Tư pháp địa phương ”tăng tốc” hoàn thành nhiệm vụ

Thể hiện sự quyết tâm cao ”về đích sớm”, Tư pháp địa phương cho biết đang nỗ lực đề ra nhiều giải pháp đồng thời, kiến nghị Bộ Tư pháp một số vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho tư pháp cơ sở.

Thể hiện sự quyết tâm cao ”về đích sớm”, Tư pháp địa phương cho biết đang nỗ lực đề ra nhiều giải pháp đồng thời, kiến nghị Bộ Tư pháp một số vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho tư pháp cơ sở.

Ông Phạm Xuân Phương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội:  ”Bất cập là bổ nhiệm công chứng viên mà không cho mở văn phòng”
Với mô hình xã hội hóa hoạt động công chứng, việc cho phép lập các văn phòng công chứng (VPCC) tạo thuận lợi hơn cho người dân khi có yêu cầu. Tuy nhiên một thời gian Hà Nội đã bị tạm dừng mở VPCC, nhưng vẫn tiếp tục bổ nhiệm công chứng viên. Điều này gây những mâu thuẫn. Nhiều khi thành phố (UBND TP.Hà Nội-PV) hỏi chúng tôi có phải vì không quản lý được nên mới hạn chế mở VPCC? Chúng tôi thật khó trả lời. Bộ Tư pháp nên sớm tháo gỡ vấn đề này. 
Bà Ung Thị Xuân Hương, Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh:  ”Lo không đủ sức thẩm định tất cả các quyết định thu hồi đất trên địa bàn”.
TP.Hồ Chí Minh đã có trên 50% xã, phường có hai cán bộ hộ tịch tư pháp, tuy nhiên đội ngũ này vẫn chưa tương xứng yêu cầu nhiệm vụ vì hiện họ phải đảm đương quá nhiều công việc. Sắp tới đây, theo dự thảo Luật Hộ tịch, giao tất cả các việc đăng ký hộ tịch về cho cấp xã thì sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, sau vụ thu hồi đất Tiên Lãng, thành phố có chủ trương giao Tư pháp thẩm định tất cả các quyết định thu hồi đất trên địa bàn. Một năm hàng ngàn quyết định, Tư pháp mừng vì được tin tưởng nhưng cũng lo không đủ sức để làm. Đề nghị Bộ cho ý kiến về vấn đề này, Tư pháp chỉ có thể tham gia ở mức độ nào thôi”...
Ông Lê Đạo, Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Nam: 
”Cần khắc phục tình trạng ”xin-cho” biên chế”.
Công việc ngày càng nặng nề đòi hỏi tư pháp phải kiện toàn bộ máy, đủ biên chế đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, quỹ biên chế của các Sở Tư pháp hiện còn nhiều khác nhau, vẫn còn một số nơi dưới 30 cán bộ, quá ít so với khối lượng công việc. Bộ Tư pháp nên xác định cơ cấu biên chế cho cấp Sở theo hướng chia các tỉnh thành ra từng loại: 1,2,3..., theo đó xác định số lượng biên chế tương ứng. Việc này sẽ khắc phục tình trạng tư pháp phải ”đi xin”.
Ông Lê Đình Thu- Giám đốc Sở Tư pháp Điện Biên:
”Quan tâm hơn đến các địa phương miền núi”
Bằng nhiều biện pháp, ngành Tư pháp đã tham gia trong việc ổn định tình hình an ninh trật tự tại huyện Mường Nhé. Năm 2012 Tư pháp tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, ưu tiên những vùng khó khăn, trong đó có Mường Nhé. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ tư pháp ở huyện này còn quá mỏng.
Năm 2009 chỉ có một Trưởng phòng và một nhân viên. Năm 2011, sau khi được bổ sung thêm một thì Trưởng phòng chuyển công tác khác. Phòng Tư pháp còn lại hai chuyên viên, Trưởng phòng do Chánh văn phòng kiêm nhiệm. Đến tận bây giờ, Phòng Tư pháp vẫn chỉ có 3 biên chế. Bộ, UBND tỉnh cần quan tâm hơn đến vấn đề biên chế cho các tỉnh miền núi, đặc biệt địa bàn trọng điểm”.
Ông Huỳnh Chánh Huy, Giám đốc Sở Tư pháp An Giang: 
”Cần cho phép người dân vùng sâu công chứng hợp đồng tại ủy ban cấp xã”
Cả tỉnh hiện có 14 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 2 phòng công chứng với 20 công chứng viên. Sau khi có chủ trương chuyển giao hợp đồng, giao dịch từ ủy ban xã sang cho các tổ chức hành nghề công chứng, ở một số địa bàn người dân phản ánh phải đi lại xa xôi, mất thời gian, chi phí. Họp HĐND, đại biểu cũng chất vấn rất nhiều. Chủ trương chuyển giao về lâu dài là đúng đắn nhưng nhiều cử tri và đại biểu HĐND đề nghị những nơi chưa đảm đương được nhiệm vụ này thì để người dân lựa chọn, có thể đến UBND cấp xã theo tinh thần Thông tư 04 liên Bộ Tư pháp- Nội vụ. 
Bình An (ghi)

Đọc thêm