.
Việc số hóa nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đăng ký, quản lý hộ tịch. Từng bước xây dựng và tạo lập dữ liệu cho cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Đảm bảo tính chính xác, đầy đủ thông tin được số hóa theo nội dung Sổ hộ tịch giấy còn lưu giữ được. Đặc biệt, tạo kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch trên phạm vi toàn quốc và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo yêu cầu của pháp luật về hộ tịch.
Ông Cao Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp An Giang cho biết, theo gói thầu, đơn vị thực hiện sẽ thu thập, phân loại, sao chụp và tạo lập dữ liệu hộ tịch từ các sổ hộ tịch gốc để cập nhật vào hệ thống quản lý. Thực hiện theo hướng dẫn lộ trình 5 giai đoạn của Bộ. Theo đó, lần lượt ưu tiên các nhóm sổ: Sổ đăng ký kết hôn, Sổ đăng ký khai sinh, Sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, Sổ đăng ký cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; nhóm sổ đăng ký khai tử… “Khi các dữ liệu hộ tịch được số hóa thì mọi thủ tục, thông tin liên quan đến hộ tịch đều trở nên đơn giản. Chỉ cần một cú đúp chuột là xong, nên rất tiện lợi”, ông Sơn khẳng định.
|
Số hóa dữ liệu hộ tịch góp phần tạo sự thuận tiện trong công tác quản lý hộ tịch và cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời cho người dân |
Tuy nhiên theo ông Sơn, do An Giang là đơn vị đầu tiên trong khu vực ĐBSCL thực hiện dự án này nên trong quá trình triển khai phát sinh không ít khó khăn, vướng mắc. “Thời gian thực hiện gói thầu là 90 ngày nhưng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc tiếp nhận dữ liệu từ UBND các xã, phường…Ngoài ra, khi triển khai gặp trục trặc liên quan đến kỹ thuật và dữ liệu nên phải liên hệ Cục Công nghệ thông tin – Bộ Tư pháp nhờ hỗ trợ”, ông Sơn nói.
Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng Sở Tư pháp đã kiến nghị yêu cầu đơn vị thực hiện tập trung vào những nội dung không vướng mắc, dễ làm trước, khó làm sau trong lúc chờ hướng dẫn từ Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp. Đồng thời, linh động và tiết kiệm thời gian bằng cách, trong giờ hành chính thì tập trung scan dữ liệu, còn việc nhập dữ liệu sẽ thực hiện vào ngày nghỉ hoặc ngoài giờ hành chính. Nhiều trường hợp sẽ lấy dữ liệu về nhà làm. Việc ký mượn sổ hộ tịch được thực hiện sát sao, chặt chẽ đảm bảo an toàn, không thất thoát.
Tăng cường làm việc thứ bảy, chủ nhật
Toàn bộ gói thầu thực hiện số hóa hơn 1,2 triệu dữ liệu. Tính đến ngày 20/3 đã sao chụp gần 914.000 dữ liệu, chiếm 73,1%. Theo đánh giá của Trung tâm dịch vụ Công nghệ thông tin và truyền thông – Sở TT&TT tỉnh An Giang (đơn vị giám sát), trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn do nhà thầu thường xuyên thay đổi nhân sự. Mặc dù vẫn đảm bảo số lượng nhưng ảnh hưởng đến tiến độ do cần hướng dẫn và chuyển giao. Đồng thời, gần 2/3 nhân sự nhà thầu đến từ TP Hồ Chí Minh địa phương đã phát hiện trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 nên gây tâm lý cho cán bộ địa phương nên việc phối hợp đôi lúc chưa hài hòa.
Tuy nhiên, sau đó nhà thầu đã tăng cường bổ sung nhân lực để tiếp nhận các Sổ hộ tịch và số hóa trực tiếp tại một số UBND phường, xã, thị trấn. Đối với các địa phương khó khăn trong công tác tập trung Sổ hộ tịch, tăng cường làm việc thứ bảy, chủ nhật vừa phải bảo đảm giữ hồ sơ gốc để giải quyết thủ tục hành chính công liên quan cho người dân và vừa bảo đảm việc cung ứng hồ sơ cho nhà thầu thực hiện số hóa. “Việc thực hiện hợp đồng có chậm tiến độ. Nhiều vướng mắc làm ảnh hướng như: thời gian nghỉ Tết nguyên đán, tình hình dịch bệnh Covid-19, việc mượn các Sổ hộ tịch khó khăn do công tác chuyên môn cán bộ hộ tịch và yêu cầu bảo mật an toàn thông tin”, đơn vị giám sát kết luận.
Hiện nay, nhà thầu vẫn đang tiếp tục thực hiện công tác số hóa tuy nhiên đã có văn bản gửi Sở Tư pháp An Giang đề nghị gia hạn hợp đồng. Công ty cho rằng việc thực hiện gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19; Thời gian thực hiện hợp đồng trùng với thời gian nghỉ Tết Canh Tý; Công chức cấp xã, phường thị trấn chỉ làm việc vào giờ hành chính. Từ đó, việc bàn giao hồ sơ, kiểm soát và duyệt hồ sơ để chuận bị đưa lên hệ thống mất khá nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức số hóa theo kế hoạch.
Nói về vấn đề này người đứng đầu ngành Tư pháp An Giang khẳng định: “Do các lý do khách quan từ dịch Covid-19 và nghỉ lễ nên tiến độ chỉ chậm đôi chút so với kế hoạch. Tin rằng với quyết tâm thực hiện thì gói thầu này sẽ được nghiệm thu và đưa vào hoạt động trong thời gian gần nhất”
Liên quan đến vấn đề năng lực của nhà thầu, ông Sơn khẳng định từ công tác đấu thầu cho đến việc thẩm định năng lực nhà thầu đều được thực hiện đúng quy định: “Năng lực nhà thầu như thế nào, có bảo đảm hay không là do cơ quan chức năng họ thẩm định và làm, vì ngành tư pháp không đủ trình độ, kiến thức để thẩm định”, ông Sơn nói.