Từ phim ảnh diễn viên nhí gợi dục
“Vợ Ba” bắt đầu ra mắt khán giả Việt Nam đã gây sự bất bình của khán giả khi nữ diên viên chính chỉ mới 13 tuổi khi đóng các cảnh nóng trong phim. Trong “Vợ ba”, Mây (Trà My- diễn viên nhí 13 tuổi) có khoảng bốn cảnh phim liên quan đến tình dục với chồng và một cảnh phim bày tỏ rung cảm đồng giới. Đặc biệt, câu thoại của cô bé Mây hỏi: “Làm sao biết khi nào thỏa mãn hả chị ?”. Một người vợ hơn tuổi trả lời đầy gợi dục “Khi anh Hùng mạnh bạo một chút…” khiến khán giả không khỏi sởn da gà.
Với vai diễn này, Trà My và mẹ em tự nguyện dấn thân. Trà My đóng phim dưới sự giám hộ của mẹ. Rất khó lý giải vì sao người mẹ đồng ý cho con mình vào vai diễn đó, hay phải chăng chính người mẹ cũng muốn con mình tiến nhanh trên con đường diễn xuất hay vin lý do “hy sinh vì nghệ thuật”, “phát huy tài năng”?
Ở Việt Nam,“Vợ ba” không dành cho người dưới 18 tuổi. Rõ ràng về lý, Trà My không được phép xem bộ phim này, vì năm nay em mới 15 tuổi (còn khi đóng phim này em chưa bước sang tuổi 13). Nhưng trên thực tế, mới đây Trà My tiết lộ em đã xem bộ phim này 5 lần. Trẻ em được phép đóng phim, nhưng mặt khác lại không được phép xem phim mình đóng?
Khi đóng phim, Trà My mới chỉ gần 13 tuổi, ở độ tuổi thiếu nhi, lứa tuổi mà pháp luật Việt Nam không cho phép bất cứ hình thức động chạm dục tính nào, kể cả đóng phim. Và rõ ràng là trong phim có rất nhiều cảnh nóng, mà đáng nói là có những cảnh nóng với trẻ 13 tuổi, dù có thể đã che chắn kiểm soát hình ảnh thì nó vẫn là cảnh nóng với trẻ 13 tuổi. 13 tuổi đóng cảnh nóng, bất kể cảnh đó chứa đựng thông điệp gì, chắc chắn việc đó sẽ tạo cho đứa trẻ những áp lực tâm lý và những tác động không kiểm soát được.
Trong lĩnh vực nghệ thuật, trẻ em dưới 16 tuổi vẫn có quyền lao động và Trà My vẫn có quyền đóng phim hợp pháp. Nhưng Điều 9 của Luật Điện ảnh có quy định cảnh phim không được có hình ảnh âm thanh mang tính đồi trụy, khiêu dâm. Cảnh phim cũng không được có dấu hiệu đồng tình với những gì trái thuần phong mỹ tục. Chương XI của Bộ luật Lao động Việt Nam quy định rất rõ về lao động chưa thành niên, không biết nhà sản xuất phim, đạo diễn phim có tuân thủ?
Chuyện sử dụng trẻ em để đóng cảnh nóng, cần xem lại đạo đức nghề nghiệp của đạo diễn và nhà sản xuất? Và ê-kíp “Vợ ba” có lạm dụng trẻ vị thành niên, vi phạm Luật Bảo vệ trẻ vị thành niên? Dù có chống chế thế nào thì nhà sản xuất và đạo diễn cũng không thể bao biện hành động vì nghệ thuật mà bất chấp tuổi tác, tâm sinh lý của diễn viên nhí của mình.
Không phải chỉ ở Việt Nam, hệ thống luật ở Mỹ có quy định cụ thể để bảo vệ trẻ em không bị lạm dụng khi đóng phim, đặc biệt là trong các cảnh liên quan đến tình dục. Nếu các cảnh phim vi phạm đạo luật phòng chống khiêu dâm trẻ em, nhà sản xuất phim chắc chắn bị xử phạt. Trong phim Hollywood, diễn viên vị thành niên không được phép tham gia vào cảnh phim mô tả việc quan hệ tình dục, kể cả khi không phải quan hệ thật.
Trẻ em phải nhảy múa, ăn mặc đầy phản cảm, không hợp với lứa tuổi. |
Diễn viên nhí chỉ được phép đóng cảnh ẩn dụ đến việc quan hệ tình dục, hoặc được đóng nhưng phải có diễn viên đóng thế khi quay cận các bộ phận nhạy cảm. Ở nước ngoài, nhiều bộ phim lại để diễn viên nhí đóng những cảnh 18+ gây ám ảnh khiến khán giả bất bình, tẩy chay bộ phim vì lo lắng về những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bình thường của các em.
Đó có thể tới những bộ phim: Hounddog, Siêu anh hùng, Cô bé xinh đẹp, Quái xế, Lolita, Phỏng vấn ma cà rồng, Quỷ ám, Tội ác tiềm ẩn, Người sói - Trận chiến cuối cùng… Những bộ phim này đều có những diễn viên nhí đóng với các cảnh quay sex, bị hiếp dâm, gợi dục, bạo lực, kinh dị, ma quái máu me đầy người….
Dù rất nhiều sao nhí diễn xuất tốt trong những cảnh phim đầy bạo lực hay 18+ nhưng đây là một vấn đề không bao giờ được khuyến khích. Những bộ phim gây ám ảnh lớn cho khán giả trưởng thành thì bất cứ ai tham gia diễn xuất không thể không bị ảnh hưởng chứ chưa nói tới tâm sinh lý của diễn viên nhí.
Ngày 20/5/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã giao Cục Điện ảnh kiểm tra quy trình cấp phép bộ phim “Vợ ba”. Và chiều 20/5, đơn vị sản xuất phim “Vợ ba” gửi đơn xin Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch dừng chiếu tác phẩm vì sức ép dư luận. Đây cũng là bài học cho những nhà sản xuất, đạo diễn khác có ý định đưa diễn viên nhí vào “vùng đất cấm”.
Đến gameshow, thí sinh nhí uốn éo sexy
Không chỉ có phim ảnh, vài năm trở lại đây, các gamehow truyền hình, các chương trình thiếu nhi ngoài trời đã xâm hại hình ảnh trẻ nhỏ, biến trẻ nhỏ như một công cụ giải trí. Dễ nhận thấy, tại các gameshow ca nhạc, tìm kiếm tài năng nhí, đạo diễn và nhà sản xuất sẵn sàng cho trẻ nhỏ mặc trang phục sành điệu, hở hang, uốn éo cơ thể theo những giai điệu sôi động, cất lên những ca từ mà chính các em không hiểu nội dung của nó ra sao.
Các cô bé, cậu bé sún răng, nói còn ngọng nhưng vẫn cố lên gân thể hiện cho bằng được những tác phẩm như: Xa khơi, Việt Nam quê hương tôi, Huyền thoại hồ Núi Cốc, Giấc mơ Chapi, hay uốn éo, vặn vẹo, nhảy nhót với: Taxi, Bay, Đường cong hoặc quằn quại, nức nở với: Cát Bụi, Tình lỡ..., hát ca trù, chầu văn như một cái máy vì không hiểu nội dung. Tại các gameshow nhảy, múa, các bé gái cơ thể chưa phát triển nhưng phải khoác lên mình những bộ cánh sexy, thể hiện các động tác ôm, mang, vác, xoạc... khá nhạy cảm.
Ngoài Ban Tổ chức, phụ huynh thí sinh nhí cũng là người tiếp tay cho nhà sản xuất trong việc “đánh cắp” tuổi thơ, biến các con mình là công cụ giải trí, gây lệch lạc tâm sinh lý của con mình. Khi con đạt giải, họ lấy làm hãnh diện và bắt con “chạy sô” mướt mải, bỏ rơi học tập, khoác lên người con những bộ cánh sexy mời gọi để thu thêm công chúng.
Còn nếu các con thua, những phụ huynh ấy lại càng cố cho con thi những cuộc thi khác, tìm mọi cách để con được nổi tiếng. Họ khuyến khích những đứa trẻ lao vào showbiz sớm với đầy rẫy cạm bẫy và chống chế rằng: “Đó là cách hy sinh vì nghệ thuật”.
Tại “Gương mặt thân quen nhí”, cô bé Phương Mỹ Chi phải ăn mặc bộ trang phục sexy như thế này. |
…Theo một báo cáo năm 2018 của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và Mạng lưới bảo vệ trẻ em toàn cầu ECPAT International, luật Việt Nam cấm sử dụng trẻ em dưới 16 tuổi cho các ấn phẩm khiêu dâm. Ở Việt Nam, vấn đề gây lo ngại hiện nay theo nghĩa nào đó còn nghiêm trọng hơn, vì ta không chỉ nói tới xâm hại phụ nữ, mà còn là trẻ em, đặc biệt là các bé gái.
Theo thống kê từ Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2018 có 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em. Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. Đó là chưa kể nhiều vụ xâm hại không được khai báo.
Bộ phim “Vợ ba” hay những gameshow, chương trình nghệ thuật đưa trẻ em làm “mồi nhử”, ‘câu view” như vậy có thể tăng thêm vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em, xâm hại trẻ em.
Để trả lại tuổi thơ trong lành cho các em, các khán giả cần phản đối mạnh mẽ hơn và tẩy chay những sản phẩm nghệ thuật mang trẻ em ra làm “mồi nhử” câu view.