Chiều 31/12, Sở Tư pháp Quảng Bình tổ chức hội nghị tổng kết công tác tư pháp, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ông Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh, dự và phát biểu chỉ đạo.
|
Chủ trì hội nghị. |
Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong năm 2024, ngành Tư pháp và Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh Quảng Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp với các cấp, các ngành; bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Ngành và nhiệm vụ chính trị của địa phương, chủ động triển khai toàn diện, đầy đủ các nhiệm vụ được giao và đã đạt được nhiều kết quả trên tất cả các lĩnh vực.
|
Toàn cảnh hội nghị. |
Công tác chỉ đạo, điều hành của ngành Tư pháp tiếp tục được đổi mới, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trong năm, đã tham mưu 100% văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND tỉnh được triển khai đúng quy định, đảm bảo tính cấp thiết và dự báo; 115 nhiệm vụ do UBND tỉnh giao và 100% nhiệm vụ thực hiện đúng và đạt trước thời hạn.
Đến 31/10/2024, đã cập nhật 2.065 văn bản QPPL (trong đó 352 Nghị quyết, 1.266 Quyết định, 447 Chỉ thị). Riêng trong năm 2024, đã cập nhật 35 văn bản QPPL gồm 08 Nghị quyết và 27 Quyết định. Kiểm tra, rà soát, sửa đổi 101 văn bản QPPL để cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia. Ngoài ra, tất cả các văn bản QPPL của tỉnh ban hành đều được đăng tải trên trang Công báo điện tử và xuất bản Công báo in cung cấp cho các cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh, tạo điều kiện cho cán bộ và Nhân dân tìm hiểu, tra cứu.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho cá nhân có thành tích trong công tác từ năm 2018-2022. |
Công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật được triển khai theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương. Ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng được nâng cao. Năm 2024, các tổ hòa giải đã thụ lý 559 vụ việc; hòa giải thành 416 vụ việc; hòa giải không thành 137 vụ việc; số vụ việc chưa giải quyết xong 06 vụ việc. Trong đó, hòa giải thành đạt tỷ lệ 75,2%.
Nổi bật là các mô hình, điển hình về tuyên truyền PBGDPL, hòa giải cơ sở như: Phiên tòa giả định, sân khấu hóa, Câu lạc bộ tư vấn pháp luật, mỗi cán bộ không chuyên trách ở Tổ Dân phố, Tổ nhân dân là một hòa giải viên… Tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Luật Đất đai năm 2024” trên địa bàn, thu hút hàng chục ngàn lượt người tham gia.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân trao tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh cho 01 cá nhân. |
Xuất hiện nhiều cách làm hiệu quả như: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh với mô hình “Tiếng loa biên phòng” và "Truyền thanh bản xa"; Tỉnh đoàn xây dựng các Infographics về pháp luật đăng tải trên Fanpage “Tuổi trẻ Quảng Bình”; Công an thành phố Đồng Hới với mô hình “Zalo - Kết nối bình yên”; UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện xây dựng kênh Zalo về PBGDPL từ cấp huyện, cấp xã đến cấp thôn kịp thời đưa thông tin pháp luật đến từng hộ gia đình…
Bên cạnh đó, Tư pháp các cấp cũng đã tích cực nâng cao công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật; TGPL cho người dân, vùng sâu, vùng xa; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm sau thanh, kiểm tra; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tập trung các nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý, điều hành, xây dựng Cơ sở dữ liệu công chứng, Số hóa sổ hộ tịch, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; đẩy mạnh hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06...
Các hoạt động TGPL đạt nhiều kết quả quan trọng, trong năm thực hiện 6.033 vụ việc tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý miễn phí; TGPL 875 vụ việc cho trên 875 trường hợp được TGPL; tham gia tố tụng 79 vụ việc; đại diện ngoài tố tụng 12 vụ việc; tham gia hòa giải tại Tòa án 80 vụ việc. Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đạt nhiều kết quả tích cực.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận về những khó khăn vướng mắc, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện đạt hiệu quả công tác tư pháp trong thời gian tới.
|
Đại biểu tham luận tại hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả toàn diện của ngành Tư pháp, đồng thời cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế cũng như những khó khăn mà các ý kiến tham luận tại hội nghị.
Về nhiệm vụ và giải pháp trong năm 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân đề nghị: Ngành Tư pháp, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh cần chủ động triển khai toàn diện, chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ với sự nỗ lực cao nhất, trong đó lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
Tổ chức quán triệt, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ của Ngành đã được xác định tại các chương trình, kế hoạch của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt, hướng về cơ sở. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của ngành Tư pháp đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương chung.
Chủ động triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng thể chế, theo dõi thi hành pháp luật và xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong chỉ đạo, điều hành, để nâng cao vai trò, vị trí là cơ quan “gác cổng” về pháp luật của tỉnh.
|
Ông Trần Chí Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho cá nhân. |
Phát huy vai trò là đơn vị nòng cốt, trung tâm trong phối hợp, tham mưu UBND tỉnh trong việc hoàn thiện thế chế; đánh giá tác động chính sách và lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động phải thực chất, chuyên sâu; phát hiện và loại bỏ ngay từ khâu dự thảo những quy định trái, mâu thuẫn, chồng chéo, “lợi ích nhóm”, tạo cơ chế “xin - cho”.
Tiếp tục đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới, sáng tạo, đột phá, ưu tiên các nhiệm vụ liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
|
Chú trọng đầu tư nguồn lực về chuyển đổi số trong các lĩnh vực của ngành. Kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm công tác tư pháp để triển khai được đồng bộ, hiệu quả. Hoàn thành cao nhất 36 lĩnh vực của ngành, 24 nhóm nhiệm vụ trọng tâm theo Kế hoạch của Bộ Tư pháp đã ban hành.
Dịp này, hội nghị cũng đã biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Tư pháp để lan tỏa gương điển hình tiên tiến trong toàn ngành.