Từ phim 'Điệp vụ biển đỏ': Phim ra rạp - đừng để khán giả phải tự kiểm duyệt!

(PLO) - Thời điểm hiện tại, phim điện ảnh “nóng” nhất có lẽ không phải là các tác phẩm bom tấn của Hollywood chính là bộ phim mà Cục Điện ảnh đã kiểm duyệt “lọt lưới”, gây bức xúc cho dư luận.Điều này một lần nữa lại dấy lên sự hoài nghi về tay nghề đầy cảm tính của thành viên hội đồng kiểm duyệt.

Khi những ẩn ý bị bỏ qua

Cho đến lúc này, dù cho bộ phim Điệp vụ biển đỏ đã được rút khỏi các cụm rạp, dư luận vẫn đang xôn xao vì chi tiết quá ư nhạy cảm trong phim. Điệp vụ biển đỏ dựa trên câu chuyện có thật của đội đặc nhiệm Giao Long thuộc Hải quân Trung Quốc. Sau khi thành công trong việc giải cứu một con tàu chở hàng bị cướp ngoài khơi Somalia, đội được giao nhiệm vụ nguy hiểm hơn - một cuộc đảo chính ở một nước cộng hòa thuộc Bắc Phi - nơi khiến người dân Trung Quốc bị nguy hiểm, nhưng tình huống trở nên phức tạp hơn bởi một âm mưu khủng bố đe dọa con tin tại đây.

Điệp vụ biển đỏ là một trong những bộ phim thuộc thể loại hành động, thể loại mới “lên ngôi” tại Trung Quốc. Điều đáng nói là những phim hành động theo chủ nghĩa siêu anh hùng gần đây của các nhà sản xuất Đại lục không chỉ đơn thuần là làm phim theo trào lưu, nhái dòng phim tương tự của Hollywood mà thực chất nhằm mục đích phô trương thanh thế và sức mạnh của quân đội, cũng là nhằm khẳng định “chủ nghĩa siêu cường” của Trung Quốc. Tại Trung Quốc, Điệp vụ biển đỏ cũng là phim thuộc dạng “bom tấn” của Trung Quốc với 520 triệu USD, cao hơn doanh thu nhiều phim nổi tiếng của Hollywood. 

Tuy nhiên, điều đáng nói là bộ phim này, ngoài việc phô trương sức mạnh quân sự, còn có một chi tiết khá “nhạy cảm” về mặt chính trị. Vào đoạn cuối của phim là cảnh quay về một con tàu lạ xuất hiện trên biển, bị hải quân Trung Quốc áp sát và thông báo rằng đây là vùng biển của Trung Quốc, yêu cầu các tàu vào vùng này lập tức rút lui.

Cụm từ “South China Sea” được dùng như một sự khẳng định chủ quyền vùng biển thuộc Trung Quốc. Tuy không nói rõ vùng biển trong phim là biển nào, nhưng sự khẳng định này cũng mang khá nhiều ẩn ý, khi mà vấn đề chủ quyền trên biển Đông và tranh chấp biển Đông đang là “điểm nóng” được thế giới quan tâm. Cụm từ “South China Sea” thực chất cũng đã xuất hiện khá nhiều lần trong các tình huống khác khi phía Trung Quốc dùng để khẳng định chủ quyền trên biển Đông đã gây tranh cãi, bức xúc nhiều lần.

Không hiểu sao, một bộ phim có khá nhiều vấn đề như thế lại “lọt lưới” kiểm duyệt để được phát hành tại hệ thống rạp lớn nhất Việt Nam là CGV. Trước khi phim ra mắt đã được quảng cáo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông như là một “quái vật phòng vé”, siêu phẩm của Trung Quốc. Phim đã được công chiếu tại 13 rạp của CGV. Và người phát hiện ra “lỗi sai” này cũng không phải là các nhà quản lý điện ảnh, mà chính là khán giả đến rạp. Ngay khi phim được công chiếu, chính khán giả đã nhận ra “vấn đề” ở các chi tiết trong phim. Bộ phim bị kêu gọi tẩy chay, thất thu thảm hại. Tuy nhiên, việc rút phim khỏi rạp cũng không phải là động thái khắc phục của Cục Điện ảnh, mà lý do đơn giản là bên phát hành tự rút do… ế vé.

Đâu là chuẩn kiểm duyệt?

Cho đến lúc này, Cục Điện ảnh vẫn chưa ra một thông báo chính thức nào về vụ việc nói trên, và các vị Hội đồng kiểm duyệt vẫn né tránh trả lời. Thực chất, Điệp vụ biển đỏ không phải là bộ phim duy nhất phô trương thanh thế quân sự của Trung Quốc. Trước đó, chuỗi phim Chiến lang thắng lớn tại các phòng  vé, được quảng cáo rầm rộ ở Việt Nam cũng là một bộ phim có chủ đề tương tự, cũng được dễ dàng kiểm duyệt và được đón nhận tại Việt Nam. Sắp tới, dự kiến những phim thể loại này sẽ trở thành một trào lưu được sản xuất ồ ạt tại Trung Quốc.

Trong khi đó, “cây kéo” của các nhà kiểm duyệt trong nước vốn nổi tiếng là cảm tính, chưa thực sự có một chuẩn mực rõ ràng nào cho việc duyệt phim. Có khi, những bộ phim chưa quá mức nhạy cảm, nhưng lại bị cắt đến mức mất hết cả mạch phim, khiến phim rời rạc, khó hiểu, mất giá trị. Nhiều chi tiết nhỏ đáng ra chẳng ảnh hưởng gì cũng có thể bị yêu cầu bỏ. Có những bộ phim lại được thông qua quá dễ dàng, đến khi ra rạp, khán giả mới phát hiện ra sạn.

Trong năm vừa qua, việc dán nhãn, phân loại phim đã là một nỗ lực của các nhà quản lý điện ảnh nhằm giúp các bộ phim có thể tiếp cận công chúng tốt hơn. Tuy nhiên, chuẩn đưa ra để duyệt phim đến nay vẫn là thắc mắc của các nhà sản xuất, phát hành phim lẫn khán giả. Và với trào lưu mới từ Trung Quốc sắp đổ vào, nếu không có sự cứng tay cũng như tỉnh táo trong kiểm duyệt, người làm kiểm duyệt rất có khả năng sẽ “dính bẫy”, bỏ qua những ẩn ý phức tạp, nhạy cảm và nguy hiểm trong các chi tiết của phim.