Tư Pháp Thanh Hóa :Nỗ lực hơn vì nhiệm vụ mới

 Hôm qua (29/11), Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã làm việc với cán bộ chủ chốt của Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Thanh Hóa, với sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Thọ, đại diện Thường trực HĐND, các cơ quan chức năng của tỉnh.

Hôm qua (29/11), Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã làm việc với cán bộ chủ chốt của Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Thanh Hóa, với sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Thọ, đại diện Thường trực HĐND, các cơ quan chức năng của tỉnh.

Vẫn “vướng” vì thiếu cán bộ

Nhấn mạnh đến công tác cán bộ, ông Dương Khánh – Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hóa – cho biết, năm 2010 công tác cán bộ được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp. Ngoài ra, các mặt công tác tư pháp khác đã được Sở, các phòng và cán bộ tư pháp – hộ tịch cấp xã của Thanh Hóa thực hiện với nhiều kết quả khả quan.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc với Sở Tư pháp Thanh Hóa
Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm việc với Sở Tư pháp Thanh Hóa

Sở Tư pháp Thanh Hóa đã tự chấm điểm cho các hoạt động tư pháp tỉnh năm 2010 đạt 116/120 điểm. Trong đó, các mặt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), quản lý THADS, tổ chức xây dựng ngành và đào tạo cán bộ, thanh tra, trợ giúp pháp lý (TGPL) đạt điểm tối đa (10 điểm/mặt công tác).

Ông Đào Anh Tuấn (Cục trưởng Cục THADS tỉnh Thanh Hóa) cho biết, năm 2010 toàn ngành không có cán bộ vi phạm kỷ luật,vi phạm pháp luật, cơ bản đã được kiện toàn về tổ chức. Tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh đa dạng, phức tạp hơn so với năm 2009, nhưng công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã được củng cố, chất lượng được nâng cao hơn so với năm 2009.

Dù đạt nhiều kết quả nhưng năm 2010 cả hai ngành Tư pháp và THADS tỉnh Thanh Hóa vẫn gặp phải khó khăn “điển hình” là thiếu cán bộ, cả về số và chất lượng. Lãnh đạo hai ngành ở tỉnh đều cho rằng, lượng cán bộ hiện nay là quá “mỏng” so với cơ cấu cán bộ và yêu cầu nhiệm vụ. Trong khi ngoài đô thị thì các vùng khác nguồn tuyển dụng rất hiếm, mà dù tuyển được cũng chỉ “giữ chân” cán bộ được vài năm.

Ông Đào Anh Tuấn đề nghị cho Cục tuyển dụng Chấp hành viên “dưới” tiêu chuẩn đối với những huyện khó khăn, phân cấp việc quản lý kinh phí hoạt động cho các Chi cục, xem xét việc thành lập lại Ban Chỉ đạo THADS tỉnh...

Để khắc phục tình trạng “một người phải đảm nhiệm quá nhiều đầu việc” như cán bộ tư pháp cấp xã hiện nay, ông Dương Khánh đề nghị UBND các cấp bổ sung biên chế, bố trí đủ cán bộ cần thiết, đúng chuyên ngành đào tạo cho Sở, Phòng Tư pháp và đội ngũ cán bộ tư pháp – hộ tịch cấp xã trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đủ điều kiện để triển khai tốt nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ công tác mới.

Tư pháp và THADS đã “vào cuộc”

Các thành viên trong Đoàn công tác đánh giá cao những kết quả của công tác tư pháp, THADS Thanh Hóa và cũng đã “chuyển” một số băn khoăn trong từng lĩnh vực đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ để tăng cường hiệu quả công tác Tư pháp và THADS tỉnh.

 

Thay mặt UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đình Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương, đánh giá cao những thành tích của công tác THADS và Tư pháp, nhất là công tác tham mưu chính sách của Sở Tư pháp như trong công tác đền bù, di dân ở khu công nghiệp Nghi Sơn (hơn 1.000 hộ với 4.000 người).

Ông Thọ nhấn mạnh, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ cùng ngành Tư pháp và THADS từng bước khắc phục khó khăn từ cơ sở, tích cực giải quyết khó khăn và kiến nghị trong công tác tư pháp và THADS. Tuy nhiên, bản thân các cơ quan phải chủ động có kế hoạch, đề xuất để UBND tỉnh chỉ đạo cơ chế phối hợp, hướng tới thực hiện hiệu quả công tác tư pháp và THADS.

Mặc dù mới triển khai công tác thực hiện bồi thường trách nhiệm nhà nước nhưng các cơ quan chức năng của Thanh Hóa đã thụ lý 04 yêu cầu. Trong đó, TAND tỉnh đã giải quyết 01 yêu cầu (70 triệu đồng), đang giải quyết 01 yêu cầu (hơn 509 triệu đồng), Cục THADS tỉnh đang giải quyết 01 yêu cầu (24 triệu đồng), 01 yêu cầu không có căn cứ pháp lý nên không được giải quyết.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường bày tỏ vui mừng vì sau một thời gian công tác tư pháp và THADS Thanh Hóa “chưa được quan tâm đúng mức”,  những năm gần đây và đặc biệt năm 2010, bước đầu hai ngành đã được kiện toàn, khởi sắc, tìm được “chỗ đứng”, “vào cuộc” với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương,

Trong khối công việc tư pháp “bề bộn”, Bộ trưởng đã ghi nhận những cố gắng của Sở trong việc triển khai khá đồng bộ, bám sát trọng tâm, trọng điểm công tác của Bộ, địa phương, tập trung thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ mới, khắc phục một số yếu kém kéo dài trên địa bàn tỉnh. THADS đã đi vào “thế”, được kiện toàn, thể hiện sự chuyển biến về nhận thức và sự ủng hộ của chính quyền địa phương.

Trước những yêu cầu công tác trong thời gian tới, Bộ trưởng bày tỏ sự tán thành cao với phương hướng công tác của hai ngành Tư pháp và THADS, cũng như quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh đối với hai lĩnh vực này.

Đồng thời, Bộ trưởng lưu ý ngành Tư pháp Thanh Hóa phải tiếp tục quan tâm đến công tác VBQPPL trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền và phát triển địa phương. Để phát huy được thế mạnh của ngành Tư pháp, đội ngũ pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh cũng phải được kiện toàn.

Kết quả THADS ở Thanh Hóa từ 1/10/2009 đến 30/9 2010 đạt về việc (85%) nhưng chưa đạt về tiền (61%) theo chỉ tiêu của Bộ Tư pháp giao (85% về việc và 64% về tiên). Tỷ lệ giải quyết án tồn đọng là 14%, tổ chức cưỡng chế an toàn, hiệu quả 147 việc, xét miễn giảm thi hành án được 585 việc/1.239 hồ sơ đề nghị, với tổng số tiền miễn, giảm là 713.516.000 đồng.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực như hộ tịch, bồi thường trách nhiệm nhà nước, quốc tịch (ở các địa bàn giáp biên), nuôi con nuôi, bổ trợ tư pháp (còn nhiều vấn đề, dù đã có những công việc thực hiện tốt) cũng cần được nỗ lực khắc phục tồn tại, giải quyết các “điểm nghẽn” (như công tác giám định tư pháp), phát triển đội ngũ Luật sư (hiện Thanh Hóa mới có 40 Luật sư) để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp...

Vì không phải vị trí công tác nào trong THADS địa bàn miền núi cũng cần tiêu chuẩn cử nhân luật chính quy nên nếu cứ yêu cầu như vậy là “lãng phí” nhân lực và công sức đào tạo của xã hội. Do đó, Bộ trưởng đề nghị chính quyền tỉnh quan tâm đến vấn đề “định biên” cho cấp xã, nhất là về tiêu chuẩn tuyển dụng cán bộ.

Bộ trưởng đề nghị HĐND tỉnh và huyện của Thanh Hóa quan tâm đến phân loại án có và không có điều kiện thi hành, phối kết hợp tốt trong công tác cán bộ THADS. “Án tồn đọng” vẫn là vấn đề “nhức nhối”, giải quyết miễn, giảm thi hành án còn thấp... là những tồn tại phải được giải quyết để tăng cường hiệu quả công tác THADS tại Thanh Hóa.

H.Giang

Đọc thêm