Tư pháp Đồng Tháp triển khai đồng bộ, toàn diện có trọng tâm, trọng điểm nhiệm vụ được giao

(PLVN) -  Ngành Tư pháp Đồng Tháp không ngừng đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động chuyên môn, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Các nhiệm vụ của ngành được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.

Luôn thích ứng, linh hoạt để hoàn thành nhiệm vụ

Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đề ra. Nhận thức của lãnh đạo các cấp, cán bộ, người dân về công tác tư pháp ngày càng được nâng cao. Vai trò, vị thế của ngành Tư pháp ngày càng được khẳng định. Các vấn đề pháp lý về dự án đầu tư tại tỉnh, các vấn đề pháp lý liên quan đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo được UBND Tỉnh tin tưởng giao thẩm định, cho ý kiến.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được thực hiện thường xuyên, kịp thời nhằm phát hiện quy định mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp để có biện pháp xử lý thỏa đáng. Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ các VBQPPL của HĐND, UBND trong hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngành Tư pháp Đồng Tháp đổi mới cách thức tổ chức sơ kết công tác

Ngành Tư pháp Đồng Tháp đổi mới cách thức tổ chức sơ kết công tác

Ngành Tư pháp Đồng Tháp luôn thích ứng, linh hoạt trong tình hình mới đối với hoạt động theo dõi, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ của ngành. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp tại cấp huyện, cấp xã. Nâng tầm vai trò quản lý nhà nước đối với các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp thông qua việc phát huy hiệu quả các quy chế phối hợp đã được ký kết.

Về hoạt động PBGDPL, Đồng Tháp luôn triển khai theo hướng đổi mới, sáng tạo, hiệu quả. Qua đó, người dân dễ dàng tiếp cận, không ngừng nâng cao ý thức chấp hành của cán bộ, người dân. Để thực hiện hiệu quả công tác này, tỉnh đã tận dụng tối đa lợi thế về công nghệ thông tin. Qua đó, các chuyên trang, chuyên mục, Bản tin trên Trang Facebook, Zalo, Trang thông tin điện tử được quan tâm thực hiện thường xuyên. Các chương trình, chuyên mục tư vấn pháp luật trên sóng truyền hình, truyền thanh ngày càng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức gần 3.600 cuộc PBGDPL trực tiếp với gần 155.000 lượt người tham dự, tổ chức 02 cuộc thi trực tuyến với 275 lượt người dự thi, phát hành trên 161.500 tài liệu tuyên truyền, PBGDPL.

Song đó, Sở cũng tham mưu UBND tỉnh thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Sở tiếp tục chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn thường xuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp; rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh.

Các hội thi tìm hiểu pháp luật góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật của cán bộ, nhân dân

Các hội thi tìm hiểu pháp luật góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật của cán bộ, nhân dân

Tư pháp cấp huyện có nhiều “điểm sáng”

Một trong những điểm nhấn của Đồng Tháp là về công tác hòa giải cơ sở. Nhiều năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả về hòa giải cơ sở. Điển hình mà mô hình CLB Hòa giải đang có sức lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở và tiếp tục được nhân rộng. Đến nay, trên toàn tỉnh đã nhân rộng được 101 CLB Hòa giải. Đồng thời, toàn tỉnh có 721 Tổ hòa giải với 4.085 Hòa giải viên. Trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tiếp nhận và hòa giải 1.477 vụ việc, trong đó hòa giải thành 1.320 vụ việc, đạt tỷ lệ 89,4% (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022).

Một điểm nhấn nữa của Tư pháp Đồng Tháp trong 6 tháng đầu năm là những điểm sáng của tư pháp cấp huyện. Trong 6 tháng đầu năm tỷ lệ hòa giải thành đạt 89,4% (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022). Công tác phối hợp với các ban, ngành đoàn thể, các địa phương trong tuyên truyền, PBGDPL ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ hơn. Đồng thời, trình độ chuyên môn của lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên các xã từng bước được nâng cao. Nội dung và phương pháp tuyên truyền phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Từ đó nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao, hạn chế việc vi phạm pháp luật và đơn, thư khiếu nại vượt cấp. Đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã tiếp tục được kiện toàn, củng cố, góp phần thiết thực vào thành tựu chung của công tác Tư pháp tỉnh Đồng Tháp.

Ngành Tư pháp luôn thực hiện tốt công tác cán bộ, tạo nguồn nhân lực có trình độ, nhiệt huyết làm tốt nhiệm vụ được giao

Ngành Tư pháp luôn thực hiện tốt công tác cán bộ, tạo nguồn nhân lực có trình độ, nhiệt huyết làm tốt nhiệm vụ được giao

Bên cạnh những thành tích đạt được, công tác tư pháp Đồng Tháp cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định. Chủ yếu là về công tác cán bộ. Dù đã củng cố, kiện toàn nhưng chưa đáp ứng kịp yêu cầu, nhiệm vụ. Khối lượng công việc nhiều nhưng biên chế lại giảm dẫn đến tình trạng “quá tải”. Đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cũng rơi vào tình trạng tương tự khi số lượng đăng ký các sự kiện hộ tịch ngày càng tăng, phải kiêm nhiệm nhiều việc tại địa phương. Đối với công chức pháp chế tại địa phương lại chưa phù hợp tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, chủ yếu là kiêm nhiệm.

Bà Lê Thị Hồng Phượng – Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Tháp cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong chỉ đạo điều hành. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.

Bên cạnh đó, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành. Đặc biệt, chú trọng công tác phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ tỉnh đến cơ sở. Ngoài ra, đặc biệt quan tâm đến công tác cải tiến lề lối làm việc, thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật. Qua đó, khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu trong khi giải quyết yêu cầu của người dân.

Đọc thêm