Tư pháp Hậu Giang - “cánh tay đắc lực” giúp phát triển kinh tế - xã hội địa phương

(PLVN) - Chiều ngày 9/12, Đoàn Công tác của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc làm trưởng đoàn  làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang. Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; lãnh đạo Sở Tư pháp; cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Trình bày với đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang cho biết: Để triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao, trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp, nhiệm vụ UBND giao, Sở Tư pháp đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả các lĩnh vực công tác tư pháp tại địa phương. Ngành tư pháp Hậu Giang đã tập trung thực hiện tốt, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm được giao và đạt được một số kết quả nổi bật.

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Công tác xây dựng thể chế có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động tuyên truyền, PBGDPL và theo dõi thi hành pháp luật được đổi mới về hình thức, nâng chất về chiều sâu so với thời gian trước. Địa phương đã triển khai hoạt động PBGDPL bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức cuộc thi, phát hành tờ bướm, tờ gấp, ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của Trang thông tin điện tử PBGDPL… Đặc biệt, xây dựng và triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo như: Mô hình CLB “Hội viên ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền pháp luật”, mô hình “Trợ giúp pháp lý trong công tác hòa giải cơ sở” trên địa bàn thành phố Ngã Bảy, mô hình tuyên truyền PBGDPL cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn Vị Thanh; mô hình Phụ nữ Dân tộc với Pháp luật trên địa bàn huyện Long Mỹ...

Ông Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang báo cáo trước đoàn công tác

Ông Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang báo cáo trước đoàn công tác

Chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực vào việc xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tỷ lệ hòa giải thành đạt 91%. Cải cách hành chính trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp được tập trung rà soát, đề xuất cắt giảm góp phần phục vụ tốt yêu cầu của người dân, doanh nghiệp... Bên cạnh đó, cơ quan tư pháp địa phương còn tham mưu hoàn thành tốt những nhiệm vụ đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, UBND các cấp. Đồng thời, luôn đầu tư, nghiên cứu, chủ động đề xuất những giải pháp, cách làm mới để đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của đơn vị. Nhìn chung, trong năm 2023, toàn ngành Tư pháp tỉnh Hậu Giang đã thực hiện tốt các yêu cầu, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh năm 2023. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp của tỉnh Hậu Giang trong năm 2023 cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định.

Ông Lê Phước Toàn – Cục trưởng Cục THADS tỉnh Hậu Giang báo cáo về công tác THADS.

Ông Lê Phước Toàn – Cục trưởng Cục THADS tỉnh Hậu Giang báo cáo về công tác THADS.

Ông Lê Phước Toàn – Cục trưởng Cục THADS cho biết: Công tác THADS trên địa bàn tỉnh được triển khai có hiệu quả, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, trong đó có 02 chỉ tiêu quan trọng về việc và về tiền. Về việc, ngành THADS tỉnh Hậu Giang đã thi hành xong 8.229 việc trên tổng số 9.802 việc có điều kiện thi hành, đạt tỉ lệ 83,95%, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2022, vượt chỉ tiêu Tổng cục giao là 1,15%. Về tiền, đã thi hành xong gần 247 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 51,24%, vượt chỉ tiêu Tổng cục giao là 5,44%.

Nhận thức về công tác tư pháp ngày càng cao

Đại diện Hội Luật gia tỉnh Hậu Giang cho biết: Hội kết hợp chặt chẽ với Phòng Tư pháp và UBMTTQVN cấp huyện để triển khai pháp luật tới từng xã, thị trấn. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục triển khai pháp luật đi sâu vào các cơ sở tôn giáo, nhà thờ, chùa chiền. Theo đó, tập trung triển khai những luật mới có liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân. Đại diện Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang đánh giá cao việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực công tác của Sở Tư pháp trong thời gian qua. Từ đó thúc đẩy hiệu quả các mặt công tác.

Đại diện Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang phát biểu ý kiến

Đại diện Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang phát biểu ý kiến

Từ các ý kiến của lãnh đạo các Sở, ngành địa phương, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cũng có ý kiến đánh giá và trao đổi về các lĩnh vực công tác của tư pháp Hậu Giang. Các thành viên trong đoàn đánh giá cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác tư pháp của Hậu Giang về: công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, công tác pháp chế, ứng dụng công nghệ thông tin, lý lịch tư pháp…

Bà Đỗ Thị Thanh Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) trao đổi với địa phương

Bà Đỗ Thị Thanh Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) trao đổi với địa phương

Các thành viên trong đoàn công tác trao đổi, giải thích nhiều vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ cho địa phương

Các thành viên trong đoàn công tác trao đổi, giải thích nhiều vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ cho địa phương

Ở góc độ địa phương, ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đánh giá cao cách làm của Bộ Tư pháp. “Bộ có cách làm rất hay, minh bạch, rõ ràng”. Theo ông Thanh, Bộ đã kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và giải thích rõ ràng những nội dung vướng mắc. Những nội dung thuộc văn bản mà chưa rõ ràng thì bổ sung, sửa đổi. Cùng với đó, gặp gỡ các địa phương để tiếp tục lắng nghe, đề xuất những vấn đề phát sinh. Theo ông Thanh, “những vấn đề khó khăn liên quan đến nhận thức, cách hiểu trong các văn bản, quy định pháp luật, dưới luật thì ngồi lại thống nhất cách hiểu. Cách làm của Bộ rất hay và hiệu quả. Tôi nghĩ rằng, nếu các Bộ khác cũng làm như vậy thì anh em sẽ tiến bộ rất nhanh”, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang bộc bạch.

Đánh giá về công tác tư pháp địa phương, ông Thanh cho biết: “Nhận thấy có nhiều tiến bộ. Đặc biệt là nhận thức của các cấp, các ngành từng bước tốt hơn, quan tâm hơn với công tác tư pháp”. Đối với công tác cán bộ trong hệ thống ngành tư pháp về cơ bản là chuẩn về trình độ, không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, “nhờ đó nội dung tham mưu cũng chắc hơn, mình cũng yên tâm hơn. Những việc nào anh em yếu thì phải tập huấn, bồi dưỡng”.

Ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại buổi làm việc

Ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại buổi làm việc

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chúc mừng những kết quả tích cực mà chính quyền và người dân Hậu Giang đã đạt được. Trong thành công chung của tỉnh nhà có sự đóng góp không nhỏ của công tác tư pháp.

Theo Thứ trưởng, công tác tư pháp của tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, bám sát chương trình trọng tâm công tác của Bộ, ngành Tư pháp, chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương và đạt được những kết quả nổi bật. “Các mảng công tác của ngành tư pháp rất nhiều, có những việc số lượng vượt gấp đôi nhưng các đồng chí vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ”. Để đạt được những kết quả đó là nhờ vào sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của lãnh đạo địa phương cùng với sự nỗ lực và không ngừng cố gắng của tập thể, cá nhân ngành tư pháp. Chưa hết, Thứ trưởng còn cho biết thêm, bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo kết quả công tác tư pháp đã thẳng thắn nhìn nhận khá đầy đủ những tồn tại, hạn chế và khó khăn trong các mặt công tác tư pháp của tỉnh trong năm qua. “Để nêu được khó khăn, vướng mắc thì các đồng chí phải làm, làm thật và trân trọng công việc thì mới biết cái gì khó khăn, vướng mắc, tồn tại”.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại buổi làm việc

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại buổi làm việc

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Sở Tư pháp tiếp tục quan tâm, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong xây dựng thể chế, tham mưu tốt cho lãnh đạo địa phương. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực lý lịch tư pháp, hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, bổ trợ tư pháp. Đối với các cơ quan THADS, Thứ trưởng yêu cầu tiếp tục triển khai các biện pháp, giải pháp nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về THADS. Đặc biệt, phải theo dõi, cố gắng thực hiện nhiệm vụ bền vững, đã vượt thì phải duy trì và tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ.

Để làm tốt được các chức năng, nhiệm vụ ngày càng nặng nề thì Sở Tư pháp và Cục THADS phải tranh thủ sự lãnh, chỉ đạo của lãnh đạo địa phương. Đồng thời tăng cường phối hợp với các, sở, ban, ngành trong tỉnh. Đối với các đơn vị thuộc Bộ, nếu địa phương có đề xuất, kiến nghị tổ chức các lớp tập huấn thì sẵn sàng cử chuyên gia hàng đầu, tài liệu và dành thời gian hỗ trợ Hậu Giang. Còn đối với kiến nghị của địa phương, đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã có trao đổi cụ thể. Đối với những vấn đề còn chưa rõ thì đề nghị các đơn vị tổng hợp chung để có nghiên cứu, tham mưu.

Đọc thêm